Ngày 6/10/2022, trả lời truyền thông quốc tế, Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán Chính trị ĐSQ Ukraine tại Việt Nam cho biết: "Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một số cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Cuộc chiến gây chú ý và có tác động lớn nhất đến thế giới đó là cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine. Tại sao quý vị mời người Ukraine tham gia chạy vì hòa bình mà không giữ lại hình ảnh của chúng tôi? Tại sao đăng lên rồi lại xoá? Thay vào đó, sao lại đăng hình cờ của cái quốc gia đã phát động một cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu? Ý đồ của quý vị là gì?" Bà Nataliya đặt câu hỏi.
Ngày 6/10,/2022 trao đổi với BBC, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho rằng, có thể có sức ép, chỉ thị từ trên xuống cho báo “Hà Nội Mới”: “Theo tôi, không phải tự nhiên tờ “Hà Nội Mới” đã đăng hình rồi lại xoá đi, mà chắc chắn có sự chỉ đạo từ trên cao. Tôi nghĩ có thể là Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã chỉ thị cho “Hà Nội Mới”, làm ra cái động tác đáng xấu hổ này…”.
Tại sao phải đánh lộn sòng?
Trước đó, ngày 3/10, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam vừa gửi Thư ngỏ cho báo “Hà Nội Mới” – Cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội. Thư được viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Nếu muốn đọc trực tiếp trên trang facebook của Cơ quan đại diện Ukraine tại Việt Nam thì quý vị có thể xem toàn văn ở đây. Đọc xong văn thư ngoại giao được viết rất chuyên nghiệp này, nhiều người chắc muốn hỏi: Sao Ban Tuyên giáo lại có thể chỉ đạo kiểu “đổi trắng thay đen” như thế này được? Thực chất họ sợ cái gì mà chơi trò “đánh tráo”, xoá nhoà ranh giới giữa các chủ thể vốn rất khác nhau về bản chất như thế?. Cho đến nay, chưa thấy tờ “Hà Nội Mới” giải thích vì sao lại “đục bỏ” hình ảnh những nhân viên ngoại giao đại diện Ukraine tại Việt Nam tham gia “Giải chạy lần thứ 47 – Vì hòa bình” do chính tờ báo này tổ chức, rồi thay vào đó là hình ảnh của những người đại diện cho cái quốc gia đang hàng ngày “phóng tên lửa và bom đạn vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và di tản chiến tranh”. Vì là một dạng Công hàm Ngoại giao, nên ĐSQ Ukraine đã không vạch rõ rằng, đó chính là nước Nga của Putin...
Loại bỏ hình ảnh những nhân viên ngoại giao đại diện cho một quốc gia để thay bằng ảnh những nhân viên ngoại giao đại diện cho một quốc gia khác như trên càng làm sảng tỏ đường lối, chủ trương đối ngoại của ĐCSVN do TBT Nguyễn Phú Trọng cầm đầu. Đường lối này không chỉ làm cho Đảng mất tính chính danh, mà còn làm nhục cả dân tộc lẫn quốc thể. Đường lối này thường tỏ ra rất “rắn” với những quốc gia như Ukraine. Bất kể Cộng đồng châu Âu nhiều lần khẳng định, dân chúng Ukraine chiến đấu như những người bảo vệ cho các giá trị của châu Âu, đường lối ấy lại rất... “mềm” với một số quốc gia như LB Nga, hoặc liên tục bỏ “cương” – chọn... “nhu”, bỏ “tiến” – chọn... “thoái” với Trung Quốc, thậm chí “buông” tới mức, hệ thống truyền thông chính thức phải... “uyển chuyển”, trong một thời gian dài, không cơ quan truyền thông chính thức nào dám “chỉ mặt, gọi tên” mỗi khi Trung Quốc làm càn, mà chỉ nêu chung chung là... “lạ”!
Sở dĩ Hà Nội phải đánh lộn sòng như thế, vì mối lo có thực là: việc ngày càng có nhiều nghi ngờ về năng lực của Nga và sự lãnh đạo của Putin sẽ nhanh chóng biến thành các cuộc thảo luận chống Đảng. Các chuyên gia chính phủ đã chỉ thị cho truyền thông chỉ được nói giảm một nửa cũng như bác bỏ nếu có thể những thiệt hại trên thực tế của Nga. Và lý do thật sự của việc này là: Các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại thường được biến thành cơ hội để đặt câu hỏi về tính chính danh của giới lãnh đạo ở Việt Nam. Những tổn thất của Nga khiến Hà Nội lo ngại. Quân đội Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thiết bị của Nga. QĐVN vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ học thuyết của Liên Xô. Quyền hành trong quân đội vẫn theo hướng từ trên xuống và chỉ huy địa phương không thể chủ động. QĐVN vẫn là một quân đội của Đảng, bị ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ chế độ, chứ không phải Nhà nước.
Làm gì với “Ngoại giao Đà điểu”?
Chiều 4/10/2022, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Viện trưởng Tổng Viện Kiểm sát LB Nga Igor Krasnov. Tường thuật của báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin khá “dông dài”, nhưng tránh đề cập đến các diễn tiến nóng bỏng về cuộc chiến đang được cả thế giới quan tâm. Có thể gọi các động thái ngoại giao kiểu này của ĐCSVN đối với LB Nga thể hiện một chính sách “Ngoại giao Đà điểu”. Nghĩa là phía khách muốn nói gì thì nói, đưa tin kiểu gì thì đưa (ai mà cản được truyền thông Nga), còn chủ nhà giống như một con Đà điểu rúc đầu trong cát, tụng niệm những câu “đầu Ngô mình Sở”, mặc cho dư luận khu vực và quốc tế ngao ngán nhìn vào một quốc gia trước đây vốn có lúc từng được thế giới tôn trọng, vì cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhưng bây giờ thì Mỹ và phương Tây nghĩ gì khi Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời ông Igor Krasnov nói tại cuộc gặp: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất khó khăn. Cấu trúc của an ninh quốc tế tưởng chừng như không thể lay chuyển được, đến nay đang bị phá hủy. Các chính trị gia và nhà ngoại giao từ các nước phương Tây ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn kép.” Ông Krasnov cáo buộc: “Đỉnh cao của sự hung hăng và hoài nghi là lập trường công khai của họ về các hành động ác độc gần đây đối với đường ống dẫn khí Nord Stream. Đầu tiên, họ tuyên bố ý định loại bỏ cơ sở hạ tầng này, sau đó họ không cố gắng che giấu hành động phá hủy nó, và cuối cùng họ cáo buộc Nga phá hoại. Bạn thấy rằng điều này là hoàn toàn điên rồ.” Ông Krasnov ca ngợi Việt Nam: "Trong những điều kiện này, điều đặc biệt có giá trị là Việt Nam, bất chấp những khiêu khích và thông tin sai lệch, vẫn là người bạn và đối tác chiến lược đáng tin cậy của chúng tôi” (?)
Cách đây mấy tháng, chuyến thăm Hà Nội trong hai ngày 6 và 7/7 của Ngoại trưởng Nga cũng đã gây khó cho Việt Nam. Ngay trong buổi họp báo chiều 6/7, Ngoại trưởng Lavrov đã lớn tiếng đe dọa Mỹ và châu Âu, vốn là các quốc gia được Hà Nội tuyên bố đó là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam: "Chúng tôi (tức là Nga và Việt Nam) đã bàn về các thách thức kinh tế toàn cầu do các nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ gây ra". Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga và Việt Nam biết cách tiếp tục quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại sao cho không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực công bố. Hẳn nhiên các nội dung tiếp xúc hôm 4/10 cũng như 7/7 chỉ có tìm thấy trên các bản tin của Thông tấn xã Nga. Truyền thông Việt Nam đã “vận hết sức bình sinh”, hầu như “bỏ qua” các phát biểu của Krasnov và Lavrov.
Cũng như Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/10, trước đây 3 tháng, hôm 7/7, TBT Nguyễn Phú Trọng đã buộc phải “lắng nghe quan điểm của Ngoại trưởng Lavrov về Ukraine”. “Lắng nghe” mà không hề trao đổi lại là có hưởng ứng không? Giới phân tích đã nêu ra câu hỏi ấy. Ngày ông Sergei Lavrov rời Hà Nội (7/7), Tạp chí “Asia Times” đăng bài phân tích khá dài với tựa đề “Tại sao Việt Nam không thể và sẽ không rời bỏ Nga”. Theo đó, ông Lavrov, trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đã bày tỏ sự đánh giá cao của Nga đối với Việt Nam, vì đã từ chối tham gia vào hệ thống trừng phạt quốc tế “bất hợp pháp” do Mỹ cầm đầu. Bất chấp sự thật là cuộc chiến tranh tàn khốc do Nga đang tiến hành tại Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế (?!). Ông còn sử dụng hai ngày thăm Hà Nội để đả kích Hoa Kỳ, phương Tây và chính phủ Ukraine, rằng sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine tương đương với tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố nhà nước (?).
Dân tiếp tục bỏ xa Đảng…
Ukraine và các đồng minh đã lên án các cuộc bỏ phiếu ở Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia là bất hợp pháp và mang tính ép buộc. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc do phương Tây soạn thảo sẽ lên án “cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” của Nga và “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” các khu vực “trưng cầu dân ý”. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia viết trong một bức thư gửi các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc rằng: “Đây rõ ràng là một diễn tiến khiêu khích và mang tính chính trị hóa nhằm làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong Đại hội đồng và khiến các thành viên xa cách nhau hơn”. Ông cho rằng cần phải bỏ phiếu kín, vì cuộc vận động hành lang của phương Tây làm cho “có thể sẽ rất khó để các lập trường được bày tỏ công khai.”
Các động thái tại Liên hiệp quốc phản ánh những gì đã xảy ra vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine. Hồi bấy giờ, tại Hội đồng Bảo an, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết phản đối cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng của Crimea và kêu gọi các nước không công nhận nghị quyết đó. Đại hội đồng sau đó đã thông qua một nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý của Nga là không hợp lệ với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng chính thức, và hai chục nước không tham gia. Nga đang cố gắng giảm sự cô lập quốc tế của mình sau khi gần 3/4 Đại hội đồng bỏ phiếu khiển trách Moscow và yêu cầu Nga rút quân trong vòng một tuần sau cuộc xâm lược ngày 24/2 vào nước láng giềng Ukraine. Trước cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng hồi tháng 4 để đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, Moscow cảnh báo các nước rằng việc bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là “không thân thiện” với Nga và mối quan hệ của nước đó với Nga sẽ lãnh hậu quả.
Việt Nam có thể sắp phải đối mặt với một Nghị quyết mới của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA) để lên án cái gọi là “cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” của Nga và “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp các khu vực trưng cầu dân ý”. Cuộc bỏ phiếu lần thứ tư tới đây tại UNGA lại thêm một làn ranh mới giữa chính và tà, giữa văn minh và dã man… Và nếu, tại các cuộc bỏ phiếu sắp tới, nếu Việt Nam vẫn “ngựa quen đường cũ”, vẫn “theo voi hít bã mía”, thì hậu quả nhỡn tiền là tính chính danh của ĐCSVN sẽ bị xói mòn, người dân trong nước sẽ tiếp tục “bỏ xa” ĐCSVN. Trở lại Thư ngỏ của ĐSQ Ukraine ở đầu bài viết này, điều đáng mừng là rất nhiều độc giả đã bình luận với chung một ý rằng, người dân Việt Nam vẫn yêu chuộng hoà bình và hành động của tờ “Hà Nội Mới” không đại diện cho tất cả. Facebook tên Nguyen Nguyen viết: "Các bạn hãy luôn nhớ giúp cho chúng tôi một điều, báo Hà Nội mới là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Thành phố HN, không phải là tiếng nói của nhân dân thủ đô." Người tên Ky Mai viết: "Quá buồn và thất vọng với cái kiểu “ngoại giao cây tre” ngả nghiêng này, dù vẫn biết tờ báo này không (và chưa bao giờ) đại diện cho những người dân yêu chuộng tự do, chính nghĩa của Thủ Đô!"