Phong trào đối lập tiến về phía tây Libya, nổi dậy vẫn tiếp diễn

  • Suzanne Presto

Một bác sĩ Libya chữa trị cho 1 người bị thương hồi tuần trước trong cuộc biểu tình chống lại lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi tại Benghazi, Libya, 24/2/2011

Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi tiếp tục tấn công những người biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên những tổ chức đối lập dường như đang đạt được thêm những bước tiến mặc dù bị đàn áp tàn bạo.

Những hình ảnh chính thức được đưa ra về Libya khác biệt rất nhiều so với những hình ảnh do những thường dân nước này ghi nhận được.

Con của nhà lãnh đạo Gadhafi, ông Saif al-Islam giảm nhẹ những tin tức về thiệt hại nhân mạng khi xuất hiện trên truyền hình nhà nước Libya hôm thứ Năm để thảo luận về những cuộc nổi dậy.

Ông nói chỉ có một số ít người thiệt mạng nhưng không đưa ra những con số. Và ông mời truyền thông nước ngoài đi thăm Libya một chuyến vào ngày thứ Sáu, thách thức họ tìm bằng chứng về những vụ ném bom hay hành động tàn bạo.

Tuy nhiên những nguồn tin từ các bệnh viện, từ những tổ chức nhân quyền và các nhân chứng đưa ra những câu chuyện đẫm máu hơn nhiều.

Bác sĩ Hisham Mustafa Abou Dabous làm việc tại một bệnh viện thuộc thành phố Benghazi, miền đông Libya, hiện do những người đối lập kiểm soát, và thành phố cũng là nơi phát khởi cuộc nổi dậy, cho biết:

“Tôi không thể nói chính xác có bao nhiêu người thiệt mạng, nhưng tại Benghazi có hơn 300 người chết và hơn 3000 người bị thương.”

Trong khi tin cho hay hầu hết những phần đất phía đông nằm dưới sự kiểm soát của đối lập, các cuộc nổi dậy chống lại ông Gadhafi đang lan rộng về phía đông, tiến về thủ đô Tripoli.

Các nhân chứng nói với truyền thông ngoại quốc là quân đội Libya tấn công những người biểu tình trong một đền thờ Hồi Giáo tại thành phố Zawiya hôm thứ Năm. Họ mô tả có tổn thất nặng về nhân mạng sau khi lực lượng an ninh sử dụng đến tên lửa phòng không và các loại vũ khí tự động.

Nhiều nhân chứng nói những người biểu tình đối lập đã đẩy lùi lực lượng an ninh ra khỏi thành phố biển Misrata, nhưng cũng có tin tức về những cuộc đụng độ đang diễn ra tại đây.

Tổng thống Moammar Gadhafi nói chuyện qua điện thoại với người dân trên đài truyền hình nhà nước Libya vào chiều thứ Năm. Ông nói những cuộc nổi dậy là do al-Qaida và cáo buộc những người biểu tình chống chính phủ đã xúi dục những thiếu niên và những người nghiện ma tuý.

Các giới chức cao cấp của chính phủ Libya nói họ xem những nhà báo vào nước này không có giấp phép như là những phần tử cộng tác với al-Qaida. Khó xác nhận một cách độc lập những tin tức được đưa ra khỏi vùng này.

Hiện ông Gadhafi đang mất dần thế lực trong cộng đồng quốc tế cũng như trong chính ngay vòng ảnh hưởng của ông. Một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Gadhafi là ông Ahmed Gadhaf al-Dam đã đào thoát để phản đối việc đàn áp dã man những người biểu tình.

Chính phủ Hoa Kỳ đã lên án những hành vi bạo lực đang xảy ra. Những quốc gia trong Liên hiệp châu Âu đồng ý thảo luận về những chế tài có thể áp dụng đối với Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle nói nếu những cuộc đàn áp vẫn tiếp tục, các biện pháp chế tài đối với Libya không tránh khỏi.

Tuyên bố sau khi gặp người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập Amr Moussa tại Cairo hôm thứ Năm, ông Westwewelle một lần nữa lên án vụ đàn áp bằng bạo lực nhắm vào người dân Libya.

Ông Westerwelle nói: “Chúng ta không thể chấp nhận việc một nhà độc tài tàn tệ trừng phạt dân chúng của mình, những người trẻ Libya, theo phương cách bạo động như thế. Đây là một cuộc chiến tranh của một nhà độc tài chống lại những người trẻ. Và đây là điều chúng ta tuyệt đối lên án bằng những lời lẽ rõ ràng.”

Bộ trưởng Nội vụ Ý Ernesto Roberto Maroni kêu gọi các quốc gia châu Âu giúp đỡ khẩn cấp để đối phó với điều ông gọi là “một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng” đang hình thành tại Libya. Bộ trưởng Nội vụ các nước Địa Trung Hải đang thảo luận phương cách để đối phó với làn sóng người tị nạn.

Những người biểu tình chống chính phủ Libya kêu gọi những cuộc tập họp lớn biểu tình chống lại quyền cai trị của ông Gadhafi vào ngày thứ Sáu.

Tại các nơi khác trong khu vực này, những người biểu tình tiếp tục tập họp tại thủ đô Sana’a của Yemen vào hôm thứ Năm.

Họ chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh và kêu gọi ông này từ chức.

Tổng thống Yemen đã ra lệnh lực lượng an ninh ngăn ngừa sự đối đầu trực tiếp giữa những người biểu tình thân và chống chính phủ sau khi những băng video cho thấy hình ảnh cảnh sát chỉ đứng nhìn trong lúc người biểu tình của đôi bên đụng độ với nhau. Hai người biểu tình chống chính phủ thiệt mạng tại Sana’a trong tuần này.

Trong khi đó Ai Cập đang ở trong tình trạng chuyển tiếp, gần hai tuần lễ sau khi một cuộc nổi dậy của quần chúng buộc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức. Các giới chức an ninh hôm thứ Năm nói nhà cầm quyền Ai Cập đã bắt cựu Bộ trưởng Thông tin và người đứng đầu cơ quan phát thanh của nhà nước vì bị cáo buộc tham nhũng.

Xem những hình ảnh mới nhất ở Libya