Tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 30 tháng 11 vừa qua đã bỏ phiếu chấp thuận một nghị quyết chế tài mới và tăng thêm mức độ của các lệnh chế tài hiện hữu đối với Bắc Triều Tiên, hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, để đáp lại việc nước này thử nghiệm hạt nhân mới nhất, và là lần thử hạt nhân thứ 5, vào ngày 9 tháng 9 năm nay.
Nghị quyết 2321 lên án cuộc thử nghiệm và tái xác nhận nghĩa vụ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không được thử nghiệm hạt nhân nữa và không được phóng phi đạn sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo, và từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có theo một phương cách hoàn toàn có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược.
Các chế tài nhằm vào khả năng của Bắc Triều Tiên thu về ngoại tệ mạnh cần thiết để tài trợ cho những chương trình hạt nhân và phi đạn, quy định một mức tối đa bắt buộc cho việc xuất khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, giảm mức xuất khẩu này xuống còn 700 triệu đô la một năm tức là giảm hơn 60%. Nghị quyết cũng cấm xuất khẩu các công trình kỷ niệm thu về hàng triệu đô la qua các hợp đồng trên toàn thế giới và cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu các kim loại không phải là sắt, đồng, kền, bạc và kẽm giúp Bắc Triều Tiên thu về các loại ngoại tệ mạnh trị giá cả 100 triệu đô la hàng năm.
Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power chỉ rõ là trong số những biện pháp khác, nghị quyết cũng nhắm vào việc Bắc Triều Tiên “sử dụng các nhà ngoại giao để chuyển tiền về tài trợ cho những chương trình bất chính của nước này.” Bà Power nói tiếp là nghị quyết đe dọa ngưng những quyền và đặc quyền của Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc nếu nước này tiếp tục bất chấp những nghĩa vụ của một thành viên Liên hiệp quốc.
Thêm vào đó, Đại sứ Power ghi nhận đây là lần đầu tiên Liên hiệp quốc đưa vào nghị quyết một điều khoản kêu gọi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tôn trọng phẩm giá của người dân Bắc Triều Tiên. Bà Power gọi việc đưa điều khoản này vào nghị quyết là một điều “có ý nghĩa.”
Đại sứ Power nói Nghị quyết 2321 “gởi đi một thông điệp rõ ràng” là cộng đồng quốc tế đoàn kết. tiếp tục “làm việc với nhau để gia tăng áp lực” để chống lại đe dọa bất chính đối với trật tự quốc tế của Bắc Triều Tiên.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh là việc nới rộng những chế tài không nhằm trực tiếp vào người dân Bắc Triều Tiên đã chịu nhiều thống khổ, nhưng là nhắm vào tầng lớp lãnh đạo chịu trách nhiệm trong việc vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong việc theo đuổi không ngừng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.