Tiếp theo sau loan báo của Hoa Kỳ sẽ duy trì lực lượng gồm 8.400 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, các lãnh đạo của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp nhau ở Warsaw vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy tuần này để thảo luận 3 vấn đề an ninh chủ yếu: tiếp tục hỗ trợ các lực lượng Afghanistan, đánh bại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo tại sườn phía Nam của NATO, và răn đe hành động gây hấn của Nga ở mạn đông liên minh NATO. Từ Ngũ Giác Đài, phóng viên Carla Babb của VOA gửi về bài tường trình.
Từ Afghanistan tới Ukraine, cho tới Nhà nước Hồi giáo, không thiếu những mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu để mang ra thảo luận tại hội nghị NATO năm nay.
Ông Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế nhận định:
“Nói một cách thẳng thừng thì liên minh không có sự lựa chọn nào. Họ phải ra sức đối phó và trực diện với các vấn đề đó. Chúng ta không thể xếp hạng ưu tiên trước các mối đe dọa chủ yếu, mà phải giải quyết tất cả các mối đe dọa đó”.
Giữa lúc quân số của lực lượng Mỹ không còn là một yếu tố bất định, giới phân tích nói rằng các nhà lãnh đạo NATO cần có một chiến lược để giúp người Afghanistan giải quyết một loạt những vấn đề, kể cả một nền kinh tế èo uột, sự thất bại trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán với phe Taliban, và sự gia tăng trong các con số thương vong về phía Afghanistan tiếp theo sau một mùa giao tranh ác liệt.
Nhà phân tích Cordesman nói:
“Đây không phải là một tình huống trong đó rõ rệt chúng ta đang thất bại, nhưng những gì đang diễn ra tại đó bất kể là gì đi nữa, điều rõ rệt là chúng ta hiện nay chưa đạt được thắng lợi”.
Về phía Nam, NATO hiện không chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo trong tư cách một khối, giữa lúc các nước thành viên NATO chọn đơn phương gửi quân tham gia một liên minh do Mỹ lãnh đạo. Sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái, một số người hối thúc NATO hãy viện đến Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung của NATO để đối phó với nhóm cực đoan này. Nhưng một số nhà phân tích khuyến cáo NATO chớ nên can thiệp sâu hơn nữa.
Ông Daniel Serwer thuộc Trường Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, nhận định:
“Tôi tin rằng NATO sẽ không chính thức tham gia tại Syria và Iraq một cách quy mô, bởi vì chúng ta cần tới sự hợp tác của Nga, đặc biệt ở Syria, và Nga sẽ không hợp tác nếu có sự hiện diện của NATO tại đó”.
Về phần Nga, nước này đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng khác đối với liên minh NATO. Nga đã sáp nhập một cách bất hợp pháp bán đảo Crimea của nước láng giềng Ukraine, và trong thời gian qua vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho các thành phần ly khai ở đông bộ Ukraine.
Theo tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, các phi công Nga đã bay sát một cách nguy hiểm gần các tàu chiến Mỹ đang thực hiện các sứ mạng huấn luyện với các đồng minh NATO trong vùng biển Baltic.
Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh một mặt cần trấn an các đồng minh Đông Âu của NATO, mặt khác, sẵn sàng răn đe hành động gây hấn khác nữa của Nga.
Đại tướng Philip Breedlove, cựu Tư Lệnh Tối cao NATO ở Âu Châu phát biểu:
“Tôi tin rằng một trong những giải pháp chủ chốt để có thể răn đe, điều thật sự có thể răn đe những người tìm cách gây áp lực đối với liên minh của chúng ta, là toàn bộ liên minh NATO chúng ta, cấu trúc quyền lực mà chúng ta hiện có, phải chuẩn bị sẵn sàng hơn, để có thể đáp ứng nhanh nhạy hơn”.
Vẫn theo Bộ Quốc phòng Mỹ, để tiếp sức cho nỗ lực đó, Hoa Kỳ, Anh, Đức và Canada mỗi nước đang có kế hoạch lãnh đạo một tiểu đoàn luân phiên có thể hoạt động từ căn cứ ở mạn đông của liên minh.
Một giới chức Mỹ nói với VOA rằng Tổng thống Barack Obama sẽ loan báo rằng Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo một tiểu đoàn ở Ba Lan, trong khi các nước khác lãnh đạo các tiểu đoàn ở Estonia, Latvia và Lithuania.