Các cường quốc trên thế giới đã kết thúc cuộc họp với các đại diện của hai nhóm kình chống nhau ở Libya, xác nhận sự ủng hộ cho một kế hoạch được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn về việc thành lập một chính phủ đoàn kết. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.
Các đại diện của 17 quốc gia và bốn tổ chức trên thế giới đã hội đàm với các quan chức Libya tại Rome hôm qua.
Cuộc họp này do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni chủ trì.
Ông Kerry nói rằng đã đến lúc “phá vỡ tình trạng bế tắc”, và tiến về phía trước vì tương lai của Libya.
“Chúng ta không thể để cho tình trạng hiện thời ở Libya kéo dài. Điều đó gây nguy hiểm cho sự sống còn của Libya, nguy hiểm cho người Libya, và giờ đây, với tình trạng Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách kéo tới Libya, đó là tình trạng nguy hiểm cho tất cả mọi người.”
Hai chính quyền đối nghịch ở Libya sẽ ký thỏa thuận đoàn kết ở Marốc vào thứ Tư.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Martin Kobler nói rằng các lãnh đạo đảng phái của Libya sẽ ký vào thỏa thuận.
Ông Kobler nói rằng điều quan trọng là phải có sự tham gia của “nhiều phe phái” vì thỏa thuận này cần sự chính danh.
“Dĩ nhiên là có những người vẫn còn lo ngại, những người vẫn còn phản đối thỏa thuận. Và thông điệp của tôi gửi tới những người vẫn phản đối thỏa thuận, vẫn không muốn tham dự cuộc họp ở Skhirat, là giờ cần phải mở rộng nền tảng, và thực sự cần phải tới Skhirat, và quên đi những chia rẽ trong quá khứ, để hướng về tương lai.”
Sự bất ổn của Libya đã tăng cao sau khi cựu độc tài Moammar Gadhafi bị lật đổ năm 2011 rồi sau đó bị phe nổi dậy bắt và giết chết.
Hơn một năm qua, một chính phủ được quốc tế công nhận đã hoạt động ở miền đông Libya, trong khi thủ đô Tripoli nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng liên minh dân quân với sự hậu thuẫn của phe Hồi giáo.
Các bước đi nhằm giúp Libya thành lập một chính phủ đoàn kết diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về sự hiện diện của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở nước này.
Một phúc trình do một nhóm giám sát của Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 11 cho biết rằng tổ chức khủng bố này hiện có 2.000 tới 3.000 chiến binh ở Libya, mà một nửa trong số đó hoạt động ở thành phố duyên hải Sirte hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo.
Nếu hai chính quyền đối nghịch cùng duy trì cam kết ký vào thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, thì họ sẽ bắt đầu làm việc để thành lập nội các cũng như các chức vụ then chốt của chính phủ đoàn kết đặt trụ sở ở Tripoli.