Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TTTT) – lại khuấy động dư luận khi ví von: Muốn đào một giếng sâu thì miệng giếng phải rất to (1) lúc tham dự lễ khai giảng niên khóa mới tại Học viện Bưu chính Viễn thông.
Từ khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng TTTT, ông Hùng đã nhiều lần khuấy động dư luận vì những tuyên bố, nhận định kiểu như: Đói khát là một lợi thế (2). Hay... Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới và mang thế giới về Việt Nam (3),...
Ông Hùng cũng là người nói không ngưng nghỉ về “công nghệ 4.0”, về “số hóa”,... nhưng suốt hai năm 2020 và 2021, các ứng dụng hỗ trợ phòng ngừa kiểm soát COVID-19 vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của ông đã trở thành một loại thảm họa khác (4)...
Lần này, huấn từ “giếng sâu – miệng to” tiếp tục làm ông Hùng… “nổi tiếng.”
***
Từ... “lời dạy” của ông Hùng, Ba Kiem Mai cố gắng lý giải vì sao ông Hùng lại... mạnh dạn... “dạy”... hùng hồn như thế: Có lẽ ông Hùng mường tượng thợ đào giếng phải mở miệng giếng rất to rồi sau đó mới đào sâu xuống và đáy giếng hẹp dần và nhận xét: Phép so sánh rất hình tượng, trực quan ... hệ và sinh động ... đậy nhưng sai về thuyết “cơ ứng dụng”. Ba Kiem Mai giải thích: Đào giếng không giống như vạt núi, lấp vực để làm nên đường đèo, tạo ra các bờ vực và vách núi có độ nghiêng (để chống sạt lở) gọi theo tiếng Pháp là taluy (bờ vực là taluy âm, vách núi là taluy dương). Thợ đào giếng không bao giờ mở cái miệng giếng có đường kính rất to, rồi đào hẹp dần xuống đáy giếng, vì như vậy dung tích chứa nước ngầm không bao nhiêu, mà mất nhiều đất trên bề mặt. Thậm chí họ làm ngược lại, miệng giếng nhỏ hơn đáy giếng (thí dụ đường kính miệng 1,8m,/đường kính đáy 3m) để chứa nhiều nước. Họ đóng hai trụ đỡ một tay quay ròng rọc, rồi kiềng (hay niềng) miệng giếng bằng ống cống để chống lở, sạt đất. Họ đào xuống sâu và rộng dần, đổ đất vào gàu, ở trên có người quay tời kéo lên đổ bỏ đất. Đó là cách đào tay… (5)!
Khác Kiem Ba Mai, Nguyễn Thị Bích Hậu không kể tới ông Hùng mà chỉ đề cập đến... một ông “dạy”... “phải tạo miệng rất to để có một cái giếng sâu” nhằm khuyến khích học trò học hành. Theo Hậu... Ổng nói vậy vì ổng chưa đào giếng hay chưa bao giờ coi đào giếng - luôn đào hố hố nhỏ trước, có nước mới đào rộng ra và xây thành cho chắc chắn. Không ai ngay từ đầu đào một cái miệng giếng to đùng vì không có nước sẽ phải bò ra lấp. Giếng sâu cũng vậy. Chỉ vùng nào cằn cỗi, mạch nước quá sâu mới phải lao vào mà đào còn đào xuống chút xíu nước đã phun hà rầm thì ngu chi đào sâu và to cho khổ. Tuy nhiên đào giếng đã lạc hậu rồi. Tìm cái hố có sẵn làm giếng rồi thả con ếch vô là ngon. Khi nào mất ngủ nằm nghe con ếch ở đáy giếng nó hót nghe cũng thú lắm nha (6).
Giống Nguyễn Thị Bích Hậu, Nguyễn Thùy Dương không đả động gì đến ông Bộ trưởng TTTT mà chỉ nói khơi khơi: Có nhiều bậc cha mẹ, thầy cô lấy lãnh đạo làm hình mẫu cho học sinh. Học sinh non nớt nghe ông này bà kia thì nghĩ tính xác thực cao. Mặc nhiên, trang giấy trắng bắt đầu được viết những dòng đầu tiên về định dạng cuộc đời và niềm tin. Rồi tụi học trò sẽ học được gì từ những hình mẫu như chú Hùng té… à nhầm….. chú Hùng đào giếng, chú Diên (Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công Thương) tầm nhìn buôn lậu. Kiến thức sinh tồn còn sai thì hỏi sao càng ngày xã hội càng đi xuống. Cha mẹ, thầy cô nên suy nghĩ chọn hình mẫu khác để con học tập. Học cán bộ rồi năm, mười năm cán bộ đăng nhập đội tuyển an ninh 24/7 thì khổ. Chẳng hạn trường hợp chú Long cựu Chưởng môn phái Y tế chỉ hai năm đã phải đăng nhập rồi thấy hôn? Ở miền khác sao thì tui không biết, ở miền Nam đào giếng miệng rộng dễ sạt miệng với bị... té giếng lúc xách nước lắm (7).
***
Cũng từ ví von: Muốn đào một giếng sâu thì miệng giếng phải rất to... Thái Hạo so sánh về hiệu quả đào giếng – phụ thuộc vào công cụ và cho rằng: Thứ có tính quyết định đối với việc đào cạn hay sâu không nằm ở miệng to hay nhỏ mà ở “công cụ lao động”. Đối với giáo dục thì cũng thế, thứ quan trọng nhất, quyết định chất lượng đào tạo và học hành của sinh viên là công cụ, chứ không phải học rộng cỡ nào. Công cụ đó là gì? Là tư duy. Dạy học là dạy tư duy, học là học “phương pháp học”. Nếu không có công cụ tư duy đúng đắn, phù hợp thì dù học rộng đến mấy cũng không thể sâu được, có khi còn gây họa như đào giếng sai cách mà ông Hùng đã chỉ giáo. Một nền giáo dục đúng đắn, tiến bộ phải coi trọng tư duy, lấy tự do làm nền tảng, dùng trao đổi - đối thoại làm phương pháp. Tất cả những cái này được đặt trên những hiểu biết phổ quát về triết học (chính trị học, đạo đức học, logic học, mỹ học...), tôn giáo... “Điều kiện cần” để sinh viên có thể phát triển bản thân chính là những thứ “tư liệu sản xuất” này.
Thái Hạo nhấn mạnh: Trong khi kêu gọi sinh viên “hãy rộng trước rồi sâu sau” nhưng vẫn hạn chế tự do, bóp nghẹt tư duy, ngăn cản phản biện, nhồi nhét - giáo điều, thì đó chỉ là nói cho có, nói lấy được. Đó là cách nói phủi bỏ trách nhiệm (phải tạo môi trường lành mạnh cho giáo dục và học thuật) và dồn hết lên vai sinh viên trong khi họ hoàn toàn không thể tự quyết định được. Không giao đất mà bắt trồng cây lấy gỗ thì thánh cũng phải bó tay. Trước khi nói sinh viên phải học như thế nào, ông Hùng và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hãy làm công việc thuộc về trách nhiệm của mình trước là trao lại “công cụ lao động” và “tư liệu sản xuất” cho người học. Xin đừng cao đạo mà nói cho sướng miệng nữa (8).
Không tán thành việc nhiều người chỉ xoay quanh chuyện đào giếng, Võ Võ Tuyên Tuyên bảo rằng: Mấu chốt nằm ở chỗ ông Hùng... CHÔM và XÀO lại ý tưởng của Kim Woo Chung - một doanh nhân Hàn Quốc nổi tiếng.
Kim Woo Chung là người sáng lập Daewoo, một trong những tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Hàn Quốc. Ông đề cập đến việc muốn đào giếng sâu trước tiên phải đào rộng khi trò chuyện với giới trẻ Hàn Quốc kèm lý giải...
Điều bây giờ tôi lo nghĩ là chúng ta quá bận tâm tới việc đào giếng càng nhanh càng tốt và chúng ta quên đi chiều sâu. Muốn đào đủ sâu bạn cần phải có một khoảng trống đủ rộng trước khi đào. Tuy nhiên chiều sâu và chiều rộng phải tỷ lệ nghịch với nhau. Nếu bạn muốn chiều sâu giếng tương ứng với chiều rộng thì bạn sẽ gặp khó khăn ngay. Muốn đào sâu bạn cần đủ chiều rộng. Mọi vật không phải luôn theo chiều hướng này nhưng đó là nguyên tắc cơ bản cần áp dụng đầu tiên. Nếu bạn chỉ nghĩ đến chiều sâu thì chỉ cần đào sâu một chút, bạn sẽ thấy rằng bạn không thể xuống sâu hơn nếu không có đủ chiều rộng cần thiết. Vì thế hãy tạo cho mình khoảng trống đủ rộng trước khi bắt đầu đào. Lúc đó bạn có thể cảm thấy thoải mái để đào sâu. Hãy trở thành chuyên gia, chuyên viên nhưng không tới mức độ trở thành đui mù với mọi thứ khác. Dù chuyên môn của bạn là gì đi nữa thì bạn cũng cần có tầm hiểu biết chung đủ rộng, lúc đó bạn mới là người có văn hoá, có tri thức (9)...
***
Biết nói gì đây với ông Hùng khi thiên hạ đã nói với ông đủ thứ từ khi ông trở thành Bộ trưởng TTTT và thích chứng tỏ ông vừa... “mạnh”, vừa... “hùng” nhưng những tuyên bố xủng xoẻng, khuấy động dư luận ấy chỉ cho thấy, đến giờ ông vẫn... chưa giống ai!
Chú thích
(2) https://baodansinh.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-doi-khat-la-mot-loi-the-86516.htm