Một nhóm nhỏ những người bài Hồi giáo đã đốt kinh Koran trước các đại sứ quán Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ở Copenhagen hôm 25/7 sau các hành động phản đối tương tự ở Đan Mạch và Thụy Điển trong những tuần gần đây khiến các tín đồ Hồi giáo tức giận.
Đan Mạch và Thụy Điển cho biết họ lên án hành động đốt kinh điển Hồi giáo nhưng không thể ngăn chặn vì các điều luật bảo vệ tự do ngôn luận. Tuần trước, những người biểu tình ở Iraq đã phóng hỏa sứ quán Thụy Điển ở Baghdad.
Cuộc biểu tình hôm 25/7 tại Copenhagen của một nhóm người được gọi là ‘Người yêu nước Đan Mạch’ sau vụ đốt kinh Koran mà nhóm này tổ chức hôm 24/7 và tuần trước trước sứ quán Iraq. Những vụ việc như vậy đã xảy ra ở Thụy Điển trong tháng qua.
Bộ Ngoại giao Iraq hôm 24/7 đã kêu gọi chính quyền các nước EU ‘nhanh chóng xem xét lại cái gọi là tự do ngôn luận và quyền biểu tình’ sau các hành động đốt kinh Koran.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/7 cho biết họ lên án mạnh mẽ điều mà họ gọi là ‘hành động tấn công đê hèn’ kinh Koran và kêu gọi Đan Mạch thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn ‘tội ác thù hận’ nhắm vào Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm 25/7 đã triệu tập đại biện lâm thời của Thụy Điển để lên án việc báng bổ kinh Koran.
Đan Mạch đã lên án các vụ đốt kinh là ‘hành động khiêu khích và đáng xấu hổ’ nhưng nói rằng họ không có quyền ngăn chặn những người biểu tình bất bạo động.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen hôm 25/7 nói rằng ông đã ‘có cuộc điện đàm mang tính xây dựng’ với Ngoại trưởng Iraq Fuad Husseein về quan hệ song phương giữa hai nước và vụ đốt kinh Koran.
“Tôi nhắc lại lời lên án của Đan Mạch đối với những hành động đáng xấu hổ này của một vài cá nhân. Tôi nhấn mạnh rằng tất cả các hành động phản đối này phải mang tính ôn hòa,” ông viết trên X, mạng xã hội Twitter trước đây.
“Mọi người đều được hưởng quyền tự do ngôn luận mở rộng khi họ biểu tình,” Giáo sư luật Trine Baumbach của Đại học Copenhagen nói với Reuters. “Nó không chỉ bao gồm phát ngôn. Mọi người có thể bày tỏ quan điểm theo nhiều cách, chẳng hạn như bằng cách đốt đồ vật.”