Ông Joe Biden hôm 17/11 đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến rừng rậm nhiệt đới Amazon, trong khi chính quyền Trump sắp tới dường như sẵn sàng giảm bớt cam kết của Mỹ trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Cùng với Carlos Nobre, nhà khoa học và chuyên gia từng đoạt giải Nobel về biến đổi khí hậu tác động đến rừng Amazon như thế nào, và John Podesta, cố vấn khí hậu, Tổng thống Biden đã bay trên chiếc trực thăng băng qua một dải rừng nhiệt đới, để nhìn rõ sông ngòi bị cạn kiệt, thiệt hại do cháy rừng và nơi trú ẩn của thú rừng. Ông cũng đã nhìn thấy nơi hợp lưu của các con sông Rio Negro và Amazon.
Sau đó, ông Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo địa phương và bản địa và thăm một bảo tàng Amazon để nêu bật cam kết bảo tồn khu vực.
Chính quyền của ông hồi năm ngoái đã công bố kế hoạch góp 500 triệu đô la cho Quỹ Amazon, nỗ lực hợp tác quốc tế quan trọng nhất để bảo tồn rừng nhiệt đới, chủ yếu do Na Uy tài trợ.
Cho đến nay, chính phủ Mỹ cho biết họ đã cấp 50 triệu đô la và Tòa Bạch Ốc hôm 17/11 loan báo góp thêm 50 triệu đô la cho quỹ.
“Một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Amazon thật sự có ý nghĩa... Điều này cho thấy cam kết cá nhân của tổng thống,” Suely Araújo, cựu giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường Brazil và điều phối viên chính sách công của tổ chức phi lợi nhuận Climate Observatory, cho biết. “Nói như vậy, chúng tôi không mong đợi kết quả cụ thể từ chuyến thăm này.”
Bà nghi ngờ sẽ chẳng có một đồng xu nào được chuyển đến Quỹ Amazon một khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Chính quyền Trump sắp tới rất khó có khả năng ưu tiên Amazon hoặc bất cứ vấn đề gì về biến đổi khí hậu. Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa đã nói rằng ông sẽ một lần nữa rút khỏi thỏa thuận Paris, hiệp ước toàn cầu ra đời để ngăn nguy cơ biến đổi khí hậu thảm khốc, sau khi ông Biden tái gia nhập thỏa thuận.
Ông Trump đã coi biến đổi khí hậu là ‘trò lừa bịp’ và cho biết ông sẽ loại bỏ các quy định về hiệu quả năng lượng của chính quyền Biden.
Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 17/11 đã công bố một loạt những nỗ lực mới nhằm củng cố khu vực Amazon và loại trừ tác động của biến đổi khí hậu.
Trong số đó có ra mắt một liên minh tài chính nhằm thúc đẩy ít nhất 10 tỷ đô la đầu tư công và đầu tư tư để khôi phục đất đai và các dự án kinh tế thân thiện với môi trường vào năm 2030 và khoản vay 37,5 triệu đô la cho tổ chức Mombak Gestora de Recursos Ltda để hỗ trợ trồng ở quy mô lớn các loài cây bản địa trên đồng cỏ bị suy thoái ở Brazil.
Ông Biden cũng chuẩn bị ký tuyên bố của Mỹ chỉ định ngày 17/11 là Ngày Bảo tồn Quốc tế và sẽ nhấn mạnh trong các phát biểu trong chuyến thăm rằng Mỹ đang trên đà đạt được mục tiêu chi tiêu 11 tỷ đô la cho tài chính khí hậu quốc tế vào năm 2024, tăng gấp 6 lần so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ.
Rừng Amazon đã hứng chịu hai năm hạn hán lịch sử vốn đã làm khô cạn các tuyến đường thủy, cô lập hàng ngàn cộng đồng ven sông và ngăn trở khả năng đánh bắt của cư dân ven sông. Khu rừng đã mất một phần diện tích cho các vụ cháy rừng vốn đã thiêu rụi một vùng có diện tích lớn hơn Thụy Sĩ và làm cư dân các thành phố xa gần bị ngộp khói.
Khi Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nhậm chức vào năm ngoái, ông đã báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách môi trường khác với người tiền nhiệm Jair Bolsonaro có tư tưởng cực hữu. Ông Bolsonaro ưu tiên mở rộng kinh doanh nông nghiệp hơn là bảo vệ rừng và làm suy yếu các cơ quan môi trường, khiến nạn phá rừng tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.
Ông Lula đã cam kết ‘không phá rừng’ cho đến năm 2030, mặc dù nhiệm kỳ của ông kéo dài đến hết năm 2026. Tỷ lệ mất rừng ở Amazon của Brazil đã giảm 30,6% trong 12 tháng tính đến tháng Bảy so với một năm trước đó, đưa nạn phá rừng xuống mức thấp nhất trong chín năm, theo dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước.
Trong khoảng thời gian 12 tháng đó, rừng Amazon đã mất 6.288 km vuông, gần bằng kích thước bang Delaware của Mỹ. Nhưng dữ liệu đó không tính đến làn sóng tàn phá trong năm nay, vốn sẽ chỉ được thể hiện trong số liệu vào năm tới.
Ông Biden thăm rừng Amazon trong khuôn khổ của chuyến công du sáu ngày tới Nam Mỹ, chuyến thăm đầu tiên đến khu vực này trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông đến Amazon từ Lima, Peru, nơi ông tham gia hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương hàng năm và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.