Làm sao có thể tin được?

Làm sao có thể tin được?

Đối diện với các nguy cơ uy hiếp và xâm lấn của Trung Quốc hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam, thay vì chứng minh cho dân chúng thấy là, một, họ thành thực có quyết tâm bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; và hai, họ có chính sách rõ ràng và sáng suốt để hóa giải hoặc đương đầu với các nguy cơ ấy, đã chọn một chiến thuật rất vụng về là lặp đi lặp lại một câu hứa hẹn: đảng và nhà nước sẽ lo; và một lời kêu gọi: hãy tin vào đảng và nhà nước.

Để củng cố niềm tin ấy, người ta không ngừng nhắc lại quá khứ: chỉ có đảng Cộng sản là những người chống ngoại xâm quyết liệt và hiệu quả nhất. Thành tích thường được nêu lên là: một, chống Pháp; hai, chống Mỹ, ba, chống Pol Pot; và bốn, chống Trung Quốc vào cuối thập niên 1970. Họ lập luận: một đảng đã có một lịch sử hào hùng như vậy thì, thứ nhất, không thể bán nước; và thứ hai, cũng không dễ dàng bị Trung Quốc uy hiếp, lừa bịp hay đánh bại được.

Trong lập luận trên, có hai vấn đề:

Thứ nhất, về các thành tích anh hùng của đảng Cộng Sản. Tôi biết nhiều người không đồng ý với các nhận định ấy. Điều đó cũng dễ hiểu. Một là, chúng quá mới. Hai là, các vết thương của nhiều người, thuộc nhiều phía khác nhau, vẫn còn tươi roi rói. Cả hai yếu tố ấy khiến việc đánh giá trở thành những cuộc tranh luận gay gắt và bất tận. Tôi không muốn sa vào cái mê cung ấy. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn, chúng ta không nhất thiết phải giải quyết các cuộc tranh luận như thế. Cứ tạm chấp nhận chúng là sự thật đi.

Thứ hai, ngay cả khi chấp nhận các thành tích ở trên là sự thật thì chúng cũng không bảo đảm được gì cả. Trong lịch sử, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, không hiếm trường hợp một triều đại hoặc một chế độ khởi đầu tốt đẹp nhưng kết thúc một cách vô cùng tệ hại: hoặc trở thành độc tài hoặc trở thành bán nước.

Trên thế giới trong mấy thập niên vừa qua, liên quan đến sự biến chất và biến thái như thế, người ta hay nhắc đến trường hợp của Robert Mugabe, tổng thống của Zimbabwe. Sinh năm 1924, trong giai đoạn khởi nghiệp, ông được xem là anh hùng trong công cuộc đấu tranh giải phóng Zimbabwe khỏi ách cai trị của thực dân Anh. Ông bị bắt ở tù đến 11 năm. Trong tù, ông nổi tiếng là một người uy vũ bất năng khuất. Suốt 11 năm bị giam cầm trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, ông tranh thủ làm được rất nhiều việc. Thứ nhất, ông học xong ba chương trình cử nhân, trong đó có chương trình Luật của một đại học ở London (dĩ nhiên bằng cách hàm thụ). Thứ hai, ông dần dần hình thành các sách lược chính trị quan trọng và tạo thanh thế với các đồng chí trong đảng của mình. Khi được tự do, ông trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo đảng, và, từ năm 1980, trở thành người lãnh đạo cao nhất nước Zimbabwe độc lập.

Có điều khi lên cầm quyền, Mugabe dần dần biến chất. Từ một anh hùng, ông trở thành một bạo chúa tham lam và vô cùng tàn bạo. Đất nước Zimbabwe càng ngày càng sa lầy trong đói khổ. Lạm phát nhanh khủng khiếp đến độ chính phủ phải in ra những tờ bạc mệnh giá hàng triệu, rồi hàng chục triệu, rồi hàng trăm triệu, cuối cùng hành tỉ, hàng chục tỉ và một trăm tỉ. Có lúc với tờ bạc 50 tỉ đồng, người dân chỉ mua được có hai ổ bánh mì!

Tham quyền cố vị đến độ năm 2008, thất cử, ông vẫn khăng khăng không chịu từ chức. Hiện nay, đã gần 90 tuổi, ông vẫn cương quyết sẽ tiếp tục cầm quyền đến... 100 tuổi, mặc kệ đất nước bị kiệt quệ và dân chúng đói khổ đến tận cùng.

Mà những người như Mugabe không phải ít. Fidel Castro ở Cuba, một trong bốn nước cộng sản cuối cùng trên thế giới, cũng là một ví dụ điển hình. Pol Pot, ở Campuchia, là một ví dụ khác. Cũng tranh đấu chống độc tài và ngoại xâm và cuối cùng, trở thành bạo chúa, giết hại đồng bào mình nhiều và dã man hơn bất cứ tên độc tài và kẻ xâm lược nào trong lịch sử.

Riêng ở Việt Nam, có lẽ không ai không biết triều Lê, khởi đầu bằng hình ảnh của một Lê Lợi anh hùng đánh thắng giặc Minh để giành độc lập cho đất nước, đã được tiếp nối bằng những bạo chúa như Vua Quỷ (Lê Uy Mục) và Vua Lợn (Lê Tương Dực) và kết thúc bằng một kẻ bán nước: Lê Chiêu Thống.

Bởi vậy, quá khứ, ngay cả là một quá khứ anh hùng, cũng không hề chứng minh được gì cả. Dùng quá khứ như một chiêu bài để xây đắp niềm tin của dân chúng chỉ là một ảo tưởng.

Huống gì, riêng trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không phải lúc nào cũng biết quý trọng chủ quyền lãnh thổ. Càng ngày càng có nhiều “bí mật quốc gia” được tiết lộ trong đó đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền miền Bắc từng bán đứng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Đinh Kim Phúc tóm tắt một số tài liệu ấy do Trung Quốc công bố:

“Thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, Tham tán đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”, và quan trong hơn hết là bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 9/1958 gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã luôn bị phía nhà nước Trung Quốc trưng dụng như một chứng cứ trong việc xác nhận chủ quyền của họ trên biển Đông”.

Ở đây lại có hai vấn đề:

Thứ nhất, Trung Quốc nói dối ư? Vậy tại sao Việt Nam không cải chính?

Thứ hai, quan trọng hơn, liệu chính quyền Việt Nam có tiếp tục bán đứng các vùng đảo và biển như vậy cho Trung Quốc trong các cuộc gặp gỡ và công hàm bị xem là “bí mật quốc gia” hay không? Liệu, trong cuộc gặp gỡ ngày 25 tháng 6 năm 2011, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn có hứa hẹn gì với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc những điều tương tự như vậy hay không? Nếu không, tại sao phải giấu?

Trong hoàn cảnh như thế, làm sao có thể đòi hỏi dân chúng phải tin chính quyền được?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.