Giới chức chính phủ Nam Triều Tiên loan báo sẽ phản ứng bằng các biện pháp trả đũa khác nhau nhưng không nêu rõ cụ thể nếu như một nhóm lập pháp bảo thủ của Nhật Bản cố tìm cách tới thăm một hòn đảo nhỏ có tranh chấp ngoài khơi bờ biển phía Đông của Nam Triều Tiên vào đầu tháng tới.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đặc biệt của Triều Tiên, ông Lee Jae-oh, đăng tải một thông điệp trên dịch vụ tin nhắn Twitter thề quyết bằng mọi cách sẽ ngăn cản bất kỳ chuyến đáp nào của phái đoàn Nhật tới hòn đảo.
Ông Yoshitaka Shindo, một nhà lập pháp thuộc đảng đối lập ở Nhật Bản cho hay ông cùng một số chính trị gia khác trong Đảng Dân chủ Tự do sẽ tới hòn đảo vào ngày 1/8. Ông ngoại của ông từng là một vị tướng trong Quân đội của Đế quốc Nhật.
Nam Triều Tiên hiện đang kiểm soát hòn đảo này. Seoul đặt tên là đảo Ulleung, nhưng Nhật cũng nhận chủ quyền tại đây và gọi nó là đảo Matsushima.
Hòn đảo này thuộc một dãy đảo nhỏ có tên gọi là Liancourt Rocks nằm trong vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Bắc Triều Tiên cũng phản đối các tuyên bố chủ quyền của Nhật. Khu vực này nổi tiếng là dồi dào trữ lượng cá và các mỏ khí đốt tự nhiên. Nhưng niềm tự hào dân tộc cũng có nguy cơ bị xúc phạm ngang với giá trị thương mại, trong nhiều thập niên nay, cả Nam-Bắc Triều Tiên và Nhật Bản đã tranh cãi về việc dành chủ quyền các hòn đảo nhỏ không người ở này.
Thủ tướng Nam Triều Tiên Kim Hwan-sik nói rằng chuyến thăm của các nhà lập pháp Nhật sẽ là một điều đáng tiếc. Các giới chức tại Bộ Ngoại giao ở Seoul quả quyết nếu phía Nhật không tới đây thì mọi việc sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Ra Jong-Il, đại sứ Nam Triều Tiên tại Nhật Bản từ năm 2004 tới 2007, có quan điểm khác. Ông cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu phái đoàn Nhật tới đảo Ulleung bằng cách trước tiên là sang Nam Triều Tiên, sử dụng hộ chiếu và visa hợp lệ.
Ông Ra nói: “Không có cách gì ngăn cản họ, về mặt pháp lý, khi họ tuân thủ luật quốc nội của Nam Triều Tiên. Bất kỳ phản ứng liều lĩnh nào chống lại việc này chỉ làm vấn đề thêm căng thẳng. Ngược lại, tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho người Nam Triều Tiên thuyết phục và tận mắt chứng kiến tuyên bố chủ quyền của Nhật tại hòn đảo này là phi lý và phi pháp ra sao.”
Giáo sư Park Young-jun chuyên nghiên cứu về chính sách của Nhật tại Đại học Quốc phòng Nam Triều Tiên tán thành quan điểm rằng một phản ứng quá mạnh mẽ từ Seoul sẽ có phản tác dụng.
Giáo sư Park nói việc đó sẽ biến vấn đề thành một vấn đề quốc tế, có lợi cho phía Nhật, và vẫn theo lời ông, là điều mà Nam Triều Tiên không mong muốn. Vì thế, cần có một phản ứng cẩn trọng và kiềm chế hơn đối với chuyến đi này.
Cho dù có mong đợi rằng các nhà lập pháp Nhật Bản sẽ tới hòn đảo với visa của Nam Triều Tiên, đã xuất hiện các dấu hiệu gia tăng bất bình trong dân chúng ở Nam Triều Tiên.
Trong cuộc tuần hành trước đại sứ quán Nhật ở Seoul hôm qua, những người biểu tình đã tìm cách đốt quốc kỳ Nhật Bản nhưng đã bị cảnh sát ngăn chặn.
Căng thẳng đã lên mức đáng ngại sau khi hãng hàng không Korean Airlines của Nam Triều Tiên cho bay thử một máy bay mới ngang qua một hòn đảo tranh chấp khác được nhiều người biết tới mà Nam Triều Tiên gọi là đảo Dokdo và Nhật Bản đặt tên là đảo Takeshima.
Giới phân tích ở đây nói rằng chuyến bay đó đã vượt qua đường vạch đỏ đối với phía Nhật.
Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto ra lệnh cho các nhà ngoại giao không được đi máy bay của hãng hàng không Korean Airlines trong vòng một tháng để phản đối hành động của Nam Triều Tiên.
Nam Triều Tiên đáp lại bằng cách yêu cầu Nhật Bản rút lại lệnh tẩy chay nếu không có thể sẽ bị trả đũa. Seoul gọi quyết định của Nhật là một lệnh cấm phi lý đối với một công ty tư nhân.
Cựu phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tomohiko Taniguchi, cho rằng cả đôi bên Seoul và Tokyo cần phải giảm bớt mức độ tranh cãi:
Ông Taniguchi nói: “Họ nên đẩy vấn đề này ra đằng sau. Ngọn lửa tinh thần dân tộc không bùng phát nhiều trong vấn đề này đối với phía Nhật, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Không, chính phủ Nhật sẽ không lùi bước. Nhưng không nên nghĩ rằng phía Nhật có nhiều lợi ích trên hòn đảo này.”
Giáo sư Taniguchi, giáo sư thỉnh giảng đặc biệt tại trường đại học Keio ở Tokyo, cho rằng Nhật có nhiều rủi ro về mặt chiến lược trong các tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh và Đài Loan về quần đảo Senkaku không người ở tại Biển Đông Trung Hoa. Quần đảo được gọi tên tiếng Hoa là Điếu Ngư, dưới sự kiểm soát của Nhật, bao gồm các quyền lợi khai thác về dầu khí. Trung Quốc coi khu vực này là một phần trong các quyền lợi an ninh hàng hải cốt lõi của họ.
Ông Taniguchi cho rằng tranh chấp chủ quyền giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản đang làm hai quốc gia láng giềng này xao lãng trước những thách thức sắp tới từ nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Ông Taniguchi nói tiếp: “Đã đến lúc chính phủ Nam Triều Tiên và Nhật đầu tư hay tái đầu tư vào việc thăng tiến các mối quan hệ với nhau vì thế cân bằng an ninh trong khu vực này đang biến chuyển rất nhanh và Hoa Kỳ muốn cả Nam Triều Tiên và Nhật đều phải lưu tâm hơn nữa.”
Hoa Kỳ duy trì các căn cứ quân sự ở cả Nhật Bản và Nam Triều Tiên cũng như có mối quan hệ đồng minh với cả hai quốc gia này. Tuy nhiên, quan hệ giữa Tokyo với Seoul phụ thuộc vào nhiều điều kiện hơn. Sở dĩ như vậy phần lớn là do sự cai trị của Nhật tại bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho tới khi đệ nhị Thế chiến kết thúc. Tinh thần tự hào dân tộc vẫn còn mạnh mẽ tại Nam Triều Tiên, ngay cả trong các thế hệ trẻ, những người không trực tiếp nếm trải thời kỳ đô hộ tàn bạo của Nhật Bản.
Một cuộc tranh chấp chủ quyền lâu nay giữa Nhật Bản với Nam Triều Tiên một lần nữa bị hâm nóng. Thông tín viên Steve Herman tường trình các chi tiết mới nhất từ Tokyo, nơi giới phân tích nhận xét rằng vấn đề này đang làm cho Seoul và Tokyo xao lãng với các vấn đề an ninh khu vực quan trọng hơn.