Mười tám tháng sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và bắt đầu làm lung lay nền ngoại giao toàn cầu, Nhật Bản có vẻ như đang thức tỉnh trước những rủi ro của một liên minh chỉ dựa trên đô la và trao đổi chứ không dựa trên những giá trị chung và các lợi ích về an ninh.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật vẫn nhấn mạnh rằng liên minh giữa hai nước được đặt trên các giá trị như: dân chủ, tự do và pháp trị. Một trong những mối quan hệ an ninh lâu đời nhất của châu Á, liên minh này đặt Nhật Bản dưới ô dù phòng thủ của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hồi tuần trước đã không đặt nặng các quan tâm về an ninh của Nhật Bản, chẳng hạn như chương trình tên lửa của Bắc Hàn mà Tokyo coi như một mối đe dọa trực tiếp. Cộng đồng quốc phòng của Nhật Bản cũng cảm thấy hụt hẫng khi Tổng thống Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố ông sẽ ngưng các cuộc tập trận "tốn kém" với Hàn Quốc, vốn từ lâu được Tokyo coi như một lá chắn chống lại mối đe dọa do Triều Tiên đặt ra.
"Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm".Cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP)
Cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP), nói với Reuters:
"Liên minh Mỹ-Nhật đã thay đổi từ một liên minh dựa trên các giá trị chung, thành một liên minh dựa trên những sự trao đổi."
Ông Kawai nói ông kinh ngạc trước việc ông Trump viện dẫn lý do tài chánh để đình chỉ các cuộc tập trận chung, trước đây vẫn được Washington coi là quan trọng để chặn đứng những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm".
Thủ Tướng Abe đã trao đổi với ông Trump hàng chục lần kể cả vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, ông cố tỏ thái độ tin tưởng vào cuộc gặp thượng đỉnh, mô tả đây là một bước đầu tiên hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.
Một số nhà lập pháp thân cận với Thủ Tướng Abe đồng tình với cách đánh giá tích cực đó. Nhưng những người khác thì tin rằng Tokyo đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. Washington thoạt tiên nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm cam kết của Triều Tiên phải “giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, một lập trường được Nhật Bản hậu thuẫn.
Tuy nhiên một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, có nhận xét sau đây về nhà lãnh đạo Mỹ:
“Tổng thống (Trump) không mấy lưu tâm tới nội dung, thực chất của hội nghị, mà ông lo lắng hơn nhiều hơn tới ý kiến của người khác về ông, về vai trò của ông ở Singapore như thế nào.”
Các quan tâm của Nhật Bản về an ninh trùng hợp với những căng thẳng về thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, càng làm tăng những mối lo về ông Trump, một nhân vật chỉ thích thương lượng làm ăn sẽ khiến ông nối kết các quan hệ kinh tế với vấn đề quốc phòng.
Theo các chuyên gia điều đó có nghĩa là Mỹ có thể tăng áp lực với Nhật Bản, buộc nước này mua nhiều thiết bị quân sự hơn, hoặc có thể, chi nhiều tiền hơn để tài trợ cho lực lượng 50,000 quân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản, mặc dù hiện nay Tokyo đã phải gánh vác phần lớn các tổn phí liên quan tới sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản.
Báo Nikkei nhận định trong một bài xã luận hồi cuối tuần:
“Sự kiện ông Trump lẫn lộn kinh tế và an ninh với não trạng của một doanh nhân địa ốc, là điều hết sức đáng lo ngại.”
Ông Trump đã áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm do Nhật Bản sản xuất, và ông đang đe dọa sẽ có hành động tương tự với xe hơi do Nhật Bản sản xuất. Ông Trump còn rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một thỏa thuận mà trong thời gian qua, Thủ Tướng Abe đã vận động và cổ vũ như một lực đối trọng chống Trung Quốc.
Thủ Tướng Abe lên nắm quyền hồi năm 2012 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo khi ông hứa hẹn sẽ tăng cường các khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Cố vấn của Thủ tướng về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai nhận định rằng sự thay đổi về bản chất của liên minh Mỹ-Nhật càng khiến cho nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản thêm cấp bách.