Lan biết cho chăng?

Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Y tế.

"Tâm trí của họ bấn loạn lo lắng thì bệnh nhân sẽ không có lợi gì cả. Bụng họ đói, đầu họ bị phân tâm bởi cơm áo gạo tiền thì bệnh nhân khó mà yên thân. "

Trân Văn

Sau những “lời ra, tiếng vào” về việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Quyền Bộ trưởng Y tế, một số viên chức hữu trách hoặc đã nghỉ hưu bắt đầu lên tiếng biện minh cho lựa chọn ấy (1)... Còn quá sớm để bình phẩm về những cam kết, hứa hẹn của bà Lan cũng như những ý kiến biện minh cho việc chọn quyền Bộ trưởng Y tế. song đối chiếu những cam kết, hứa hẹn và biện minh ấy, với tâm sự của những người đang hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, có thể thấy đang còn khoảng cách rất lớn để có thể thay đổi từ diện mạo cho tới hiệu quả hoạt động của y tế Việt Nam...

Tuần này, Tuan Huynh – một bác sĩ tâm tình trên facebook về sự kiện y tế Việt Nam có Bộ trưởng tạm thời. Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, với ông, chuyện một cá nhân ở trong hay ngoài ngành y làm lãnh đạo ngành này không quan trọng, bởi theo ông, với một cá nhân là lãnh đạo, “năng lực và sự tận tâm mới là thước đo chính yếu”. Cũng vì vậy, “lãnh đạo một ngành cần có năng lực nhìn thấu những vấn đề ngành mình lãnh đạo đang đối diện, có tri thức của ngành là một lợi thế nhưng không có thì có thể học nếu quyết tâm”... Bác sĩ Tuấn nêu ra hai vấn đề mà dường như không chỉ bà Lan nhìn chưa thấu...

***

Vấn đề thứ nhất và dường như cũng là nguyên nhân khiến y tế Việt Nam đối diện nhiều vấn nạn là “y tế ngày càng lệ thuộc công nghệ”. Tuan Huynh lưu ý: Y tế ngày nay được xem như là ngành công nghệ cao, không phải như thời của Hải Thượng Lãn Ông trị bệnh bằng cây cỏ, bắt mạch, bấm huyệt. Càng ngày y tế càng lệ thuộc vào khoa học và công nghệ. Nói cách khác giá trị mà ngành y tạo ra mười phần thì công nghệ chiếm hơn chín phần, còn lại cho nhân viên y tế chẳng bao nhiêu cả. Ví dụ kỹ thuật mổ mắt bằng Laser là 80 triệu đồng thì tiền chi cho công nghệ các loại hết 75 triệu đồng. Còn lại năm triệu đồng dành cho nhân viên y tế.

Chính điều này làm cho ngành y càng ngày càng lệ thuộc các tập đoàn công nghệ và tạo ra vô vàn nghịch lý. Y bác sĩ làm việc vô cùng vất vả nhưng thu nhập không cao, bệnh nhân ngày càng phải chi trả nhiều hơn, các loại quỹ bảo hiểm ngày càng đối diện vỡ nợ nhiều hơn. Tất cả vì chúng ta phải chi trả cho máy móc thiết bị, vật tư y tế, hóa chất độc quyền ngày càng nhiều vì chúng ta không thể làm ra thứ gì hết. Đó là sự lệ thuộc công nghệ và quyền thương lượng của chúng ta càng ngày càng thấp. Năng lực tự chủ y tế càng ngày càng kém đi.

Tuan Huynh nhấn mạnh: Với một bác sĩ, mua được một thiết bị kỹ thuật cao để trị bệnh phức tạp, giúp cho nhiều người hết bệnh là niềm vui bất tận, thậm chí là niềm tự hào. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quản trị quốc gia, đó là một sự lệ thuộc. Bởi không có tiền thì sẽ không có chuyện gì để vui mừng cả. Tiền càng ngày phải chi nhiều hơn để có được sự tiến bộ hơn. Tất cả do người khác làm mình chẳng làm gì. Đó là một sự lệ thuộc tuyệt đối. Nhìn ở bình diện quốc gia, tổng chi phí cho y tế một năm khoảng 40 tỷ Mỹ kim và càng ngày càng tăng. Con số rất lớn nhưng chi cho nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế, dược phẩm... đã hơn 35 tỷ và 600.000 con người làm trong ngành y quần quật ngày đêm gian khổ với bệnh nhân chỉ chia nhau vỏn vẹn chưa tới 5 tỷ Mỹ kim thôi. Cả xã hội phải chi tiền rất nhiều và càng ngày càng nhiều nhưng tiền đó đi đâu? Đi ra nước ngoài để mua know-how hết. Tiền trả cho trí tuệ không hề nhỏ nhưng mà là trả cho trí tuệ của người ta, không phải trả cho mình. Mình làm gần chết nhưng người có trí tuệ hơn người ta hưởng. Nói ra điều này không phải để chúng ta thù ghét ngoại bang hay ban hành những quy định hành chính gì đó để là ngăn chặn mà để nhìn thấy một thực trạng về năng lực công nghệ không có thì cái giá phải trả không hề nhỏ cho đất nước này, cho dân chúng này. Trong thế giới ngày nay, có muốn chặn không chặn được.

Đó cũng là lý do Tuan Huynh cho rằng: Không còn cách nào khác, để cho ngành y được hưởng được đúng giá trị công sức của mình, ngành y cần có chiến lược nội địa hóa ngành dược, ngành trang thiết bị y tế, ngành vật tư y tế. Các công cụ đấu thầu, xét thầu tập trung hay không tập trung gì đó chỉ là trò chơi của trẻ con trong cái thế giới tràn ngập công nghệ này. Bày ra để hành hạ người muốn làm tốt, không thể làm gì được sự trục lợi từ gốc rễ. Ngành y là ngành nhập siêu tuyệt đối, xài ngoại tệ quốc gia nhiều nhất vì đầu vào cái gì cũng phải nhập. Với một quốc gia 100 triệu dân và với 40 năm phát triển, cái gì cũng phải nhập đúng là điều đau đớn!

***

Vấn đề thứ hai mà Tuan Huynh nêu ra là: “Đừng xem nhân viên y tế là một viên chức nhà nước” - bởi: Nếu cứ tiếp tục nhìn bệnh viện như một đơn vị hành chánh có thu, nhân viên y tế như một viên chức phụng sự vô điều kiện thì nhà nước phải bao cấp suốt đời, mà càng bao cấp càng rối ren, không giải quyết được chuyện gì hết. Về cơ bản là không quốc gia nào có đủ tiền để bao cấp y tế cả vì y tế ngày nay là cuộc chạy đua của công nghệ tiên tiến, là phải đầu tư vào chất xám, là phải thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Y tế không phải là cái thời của cái nhà thương, vào đó đầy tình thương rồi chết vì không có phương tiện hiện đại gì để cứu cả. Có tấm lòng nhưng không có thực lực, không đủ năng lực thì cũng không thể làm được gì.

Ở vị trí một bác sĩ, Tuan Huynh tin rằng: Xã hội phải nhìn thẳng vào sự thật là để có chi phí y tế thấp như hiện nay, trong cơ cấu chi phí chỉ còn mỗi chi phí dành cho nhân viên y tế là dễ “bóp” nhất, còn các chi phí khác (hạ tầng, trang thiết bị, thuốc…) thì đâu có quyền thương lượng để bóp. Bóp người ta không bán thì chỉ quỳ lạy chứ biết làm gì. Nên chi phí thấp mà nền y tế Việt Nam có được là do bóc lột sức lao động của nhân viên y tế mà sự bóc lột đó không phải là vài năm vài tháng, nó đã có vài chục năm nay rồi.

Tuan Huynh nhìn nhận: Không thể chế chính trị nào thừa nhận chuyện đó, nó luôn là chuyện “lực bất tòng tâm”. Tuy nhiên để giải quyết điều đó, Tuan Huynh tin là: Chỉ dùng tấm lòng chắc chắn không đủ mà phải có trí tuệ, phải có năng lực, phải hiểu rất sâu về quản trị bệnh viện, về công nghệ y tế,… để từ đó thiết kế thể chế cho phù hợp. Điều đáng sợ nhất là thiết kế thể chế bằng tấm lòng để rồi bóp méo rất nhiều những quy luật xã hội như mấy mươi năm qua. Xin thưa, nhân viên y tế đã chịu đựng quá đủ các cái thể chế được thiết kế bằng tấm lòng đó rồi, họ không còn đủ sức để có thể chịu đựng được nữa. Nếu cứ tiếp tục thì xin mời nhân viên y tế nước khác qua mà làm, nhân viên y tế nước này sẽ ra đi (thực tế họ đã đi nhiều lắm rồi!).

Giống như một số đồng nghiệp đã từng lên tiếng ở nơi này, nơi khác, vào dịp này dịp khác, Tuan Huynh khuyến nghị: Cần xem nhân viên y tế là những lao động tri thức như những lao động khác, họ có sự chuyên nghiệp và tinh thần chuyên nghiệp riêng cho ngành nghề của mình. Họ cũng như bao con người khác, không phải thánh thần gì mà canh ba vào buồng sư phụ uống cái gì đó rồi sáng ra thần thông quảng đại như Tề Thiên Đại Thánh. Họ cũng phải học, phải nghiên cứu, phải làm việc cật lực để có được tri thức và trí tuệ, tất cả những thứ đó không ngồi hô khẩu hiệu mà có được. Hãy trả cho ngành y không gian khoa học và tri thức, trả cho họ một môi trường trong lành để làm việc học tập và nghiên cứu, trả cho họ sự tự trọng để có thể cầm đồng tiền bằng trí tuệ của mình chứ không phải như đi ăn trộm và nơm nớp sợ bị điều tra. Tâm trí của họ bấn loạn lo lắng thì bệnh nhân sẽ không có lợi gì cả. Bụng họ đói, đầu họ bị phân tâm bởi cơm áo gạo tiền thì bệnh nhân khó mà yên thân. Nhân viên y tế sống giàu có và sung túc dựa trên tài trí của mình không phải là kẻ thù của xã hội, là hút máu bệnh nhân, mà là sự tưởng thưởng xứng đáng với công sức của họ bỏ ra. Có như vậy thì mới có nhiều người phấn đấu là bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi.

***

Với hiện trạng gần đây, Tuan Huynh cho rằng: Trong một xã hội được vận hành bởi luật pháp. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra được dựng lên để làm cái việc tiền kiểm hậu kiểm các loại. Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Không cớ gì cứ mỗi khi có người làm sai thì bắt tất cả người khác phải đứng lại chờ sửa luật. Vận hành một xã hội không phải là trò chơi cất nhà chòi, vui thì chơi, buồn - hờn dỗi, sợ - nghỉ chơi. Chất lượng thể chế không tốt thì phải nâng cao năng lực thiết kế thể chế và phải chấp nhận cái giá phải trả của chất lượng kém, tạo kẽ hở cho sự trục lợi từ chính sách chứ không thể bắt cả xã hội phải trả giá dùm, càng không thể bắt tất cả những người khác phải chia sẻ thất bại đó của thể chế. Đó là sự quan liêu. Và sự quan liêu đó làm chết rất nhiều người. Nên nhớ rằng, trong y tế, cứ mỗi lần ra lệnh dừng một cái gì đó để chờ là chết rất rất nhiều người. “Trận đồ” trang thiết bị y tế, dược phẩm, có giá trị hơn 35 tỷ Mỹ kim/năm và ngày càng tăng (15%/năm)… là trận đồ bát quái đã hút hết tinh lực và làm thân bại danh liệt nhiều người lắm rồi. Có thêm vài người nữa cũng không lạ gì. Có thoát được trận đồ này hay không mới là bản lĩnh thực sự, mới là người được nhân dân vạn kiếp tôn thờ. Nếu không thoát được thì coi như nhân dân một lần nữa không may, số phận của dân tộc cũng chỉ đến đó!

Tâm tình của Tuan Huynh có hàng trăm người chia sẻ lại trên trang facebook của riêng họ, rất nhiều người trong số đó là nhân viên y tế. Họ cám ơn Tuan Huynh vì “đã nêu đúng thực trạng ngành y, nói giùm nỗi lòng của nhân viên y tế”. Tuy có người hy vọng Quyền Bộ trưởng Y tế nhận ra đâu là “lõi”, đâu là khúc mắc của y tế nước nhà nhưng cũng không ít người không đủ niềm tin và cho rằng mọi thứ rồi sẽ vẫn trong vòng luẩn quẩn, “bệnh nhân tiếp tục chết theo đúng qui trình” (2).

Chú thích

(1) https://tienphong.vn/chuyen-gia-noi-ve-viec-quyen-bo-truong-dao-hong-lan-khong-co-chuyen-mon-y-te-post1455330.tpo

(2) https://www.facebook.com/tuan.huynh.5832343/posts/pfbid02r14oMEFaqty3cvRf9LKSkB5tspg2UgwERJZnBRY3KW1zY9DwkALhkpvQ648dNeAdl