Nhật Bản, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, đang đối mặt với tình trạng kinh tế bị co cụm, giữa lúc những biện pháp mà chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua nhằm xoay chuyển tình thế không hề mang lại kết quả. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật từ Tokyo.
Những khó khăn của nền kinh tế lớn hàng thứ 3 thế giới, với dân số bị lão hoá và tăng trưởng bị trì trệ trong nhiều thập niên, đã khiến nước Nhật – vốn được các nước khác trên thế giới ngưỡng mộ, trở thành một nước mà các hội viên khác trong khối G7 cảm thấy tội nghiệp.
Ông William Saito, một doanh gia làm cố vấn đặc biệt cho Văn phòng Nội các Nhật, nhận định như sau.
"Chưa biết tình hình rồi sẽ ra sao. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang tiến vào một vùng đất chưa được khai phá."
Các nhà phân tích cho rằng những nước khác thuộc thế giới phát triển đã tiếp nhận di dân với qui mô lớn để ứng phó với tình trạng dân số lão hoá, nhưng giải pháp này không được dân chúng và chính phủ Nhật Bản chấp nhận.
Ông Martin Schuls, kinh tế gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo, cho rằng cơ cấu của kinh tế Nhật Bản cần phải thay đổi.
"Thị trường này nói chung đang bị co cụm. Nó làm cho kinh tế Nhật Bản khó lòng tăng trưởng trở lại. Tình hình này đòi hỏi những sự thay đổi lớn về cơ cấu và chuyện này phải mất nhiều thời gian."
Ông Schulz cho rằng việc mở cửa nền kinh tế, thay đổi cơ cấu của khu vực nông nghiệp và giúp các công ty Nhật đầu tư vào Đông Nam Á sẽ mang lại những thành quả lớn, nhưng phải mất từ 10 đến 15 năm.
Ông Shin Fukushige, giám đốc khu vực Á châu của công ty Seikowave, một công ty công nghệ cao của Mỹ, tỏ vẻ lạc quan về triển vọng tìm ra một giải pháp.
"Chúng tôi có lẽ là nước lớn đầu tiên phải ứng phó với những thách thức này. Điều đó cũng có nghĩa là đất nước chúng tôi có phần chắc là nước đầu tiên tìm ra được những giải pháp khả thi."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng những chính sách kích thích tài chánh, nới lỏng tiền tệ và cải tổ cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Takuji Okubo, giám đốc công ty tư vấn Japan Macro Advisors, chính sách kinh tế ba gọng kềm đó của ông Abe không mang lại kết quả.
"Lãnh vực mà ông ấy thất bại nhiều nhất là cải tổ cơ cấu. Tôi nghĩ rằng trong những năm vừa qua ông ấy đã không thực hiện một biện pháp cải cách nào có thể gọi là cải tổ cơ cấu. Và tôi không nghĩ rằng ông ấy hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong thị trường lao động hoặc vấn đề cải cách hưu bổng."
Những chương trình hưu bổng khu vực công của Nhật Bản bị thiếu hụt ngân quỹ một cách trầm trọng. Điều này làm cho các gia đình trung lưu, những người mà tài sản của họ ở mức khá cao so với dân chúng ở các nước phát triển khác, không muốn chi tiêu nhiều.
Cả những người thuộc giới trẻ, có mức thu nhập tương đối thấp, lẫn những người về hưu, có nhiều tiền tiết kiệm, ai nấy cũng đều ngần ngại, không muốn tiêu xài.
Các số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy tiền tiết kiệm trung bình của các gia đình ở Nhật trong năm ngoái đã lên tới mức kỷ lục là 18 triệu yen, tương đương với 164.000 đô la.
Ông Manabu Goto, một chủ tiệm tạp hoá ở Tokyo, nhận xét như sau.
"Chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe đã không làm cho dân chúng chi tiêu bởi vì họ cảm thấy bất an về tương lai. Cho nên chính phủ cần phải tìm cách khác."
Vấn đề chi tiêu của người tiêu thụ ở mức thấp tại Nhật Bản và những nước khác đã được các vị bộ trưởng tài chánh của khối G 7 mang ra thảo luận trong cuộc họp tại Sendai hôm thứ 6 và thứ 7 vừa qua.
Bộ trưởng Tài chánh Nhật, ông Taro Aso nói “Không có nhu cầu và đó là một trong những vấn đề lớn nhất trên toàn thế giới.”