Làng 50 là tên của một bản người G’Rai ở Tây Nguyên, nằm trên địa phận thành phố Pleiku – tỉnh Gia Lai hiện nay. Trước năm 1975, đây là bản làng trù phú bậc nhất Tây Nguyên bởi hai lý do, làng vừa có đất rừng lại vừa có ruộng. Đất rừng bạt ngàn cà phê, ruộng lúa nằm trong một lũng bằng giữa các núi rộng hàng chục hecta đủ nuôi sống cả một cộng đồng G’Rai nơi đây. Nhưng kể từ những năm sau 1975, chính sách đất đai có nhiều thay đổi, diện tích rừng của dân làng 50 bị thu hẹp đáng kể, không còn rừng để canh tác và những ngôi nhà sàn, nhà rông biến mất theo thời gian.
Chị Rma Hhuyên, dân tộc G’Rai, làng 50, Pleiku, Gia Lai, chia sẻ với VOA: “Lên thành phố cũng có cái tốt nhưng bữa nay đất không còn nữa. Kinh tế cũng không có, nên ai có đất người ta bán hết để sửa nhà, nhà hồi xưa cũng cũ hết rồi. Lên thành phố thì kiếm việc làm cũng khó, chủ yếu làm ruộng không.”
Ông Nguyễn Đắc, người sống qua hai thời kỳ trước và sau năm 1975 bên cạnh làng 50, Pleiku, Gia Lai, cho biết: “Từ ngày lên thành phố thì đường sá này kia cũng đỡ hơn. Nhưng các ruộng kia ô nhiễm không, nước màu đen không à. Đồng bào làng 50 ở trên kia cũng khó mà làm ruộng, bỏ không à. Hồi xưa mỗi lần trời nắng chạy ra đó, hơi nước bốc lên mát lắm nhưng giờ thì ô nhiễm nặng, nước bốc mùi hôi lắm!”
Quĩ đất của mỗi gia đình G’rai hiện tại chỉ còn chưa bằng 5% so với trước đây, một phần vì chính sách thu hồi đất của nhà nước, phần khác, khi làng được xếp vào diện thành phố, dân làng chạy theo nếp sống thành phố và bán gần như toàn bộ số đất ít ỏi còn lại để xây nhà, sắm xe. Và khi không còn gì để bán, người G’Rai lại quay về với đồng ruộng. Trong khi đó, đồng ruộng lại bị ô nhiễm nặng nề, vụ mùa liên tục thất bát, không còn đất để trồng cà phê, trồng cao su. Trẻ em trong làng bỏ học rất sớm bởi điều kiện kinh tế khó khăn, người lớn đi làm thuê tứ xứ. Thời kỳ 1975 trở về sau, dường như đời sống thành phố đã nhanh chóng xóa đi những ngôi nhà sàn gỗ của người G’Rai. Bây giờ, đi từ đầu làng đến cuối bản, đi đâu cũng gặp nhà xây cấp bốn, khá một chút thì nhà cấp ba có một tầng lầu. Nhưng không có mấy người theo đuổi việc học hành, làm để kiếm sống qua ngày là động lực thôi thúc họ mạnh nhất.
“Mấy đứa nhỏ trong làng lớp 5, lớp 6 là bỏ học rồi. Đất không còn nữa, không có trồng tiêu, trồng cà phê, chủ yếu trồng lúa thôi. Làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm đó,” chị Rma Hhuyên cho hay.
Dân làng ở đây cho dù có làm gì bận bịu cũng dành thời gian để đi lễ nhà thờ vào ngày cuối tuần.
Ngôi nhà thờ Pleiku Roh trên 100 tuổi là nơi gặp gỡ của người G’Rai trong sắc phục truyền thống của họ. Nhạc lễ ở nhà thờ cũng là loại nhạc đặc biệt như cồng, chiêng và đàn T’rưng.
Khúc thánh ca du dương và thánh thót trong âm hưởng T’rưng, trầm bỗng cồng chiêng như níu tâm hồn người G’Rai trở về với nguồn cội sau những tháng ngày đánh mất.