Nam, Bắc Triều Tiên tiến đến đối thoại nhằm hạ giảm căng thẳng

Binh sĩ Nam Triều Tiên tuần phòng trên đảo Yeonpyeong, nơi bị Bắc Triều Tiên pháo kích hồi tháng 11 năm ngoái

Nam Triều Tiên chấp nhận đề nghị mở các cuộc đàm phán quân sự với Bắc Triều Tiên bởi vì Bình Nhưỡng hình như tỏ ra sẵn lòng thảo luận về các hành động gây hấn hồi năm ngoái vốn đã đưa Bán đảo Triều Tiên đến mức độ căng thẳng cao nhất trong nhiều thập niên qua.

Mặc dù các giới chức Nam Triều Tiên đáp lại một cách tích cực về đề nghị đối thoại quân sự của Bắc Triều Tiên, hôm nay họ nêu rõ rằng đề tài chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng phải là ưu tiên hàng đầu của nghị trình đối thoại.

Người phát ngôn Chun Hae-sun của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng, trong một công văn đề nghị nối lại các cuộc đàm phán quân sự, đã không đề cập đến vấn đề hạt nhân, do đó Seoul sẽ đề nghị mở các cuộc đối thoại cấp cao về chương trình hạt nhân của miền Bắc.

Tại Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, các giới chức nói rằng tuần tới họ sẽ đưa ra đề nghị về ngày giờ cho các cuộc thảo luận chuẩn bị cho các cuộc đối thoại quân sự cấp cao.

Cơ quan truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay nói rằng Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang đề nghị mở các cuộc đối thoại quân sự trong 10 ngày đầu của tháng 2.

Theo tin của cơ quan này, công văn của giới chức Bắc Triều Tiên này xác nhận các cuộc đàm phán sẽ có cả đề tài "bày tỏ quan điểm" về vụ một chiếc tàu của Nam Triều Tiên bị chìm và vụ pháo kích vào một hải đảo của Nam Triều Tiên hồi năm ngoái.

Bắc Triều Tiên bác bỏ mọi liên hệ đến vụ chiến hạm Cheonan của hải quân Nam Triều Tiên bị đánh chìm hồi tháng 3 năm ngoái.

Bình Nhưỡng xác nhận vụ pháo kích vào hải đảo Yeonpyeong hồi tháng 11 năm ngoái như là một hoạt động trả đũa cho điều mà họ xem là những cuộc diễn tập quân sự có tính khiêu khích của Nam Triều Tiên trên vùng biển tranh chấp.

Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul nói rằng có 50% khả năng các cuộc đối thoại cấp cao sẽ diễn ra.

Giáo sư Yang nói rằng nếu hai bên có thể đạt đến thỏa thuận trong các cuộc họp trù bị, thì có khả năng một cuộc họp cấp cao sẽ diễn ra vào cuối tháng tới.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cũng nhận xét thận trọng rằng nếu các cuộc thảo luận trù bị không đạt được kết quả thì cuộc họp cấp cao hơn có thể sẽ bị đình hoãn vô thời hạn.

Nếu đàm phán quân sự được nối lại, thì đó sẽ là cuộc đối thoại xuyên biên giới đầu tiên kể từ vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong. Bốn người Nam Triều Tiên thiệt mạng trong vụ pháo kích này.

Lần đàm phán quân sự sau cùng diễn ra vào ngày 30 tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên tại cuộc họp đó, Seoul đã không đạt được bất cứ sự thừa nhận nào là Bình Nhưỡng đã đánh chìm tàu Cheonan, giết chết 46 thủy thủ.

Giáo sư Yang nói rằng cuộc họp thượng đỉnh Trung-Mỹ trong tuần này đã chuyển trạng thái của hai miền Triều Tiên từ đối đầu sang đối thoại.

Giáo sư Yang giải thích rằng hiện đang có một cơ hội để mỗi miền Triều Tiên tự kiểm soát tình hình của mình trên bán đảo.

Theo lời ông thì nếu không nắm lấy cơ hội này, Nam Triều Tiên có nguy cơ phải đứng ngoài các cuộc đối thoại tay đôi có thể sẽ diễn ra giữa Bình Nhưỡng và Washington, hoặc trong trường hợp tiến trình đàm phán 6 bên về hạt nhân được nối lại trong tương lai.

Các giới chức Hoa Kỳ hoan nghênh khả năng sẽ diễn ra cuộc đàm phán.

Người phát ngôn Mark Toner của Bộ Ngoại giao nói rằng đó là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng còn quá sớm để trông đợi tiến trình đàm phán 6 bên về các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên sắp được nối lại. Phát ngôn viên Toner nói:

“Chúng tôi vẫn tin rằng Bắc Triều Tiên vẫn còn những cách thức để tiến hành trước khi chúng tôi tham gia vào các cuộc đàm phán 6 bên cho có ý nghĩa. Như chúng tôi vẫn luôn nói rằng chúng tôi không muốn đàm phán chỉ vì lý do cần phải có đàm phán.”

Các cuộc đám phán 6 bên bao gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã tiết lộ một chương trình tinh chế uranium mà họ nói là để sản xuất năng lượng với mục đích hòa bình.

Tuy nhiên nhiều khoa học gia cho rằng hoạt động này nhằm tạo ra con đường thứ hai cho Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân, bổ sung cho chương trình plutonium mà họ đã có trước đó.

Trên nguyên tắc, Nam – Bắc Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh từ nhiều thập niên qua. Một hiệp định ngừng bắn ký năm 1953 đã ngưng cuộc nội chiến trên Bán đảo Triều Tiên nhưng chưa hề được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình.