Hàng năm vào ngày 25 tháng 12, các giáo hội và tín đồ có chung niềm tin vào Đấng Tạo hóa, đã mừng kính trọng thể lễ Giáng sinh. Đồng thời lễ Giáng sinh cũng là dịp cho mọi người không có chung niềm tin, có một ngày nghĩ ngơi, sum họp gia đình, bạn bè và vui chơi giải trí.
Chính vì vậy mà ngày lễ Giáng sinh mang ba ý nghĩa: ý nghĩa lịch sử, văn hóa đối với nhân lọai và ý nghĩa mầu nhiệm đối với niềm tin tôn giáo.
Về ý nghĩa lịch sử thì nhiều người đã biết, cách nay 2015 năm, một nhân vật có thật đã sinh ra khó nghèo trong một hang đá, máng cỏ bò lừa, có tên là Bethlehem, ở vùng Trung Đông, vào một đêm đông giá lạnh. Nhân vật lịch sử ấy tên là Jesus Christ, cha là Joseph làm nghề thợ mộc và mẹ là Maria. Sự xuất hiện của nhân vật Jesus sau đó đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, với ngày sinh được lấy làm mốc tính thời gian dương lịch cho nhân lọai .
Từ ý nghĩa lịch sử đã dẫn đến ý nghĩa văn hóa của ngày Giáng sinh đối với nhân loại, dù có niềm tin hay không về sự giáng trần của nhân vật lịch sử này. Một cách đơn giản, ngày Giáng sinh được nhiều người coi là một ngày lễ hội văn hóa truyền thống, với những hoạt động đem lại niềm vui chung cho nhiều người, nhiều dân tộc trên hành tinh này, góp phần làm thăng hoa hạnh phúc, niềm hoan lạc trong cuộc sống.
Và chính những hiện tượng lạ lùng và những việc làm phi phàm của nhân vật lịch sử này, đã đưa đến ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa tôn giáo: ý nghĩa mầu nhiệm của Giáng sinh.
Mầu nhiệm là vì ý nghĩa Giáng sinh vượt tầm tri thức con người, chỉ hiểu, biết và xác tín bằng niềm tin tôn giáo. Là vì chính những hiện tượng lạ lùng và những hành động phi phàm, nhân vật Jesus đã làm cho những người vốn có niềm tin từ lâu vào Đấng Tạo hóa, thấy có sự ứng nghiệm lời của các Tiên tri (trong Cựu Ước) nói về một Đấng Thiên Sai sẽ mặc xác phàm cứu chuộc nhân lọai. Tất cả những việc làm lạ lùng phi phàm của Đấng Thiên sai này, từ lúc sinh ra và trong suốt cuộc đời 33 năm sống nơi trần thế đã được bốn tác giả Thánh Kinh (Tân Ước) là : Gioan, Mathêu, Marcos và Luca ghi chép lại làm nền tảng cho niềm tin, rằng Đấng Thiên sai ấy chính là hài nhi Jesus đã sinh ra trong máng cỏ bò lừa nơi hang đá Bethlehem.
Vì sao Thiên Chúa phải giáng trần cứu chuộc nhân lọai?
Theo giáo lý Thiên Chúa giáo, thì khởi thủy Thượng đế dựng nên vũ trụ trong đó có trái đất và con người. Trái đất là nơi Thượng đế muốn tạo dựng một khung cảnh sống tốt đẹp hạnh phúc vĩnh cửu cho con người (địa đàng), được coi là một sinh vật thượng đẳng được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Con người đầu tiên được tạo dựng là Adam, một người nam, và sau đó là Eva, một người nữ, với ý định cho hai người kết hợp, sinh con đẻ cái cùng chung hưởng hạnh phúc bất diệt trong cõi trường sinh hay Địa Đàng ngay trên trái đất này.
Thế nhưng để thử lòng trung tín của con người, Thượng Đế đã ra một thiên luật cho Adam và Eva được hưởng mọi thứ trong Vườn địa đàng, trừ hoa trái của một “Cây trái cấm”. Nhưng, bị “trái cấm” quyến rũ và quỷ ma xúi dục, Eva và sau đó Adam đã ăn thử “trái cấm”, vi phạm “luật cấm” của Thiên luật. Thượng đế dù thương cũng phải trừng phạt bằng sự tước bỏ ưu quyền của Adam và Eva cùng con cháu muôn đời mai sau, từ đây vì Tội tổ tông, không còn được sống hạnh phúc trường sinh trong Vườn địa đàng, mà mãi mãi phải sống trong cảnh trần gian khổ ải trên trái đất, nếu như không vì tình yêu thương vật thụ tạo của mình, không muốn chúng bị hư nát đời đời. Chính vì tình yêu thương này, nên Thượng đế đã sai con một của mình là Đức Jesus Christ giáng thế làm người, để hóa giải tội tổ tông loài người “ăn trái cấm”.
Như vậy, theo niềm tin tôn giáo, lễ Giáng sinh chỉ là khởi đầu công trình cứu chuộc và lễ Phục sinh trong lịch mục vụ hàng năm của các giáo hội Thiên Chúa giáo mang ý nghĩa kết thúc công trình này bằng cái chết trên thập tự giá của Thiên Chúa giáng trần và sự sống lại vinh hiển sau ba ngày từ cõi chết, rồi lên Trời, hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại.
Đó là sự suy niệm tóm lược giản đơn về ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh theo giáo lý Thiên Chúa giáo. Tất nhiên ý nghĩa này chỉ mang giá trị tuyệt đối như là một chân lý tuyệt đối nơi các tín đồ, nhưng chỉ có giá trị tương đối với những người khác niềm tin. Vì Giáng sinh và Phục sinh là những mầu nhiệm siêu nhiên, ngòai tầm tri thức con người, chỉ cảm nghiệm, hiện hữu trong niềm tin của các tín đồ Thiên Chúa giáo mà thôi.
Nhưng dù mừng Giáng sinh theo ý nghĩa lịch sử, hay niềm tin tôn giáo, vẫn có một ý nghĩa chung là ngày lễ hội văn hóa của nhân lọai, một ngày xum họp gia đình bè bạn với các họat động, dưới nhiều hình thức vui chơi, giải trí lành mạnh.
Vì vậy trong hiện tại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đưa vào lịch nghỉ quốc lễ hàng năm, trừ một số nước chọn một tôn giáo khác làm quốc giáo và các nước cộng sản vô thần còn sót lại như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam, trừ Cuba, mới không chấp nhận Giáng sinh như ngày lễ nghỉ tòan quốc hằng năm. Thậm chí Việt Nam còn có nỗ lực làm lu mờ ý nghĩa lịch sử và tôn giáo của ngày lễ Giáng sinh, bằng những hoạt động làm người dân ít quan tâm đến ngày lễ này hơn, ví dụ họ đã cố tình tổ chức các kỳ thi của sinh viên đại học trùng với ngày lễ Giáng sinh trong những năm trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế trong những năm gần đây tại Việt Nam, sau hai thập niên “Mở cửa” (1995-2015) Giáng sinh đã trở thành ngày lễ hội tưng bừng của người dân trên cả nước, mà dù nhà cầm quyền có muốn cũng không dập tắt được nữa.Vì đó là những sinh hoạt văn hóa cũng như tôn giáo phù hợp với xu thế thời đại, với chiều hướng mới không thể đảo ngược (dân chủ hoá toàn cầu về chính trị và thị trường tự do hóa toàn cầu về kinh tế).
Tựu chung, ngoài các ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tôn giáo, Giáng sinh còn là biểu tượng của hòa bình, lấy ý nghĩa từ lời loan báo tin mừng Đấng Cứu thế ra đời của Thiên thần lúc Chúa sinh ra cách đây 2015 năm:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Ước mong rằng mọi người thiện tâm trên trái đất đều được sống trong hòa bình và bình an trong tâm hồn cũng như bình an trong cuôc sống. Cầu mong các chế độ độc tài trong đó có chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam tồn tại quá lâu rồi cũng sớm chuyển đổi hòa bình qua chế độ dân chủ pháp trị để nhân dân Việt Nam được sống trong hòa bình, tự do, ấm no hạnh phúc; và cầu mong cho mọi cuộc chiến tranh, xung đột đẫm máu, khủng bố tàn bạo đầy hận thù hiện nay trên hành tinh này cũng sẽ mau chấm dứt.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.