Người lập ra các tiệm bánh mì Lee's Sandwiches không còn nữa

Một cửa hàng Lee Sandwiches tại San Jose, California

Ông Lê Văn Bá, được xem là người sáng lập hệ thống cửa hàng bánh mì Lee's Sandwiches tại Hoa Kỳ, đã qua đời trong tuần qua, thọ 79 tuổi. Dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một doanh nghiệp được xem là thành đạt nhờ sự chịu khó và đoàn kết của một gia đình.

Gia đình ông Lê Văn Bá đến định cư tại San Jose, California năm 1980. Thời gian mới đến, người con trai cả của ông, Lê Văn Chiêu, ngoài thời giờ đi học Anh văn, đi phụ bán hàng cho một chiếc xe bán thức ăn dạo chung quanh các hãng xưởng của thành phố.

Một năm sau, anh Chiêu mua chiếc xe bán thức ăn dạo đầu tiên. Một năm sau nữa, 1982, cùng với người em là Henry Lê, anh Chiêu lập ra công ty ''Lee Bros.'', anh em họ Lê, lấy họ của gia đình làm tên công ty, nhưng phải sửa “Lê” thành “Lee” cho người Mỹ dễ đọc.

Từ khởi điểm khiêm nhường đó, họ đã tạo ra một công ty cung cấp thức ăn lớn trong vùng San Jose, phục vụ hơn 500 xe bán thức ăn dạo trên khắp vùng, mỗi xe là một người chủ riêng, trong đó có nhiều người là Việt Nam.

Năm 1983, bố mẹ anh Chiêu là ông bà Lê Văn Bá, bắt đầu bán loại bánh mì kiểu Việt Nam trên một chiếc xe đậu trên một góc phố của thành phố San Jose, chủ yếu nhắm vào khách hàng người Việt Nam.

Sau đó họ bỏ chiếc xe để mướn một cửa hàng nhỏ trên con đường này để mở tiệm bánh mì kiểu Việt Nam đầu tiên.

Do đông khách, gia đình lại di chuyển sang một cửa hàng lớn hơn tại một con đường khác.

Năm 2001, gia đình họ Lê và các gia đình sui gia lập ra một loại cửa hàng bán thức ăn nhanh mới, vừa có món ăn Việt Nam vừa có món ăn Mỹ, đặc biệt nhất là món cà phê sữa đá bán rất chạy, và cũng mang thương hiệu là ''Lee's Coffee''.

Cửa hàng này thành công đến độ Lee's Sandwiches trở thành một trong những hệ thống cửa hàng bán thức ăn nhanh phát triển nhất tại miền Tây nước Mỹ.

Tính đến nay, hệ thống này có đến gần 40 cửa hàng tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và dự kiến là sẽ còn tăng thêm nữa. Ngoài California, các cửa hàng này còn có mặt ở các tiểu bang Arizona, Texas và Oklahoma; phần lớn là doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu (franchise).

Mỗi cửa hàng đều tổ chức ngăn nắp, sạch sẽ, có đặt nhiều màn hình kể ra thực đơn bằng hai thứ tiếng. Các màn hình cũng trình bày những dịp khuyến mại, tạo cho khách cơ hội được ăn miễn phí. Nhiều cửa hàng được trang bị để khách có thể sử dụng Internet.

Tháng 10 vừa qua, Lee's Sandwiches mở một chiến dịch khuyến mại đặc biệt đánh dấu sự kiện hiếm thấy, là ngày 10 tháng 10 năm 2010, chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ. Trong ngày hôm đó, khách hàng nào mua 10 ly cà phê chỉ phải trả có 10 đôla hoặc nếu mua 10 ổ bánh mì, sẽ được tăng không 10 ổ.

Ông Nguyễn Bá Phúc, một người sống lâu năm tại thành phố San José, cho biết:

“Ông Lê Văn Bá, tự là Ba Thận, có tất cả 9 người con - 5 trai và 4 gái. Khởi nghiệp của ông cũng rất khó khăn. Bằng hai bàn tay trắng nhưng hai ông bà rất chịu khó, siêng năng, và nhờ có sự góp sức của các con. Ông là sáng lập viên của công ty Lee's Sandwiches; ngoài ra, ông còn là cố vấn của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy Việt Nam tại hải ngoại, cựu Hội trưởng hội ái hữu An Giang Bắc California. Gia đình ông cũng đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, và cũng là một trong những khuôn mặt rất được bà con ở Bắc Cali biết tiếng.

Trong cửa hàng của ông bánh mì là chủ yếu, ngoài ra cà phê cũng rất hấp dẫn bà con. Thêm vào đó có bán cơm, các món ăn trưa và nhiều thứ bánh trái, mình vô đó có thể lựa rất nhiều thức ăn trong ngày.

Giá cả không đến nỗi nào mắc lắm, một ổ bánh mì là hai đồng rưỡi; rồi bánh bao, bánh chưng, bánh giò; nghĩa là những gì mà Việt Nam có thì ở đây cũng đều có.”

Vào năm 2003, cơ quan phát triển các loại doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ trao giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc miền Tây Hoa Kỳ cho hệ thống cửa hàng bánh mì Lee's Sandwiches'. Tại Quận Cam California, anh Lê Văn Chiêu, người con cả của ông Bá, được trao danh hiệu Doanh nhân Tiêu biểu của năm 2003. Hai năm sau, 2005, Lee's Sandwiches được tờ báo Modern Baking chuyên tường thuật về các nhà làm bánh Hoa Kỳ chọn là một trong 50 nhà làm bánh mì hàng đầu của nước Mỹ.

Ngoài thành tích kinh doanh, gia đình ông Lê Văn Bá còn tham gia các sinh hoạt cộng đồng tại nhiều nơi. Họ đã đóng góp và tham gia gây quỹ giúp nạn nhân vụ khủng bố 11 tháng 9, nạn nhân bão Katrina ở Louisiana, nạn nhân bão lụt ở Việt Nam, động đất ở Mexico, và các dịp từ thiện khác trên khắp thế giới.

Sự thành công của hệ thống cửa hàng bánh mì Lee's Sandwiches còn làm nguồn cảm hứng cho nhiều người Việt tại Mỹ mở ra các cửa hàng khác, như Bánh Mì Ba Lẹ, Bánh Mì Chè Cali, Bánh Mì Chợ Cũ, Bánh Mì Như Lan

Muốn mở một cửa hàng nhượng quyền thương hiệu của Lee's Sandwiches phải có số vốn từ 240.000 đến 1.800.000 đôla; tùy theo mình muốn có loại cửa hàng nào. Có tất cả 4 loại cửa hàng.

Loại thứ nhất, có đầy đủ thiết bị để cung cấp thức ăn cho các cửa hàng khác, ta phải chi cho hệ thống từ 1,1 đến 1,8 triệu, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 75.000 đôla.

Loại thứ nhì, không có nhiều thiết bị và không sản xuất bánh mì giống như loại 1, ta phải chi cho hệ thống từ 700.000 đến 1,3 triệu, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 60.000 đôla.

Loại thứ ba, không có sản xuất thực phẩm tại cửa hàng, ta phải chi cho hệ thống từ 459.000 đến 800.000 đôla, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 50.000 đôla.

Loại thứ tư, là loại thấp nhất, được cung cấp đủ mọi thứ, mở tại các khu shopping, ta phải chi cho hệ thống từ 250.000 đến 420.000 đôla, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 35.000 đôla.

Tất cả các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu, mỗi tuần phải nộp cho hệ thống Lee's Sandwiches 6,9% số bán để có thể nhận được các dịch vụ như sử dụng thương hiệu, huấn luyện nhân viên, tư vấn, marketing...

Vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, cũng toàn là số 8, Lee's Sandwiches đã khai trương một cửa hàng tại đường Hàm Nghi Quận 1 Saigon.

Là một liên doanh với một công ty Nam Triều Tiên, cửa hàng này có 100 chỗ ngồi, có những loại bánh theo kiểu phương Tây, và cũng có cà phê sữa đá từng nổi danh ở bên Mỹ. Cà phê được pha chế theo đúng công thức Mỹ để bảo đảm mùi vị giống như cà phê bán bên Mỹ. Mục đích là nhắm vào thành phần có thu nhập cao, muốn thưởng thức mùi vị của nước ngoài.

Liên doanh này dự tính phát triển sang Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.