LHQ kêu gọi Myanmar cho người Rohingya quy chế công dân đầy đủ

Người Rohingya chờ đợi để nhận phẩm vật cứu trợ của WFP tại trại tị nạn Thae Chaung ở Sittwe, bang Rakhine.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết, kêu gọi Myanmar cấp quy chế công dân và các quyền bình đẳng cho nhóm thiểu số sắc tộc Rohingya bị ngược đãi.

Trong một nghị quyết được nhất trí thông qua hôm qua, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bày tỏ “quan tâm sâu sắc” về cách đối xử đối với với nhóm thiểu số phần lớn theo Hồi giáo này.

Ước lượng khoảng 140,000 người Rohingya bị kẹt trong những trại tạm cư bẩn thỉu, đông quá tải tại bang Rakhine, nơi mà tình trạng bất ổn phe phái đã làm thiệt mạng 280 người, tính từ tháng 6 năm 2012.

Myanmar, còn được gọi là Miến Điên, không thừa nhận sự hiện hữu của sắc tộc Rohinya. Thay vào đó, rất nhiều giới chức địa phương và giới chức chính phủ cho rằng họ là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các thành viên của nhóm Rohingya phải được cấp quy chế công dân đầy đủ, và được phép tự xác minh lý lịch là người Rohingya, chứ không phải là người Bengali, như chính phủ Myanmar khẳng định.

Nghị quyết này còn kêu gọi Myanmar hãy cung cấp cho người Rohingya những “cơ hội đồng đều để tiếp cận” các dịch vụ, đồng thời cho phép nhóm này trở lại với cộng đồng của họ với sự bảo vệ của chính phủ.

Biện pháp không có tính ràng buộc pháp lý này lưu ý về “những diễn biến tích cực đang tiếp diễn taị Myanmar”, nhắc đến các cải cách chính trị và kinh tế đã diễn ra từ khi chế độ quân nhân cầm quyền từ bỏ một số quyền lực chính trị hồi năm 2011.

Nhưng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi chính quyền Myanmar tăng cường các nỗ lực nhằm chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền và các hành vi ngược đãi, kể cả các vụ bắt bớ bừa bãi và các hành động ngược đãi, cưỡng bách dời cư, hãm hiếp và các hình thức bạo động tính dục khác.

Giới chỉ trích nói những cải cách của Myanmar đang chậm lại, và các điều kiện đã trở nên tệ hại hơn sau khi các nước Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, bắt đầu nới lỏng các biện pháp chế tài lâu năm, và nối lại các quan hệ bang giao với Myanmar.