Sau 30 tháng 4 năm 1975, dân số và địa lý kinh tế Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Dòng người thiên di từ Bắc vĩ tuyến 17 vào phía Nam ngày càng đông, các thành phố miền Nam trở nên chật chội, ngột ngạt. Chương trình Kinh Tế Mới cho người miền Nam hình thành, nhiều gia đình dưới đồng bằng được vận động lên Tây Nguyên lập nghiệp, được gọi là đi Kinh Tế Mới. Những đoàn người với thói quen, tập tục hoàn toàn xa lạ với vùng đất mới Tây Nguyên đã phải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ để hình thành một cộng đồng kinh tế. Và sau hơn 40 năm, kể từ năm 1976 đến nay, thế hệ thứ ba ra đời trong vùng Kinh Tế Mới có những thay đổi đáng kể, nhưng ký ức về những gian khó ngày đầu vẫn còn nguyên vẹn.
Bà Nguyễn Thị Thương, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Lúc lên đây thì tôi còn nhỏ, theo cha mẹ đi (kinh tế mới) và nhà nước cho sáu tháng gạo để ăn, để mình khai phá. Qua sáu tháng này thì mình tự lo, nhà nước không cho gì thêm. Miết đến bây giờ thì đất mình khai hoang, nhà nước họ xí xóa hết, cho vào tập thể hết, sau đó chia cho mỗi người 700m2. Nhà đây sáu người nhưng chỉ được 3500m2 vì người đẻ sau là không có đất, chỉ có 5 người có đất thôi. Diện tích đó thì có sổ đỏ, còn diện tích mình khai phá sau này thì không có sổ đỏ.”
Cái lớp của tôi là tôi học rất giỏi, từ lớp 1 tới lớp 5 tôi đều là học sinh giỏi, nhưng sau đó tôi phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ đi làm thuê làm mướn nuôi em út. Bây giờ kinh tế cũng tạm ổn, tôi cũng lo cho con cái ăn học, cũng có được một đứa làm giáo viên, đứa học tài xế…Bà Nguyễn Thị Thương
Cư dân cùng xã, ông Nguyễn Văn Thanh, cho biết: “Lúc tôi vô đây thì bà con ở đây khai phá rẫy, đất rất là mênh mông, bát ngát, mình cứ khai phá mà làm kinh tế, chủ yếu thì trồng cà phê, cây tiêu, cây điều…”
“Đất đai thì thời cha ông mình đi khai phá đất hồi đó đất rộng lắm, nhưng rồi sau này bị thu hẹp, mỗi người được cấp 700m2. Nhưng 700m2 đó được cấp cho những người sinh năm 1995 trở về trước chứ mấy đứa sinh sau 1995 thì không được cấp, không có đất nữa, chỉ có hồi xưa mới có. Giờ không có đất để khai phá nữa,” anh Nguyễn Ngọc Hiệp, cư dân xã Yang Reh, tiếp lời.
Khai phá rừng để trồng cao su, hồ tiêu. Khai phá rẫy để trồng lúa và chăn nuôi. Bằng mọi giá, cư dân ở đây phải vượt qua khó khăn để thế hệ sau đỡ vất vả hơn, ổn định hơn. Và qua thời gian, những thế hệ sau ra đời cũng ổn định hơn, không còn cảnh đói khổ của thời kinh tế mới. Nhưng dường như việc theo đuổi đường học vấn, theo đuổi giấc mơ tri thức luôn là nỗi đau khôn nguôi của thế hệ thứ hai. Việc học hành của họ dang dở vì đời sống lúc đó quá khó khăn, bỏ học giúp cha mẹ là một sự lựa chọn bắt buộc thời đó.
Đất đai thì thời cha ông mình đi khai phá đất hồi đó đất rộng lắm, nhưng rồi sau này bị thu hẹp, mỗi người được cấp 700m2. Nhưng 700m2 đó được cấp cho những người sinh năm 1995 trở về trước chứ mấy đứa sinh sau 1995 thì không được cấp, không có đất nữa, chỉ có hồi xưa mới có. Giờ không có đất để khai phá nữa.Anh Nguyễn Ngọc Hiệp
“Cái lớp của tôi là tôi học rất giỏi, từ lớp 1 tới lớp 5 tôi đều là học sinh giỏi, nhưng sau đó tôi phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ đi làm thuê làm mướn nuôi em út. Bây giờ kinh tế cũng tạm ổn, tôi cũng lo cho con cái ăn học, cũng có được một đứa làm giáo viên, đứa học tài xế… Nói chung mình phải bằng mọi giá cho con mình tốt hơn mình thôi,” bà Thương tâm tình.
Vấn đề đất đai với mỗi người ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung không còn là điều không cần suy nghĩ như trước đây. Bây giờ, với các cặp vợ chồng mới cưới, điều mà họ suy nghĩ đầu tiên không phải là làm thế nào để sinh con và cho con ăn học mà là xoay đâu ra tiền để mua miếng đất cắm dùi, sau đó cất nhà, tạo mái ấm.
Đất đai ngày càng chật hẹp. Đối với người làm nông, ngoài bận tâm tìm đất để làm nhà, họ còn lo lắng về chuyện lấy đất đâu ra để gieo trồng, chăn nuôi, lập nghiệp. Đặc biệt, mối bận tâm của các bậc phụ huynh về tương lai con trẻ ở vùng kinh tế mới, nơi mà mọi thứ dịch vụ hiện đại vẫn còn xa vời, là không hề nhỏ.
Yang Reh, nhìn theo góc độ nào đi nữa, cũng là một làng kinh tế mới chưa phát triển. Nơi đây còn quá nhiều ngôi nhà cấp bốn và những mái ấm lộng gió gian truân.