Một nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo và một nghị quyết khác do Ukraine soạn thảo được Liên minh châu Âu ủng hộ kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ được biểu quyết vào 24/2 tại Liên hợp quốc (LHQ).
Đại hội đồng LHQ dự kiến sẽ bỏ phiếu về nghị quyết của Ukraine, sau đó là nghị quyết của Hoa Kỳ. Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ bỏ phiếu riêng về nghị quyết của Hoa Kỳ vào cuối ngày.
Hoa Kỳ kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng xung đột và tiếp tục thúc giục một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Liên bang Nga".
Nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo không đề cập đến cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, vốn tròn 3 năm vào ngày 24/2 kể từ khi được khởi sự.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết hôm 21/2 rằng nghị quyết sẽ "khẳng định rằng cuộc xung đột này là tồi tệ, rằng LHQ có thể giúp chấm dứt nó và rằng hòa bình là điều có thể".
“Đây là cơ hội để chúng ta xây dựng động lực thực sự hướng tới hòa bình”, ông Rubio cho biết trong một tuyên bố.
Nghị quyết mở rộng hơn của Ukraine cho biết cuộc xâm lược của Nga “đã kéo dài trong ba năm và tiếp tục gây ra hậu quả tàn khốc và lâu dài không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với các khu vực khác cũng như sự ổn định toàn cầu”.
Nghị quyết kêu gọi “giảm leo thang, chấm dứt sớm các hành động thù địch và giải quyết một cách hòa bình cuộc chiến chống lại Ukraine” cũng như nhấn mạnh nhu cầu chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
Bản dự thảo của Ukraine nói rằng các nghị quyết trước đó do Đại hội đồng thông qua cần phải được thực hiện đầy đủ, bao gồm cả các nghị quyết kêu gọi Nga rút hoàn toàn khỏi biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.
Các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chúng mang sức nặng về mặt đạo đức của cộng đồng quốc tế.
Tại Hội đồng Bảo an, một nghị quyết cần có sự ủng hộ của ít nhất chín trong số 15 thành viên, và không có thành viên thường trực nào – Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga hoặc Hoa Kỳ – sử dụng quyền phủ quyết của họ. Nghị quyết của Hoa Kỳ dự kiến sẽ nhận được đủ sự ủng hộ hôm 24/2.
Các cuộc biểu quyết diễn ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Hoa Kỳ để đàm phán với Tổng thống Donald Trump, dự kiến sẽ bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine.
Tuần trước, ông Macron cho biết ông có kế hoạch nói với Trump rằng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ "không thể yếu đuối" trước Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ đến thăm Washington vào cuối tuần này để có các cuộc đàm phán tương tự, và giống như ông Macron, ông Starmer đã nhấn mạnh rằng chủ quyền của Ukraine phải là trọng tâm của mọi nỗ lực hòa bình.
Một nhóm các nhà lãnh đạo bao gồm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đến thăm Kyiv hôm 24/2 để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.
"Hôm nay chúng ta có mặt ở Kyiv, vì Ukraine là châu Âu", bà von der Leyen nói trong đăng tải trên X. "Trong cuộc chiến sinh tồn này, không chỉ vận mệnh của Ukraine bị đe dọa. Mà còn là vận mệnh của châu Âu".
Giao tranh tiếp tục diễn ra hôm 24/2 khi Nga tuyên bố đã bắn hạ 23 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm, bao gồm 16 chiếc trên vùng Oryol.
Thống đốc Ryazan Pavel Malkov cho biết các mảnh vỡ rơi xuống từ một máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ đã gây ra hỏa hoạn tại một doanh nghiệp công nghiệp.
Quân đội Ukraine hôm 24/2 cho biết rằng họ đã bắn hạ 113 trong số 185 máy bay không người lái mà Nga sử dụng trong các cuộc tấn công trong đêm.
(Một số thông tin trong bản tin này được AP, AFP và Reuters cung cấp)