Kể từ đầu tháng tới, dân chúng và giới chủ doanh nghiệp ở Nam Hàn sẽ thấy nhiều loại phí tiếp tục giảm dù mức giảm không phải là nhiều. Chẳng hạn nhờ khoản phí phải nộp cho việc phát triển hạ tầng ngành điện sẽ giảm từ 3,7% của hóa đơn tiền điện mỗi tháng xuống còn 3,2% nên mỗi doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chừng 450 Mỹ kim/năm, mỗi gia đình bốn người sẽ tiết kiệm được chừng 6 Mỹ kim/năm. Đến tháng 7 năm sau, khoản phí vừa đề cập sẽ tiếp tục được giảm thêm, còn 2,7% nên chi phí cho điện sẽ tiếp tục giảm một chút nữa. Tương tự, phí xuất nhập cảnh thu qua việc mua vé máy bay cũng giảm từ 7,4 Mỹ kim xuống còn 5,2 Mỹ kim. Phí làm hộ chiếu sẽ giảm từ 11 Mỹ kim xuống còn 2,2 Mỹ kim Phí cải thiện môi trường đối với cá nhân kinh doanh vận tải sẽ giảm 50% nếu xe vận tải có trọng tải dưới 800 ký .
Ngoài việc được thấy nhiều loại phí giảm, dân chúng và giới chủ doanh nghiệp ở Nam Hàn sẽ còn thấy diện miễn giảm phí được mở rộng. Ví dụ, trước đây, trẻ con dưới hai tuổi mới được miễn phí xuất nhập cảnh song từ đầu tháng 7/2023, diện được miễn phí xuất nhập cảnh sẽ mở rộng cho tất cả trẻ dưới 12 tuổi. Hoặc trước đây, chỉ những doanh nghiệp có doanh thu dưới 44,2 triệu Mỹ kim/năm mới được giảm phí xử lý rác, giờ việc giảm phí xử lý rác được mở rộng tới những doanh nghiệp có doanh thu dưới 73,7 triệu Mỹ kim/năm. Bên cạnh việc miễn giảm 12 loại phí, chính phủ Nam Hàn quyết định xóa bỏ 18 loại phí khác từ tháng 7 năm nay. Ví dụ sẽ thôi không thu phí cấp hộ chiếu ngắn hạn (dùng một lần trong một năm). Bởi việc xóa bỏ, miễn giảm một số phí ngoài thẩm quyền, chính phủ Nam Hàn đã đề nghị quốc hội Nam Hàn sửa đổi một vài đạo luật [1].
Sau hàng loạt biện pháp hỗ trợ tất cả các giới, chính phủ Nam Hàn tiếp tục chứng minh họ thật sự quan tâm đến lợi ích của tất cả các giới, thật sự muốn chia sẻ khó khăn với dân chúng Nam Hàn do vật giá gia tăng vì giao thương toàn cầu gặp nhiều trở ngại trong vài năm vừa qua bằng việc tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm miễn giảm hoặc bãi bỏ môt số loại phí.
***
Trong khi đó tại Việt Nam, sau hàng loạt tuyên bố, nghị quyết về việc hỗ trợ các thành phần yếu thế, kể cả doanh giới là những số không tròn trĩnh. Không chỉ người nghèo mà tất cả các giới càng ngày càng lao đao, chật vật hơn, chưa kể theo sau còn là những thông tin chỉ khiến dân chúng thêm chán chường, tuyệt vọng. Ví dụ, hệ thống trường công đang nỗ lực chuyển đổi từ “tự chủ một phần” thành... “tự chủ toàn phần”.
Hết “xã hội hóa” gần như tất cả các lĩnh vực liên quan đến dân sinh mà bản chất là chuyển trách nhiệm cung cấp phúc lợi công cộng và bảo đảm an sinh của hệ thống công quyền thành nghĩa vụ của dân chúng, buộc dân chúng gánh vác, giờ - có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất muốn cắt ngân sách dành cho giáo dục phổ thông. Hướng hệ thống trường học phổ thông đến “tự chủ” nghĩa là buộc phụ huynh trả chi phí giáo dục. “Tự chủ toàn phần” là phụ huynh phải tự trả toàn bộ chi phí giáo dục. Ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hiện có 43/68 cơ sở giáo dục các cấp “tự chủ một phần” và phụ huynh chia nhau gánh vác từ 10% đến 30% khoản chi thường xuyên. Theo kế hoạch, trong niên khóa tới, một trường cấp hai sẽ “tự chủ toàn phần” nên phụ huynh sẽ phải đóng 960.000 đồng/tháng/học sinh. Ý tưởng quái gở ấy đang được giới thiệu như sáng kiến [2].
Vì sao lại thế? Hãy thử tham khảo “Cuộc đại cải cách của ngành công an dưới thời Tô Lâm” mà tạp chí Luật Khoa vừa giới thiệu [3]. Bài này tổng hợp nhiều dữ liệu chính thức, chứng minh, nhân lực của ngành công an đã tăng gấp đôi, từ 714.000 thành 1,5 triệu người. Nếu cộng toàn bộ chi phí cho ngành này (bao gồm lương, tiền duy trì hoạt động và mua sắm trang bị, thiết bị chuyên dụng càng ngày càng đa dạng, hiện đại, kể cả những khoản đầu tư vô bổ như thành lập và duy trì... Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh), hẳn sẽ thấy vì sao bệnh viện thiếu giường, thiếu thuốc, thiếu các phương tiện khám – chữa bệnh và ngành giáo dục thiếu người giảng dạy. Đâu phải tự nhiên mà giáo viên bỏ việc hàng loạt và thanh niên quay lưng với lĩnh vực sư phạm: Năm 2022, Việt Nam thiếu khoảng 100.000 giáo viên, năm nay, con số này tăng lên thành 118.253 người.
Nếu tính từ 2015 – 2021, tổng số giáo viên tụt giảm 48.000 người trong khi số học sinh tăng thêm 2,5 triệu. Tuy giới lãnh đạo đảng CSVN quyết định từ 2022 đến 2026 bổ sung 65.980 biên chế trong đội ngũ giáo viên - nghĩa là chỉ bổ sung khoảng một nửa số giáo viên khiếm hụt nhưng giáo viên vẫn là loại việc không đủ sống, không có tương lai nên riêng năm 2023 có thêm 9.000 giáo viên bỏ việc...
***
Người Việt thường ví von Nam Hàn là xứ sở “kim chi”, chính quyền xứ sở đó không huênh hoang về “vị thế” về sự “tài tình, sáng suốt” trong quản trị, điều hành và lẳng lặng thực hiện từng bước trách nhiệm đối với những công dân bỏ phiếu chọn họ. Tại Việt Nam, hệ thống giành giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hứa hẹn đủ thứ nhưng nơi nhận vẫn chỉ là... “trên ti vi”. Không phải tự nhiên mà đảng chăm chút cho công an!
Chú thích
[1] https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=185713
[2] https://www.luatkhoa.com/2024/05/cuoc-dai-cai-cach-cua-nganh-cong-an-duoi-thoi-to-lam/