Báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường cho hay một băng video do các thành viên trong tổ chức tranh đấu này quay lén được trong 2 năm qua cho thấy gỗ được đưa từ Lào qua các xưởng làm bàn ghế tủ giường ở Việt Nam như thế nào.
Người dẫn truyện trong băng video mô tả đống gỗ đang chờ được chuyên chở đến Việt Nam qua cửa khẩu biên giới cách nơi xuất phát 1 tiếng đồng hồ bằng xe hơi. Số gỗ thuộc quyền sở hữu của một công ty quân đội Việt Nam và sẽ được đưa qua biên giới vi phạm lệnh cấm xuất khẩu gỗ của Lào.
Báo cáo công bố trong tuần này nói rằng công nghiệp gỗ đang bột phát của Việt Nam, với trị giá xuất khẩu 4 tỷ đôla mỗi năm, thúc đẩy việc đốn gỗ bất hợp pháp ở Lào, là nước có một số khu rừng nhiệt đới cuối cùng chưa bị xâm phạm trong vùng sông Mekong.
Báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường cáo buộc quân đội Việt Nam là hối lộ cho các giới chức Lào và sau đó đưa lậu gỗ đến các xưởng ở Việt Nam.
IEA xác định Công ty Hợp tác Kinh tế Việt Nam là bên tham gia chính trong việc mua bán bất hợp pháp này, và nói rằng công ty này thuộc quyền quản lý của một chi nhánh quân đội ở thành phố Vinh của Việt Nam.
Nhà khảo cứu của EIA Julian Newman nói rằng tham nhũng đã tạo điều kiện cho công cuộc mua bán bất hợp pháp xúc tiến mà đem lại rất ít lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Ông Newman cho rằng tình hình đi đến hiện trạng là sự thất bại hoàn toàn của luật lệ ở Lào, nơi các doanh gia đầy thế lực vi phạm luật pháp một cách công khai.
Và khó mà thấy được lợi ích nào đem lại cho người dân Lào trong công nghiệp này. Các nhà máy của chính họ không có được gỗ và kế sinh nhai của người dân địa phương bị đảo lộn.
Trong một phát biểu với đài VOA, một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ việc quân đội Việt Nam can dự vào việc buôn lậu gỗ từ Lào. Người nữ phát ngôn viên này nói rằng Việt Nam nghiêm khắc cấm việc đốn rừng và chở lậu gỗ.
Các giới chức Việt Nam đã nói với các cơ quan truyền thông khác rằng Công ty Hợp tác Kinh tế có một giấy phép của chính phủ Lào được nhập khẩu gỗ.
Năm 1977, Việt Nam đã cấm phần lớn các hoạt động đốn rừng, và nay nhập khẩu 80% số gỗ cung ứng.
Báo cáo của EIA nói rằng số gỗ nhập đã tăng vọt từ 123 triệu đôla trong năm 2000 lên tới hơn 1 tỷ đôla trong năm 2008. Báo cáo nói rằng số gỗ đốn bất hợp pháp ở Lào chiếm 16% trong tổng số này.
Các giới chức Lào từng cho biết trong mấy tháng vừa qua họ đã tăng cường các nỗ lực ngăn chặn việc mua bán gỗ bất hợp pháp.
Hồi tháng 6, Thủ tướng Thongsing Thammavong công bố một sắc lệnh củng cố các biện pháp chống lại việc đốn rừng và buôn lậu gỗ bất hợp pháp.
Nhưng EIA nói bất chấp các luật lệ, tình hình hiện nay là “hỗn loạn và đầy xu hướng tham nhũng.”
Diện tích rừng ở Lào đã sụt giảm mạnh trong mấy thập niên vừa qua từ 60% trong thập niên 1960 xuống khoảng 40% ngày nay.
Tổ chức có tên là Cơ quan Điều tra Môi trường, còn gọi tắt là EIA, nói rằng quân đội Việt Nam có dính líu đến vụ buôn lậu gỗ từ Lào bất chấp các luật lệ cấm xuất khẩu gỗ. Việt Nam bác bỏ những lời tố cáo và nói rằng đang hợp tác với Lào để ngăn chặn việc buôn lậu đó.