Tỷ phú bất động sản Donald Trump đã chính thức trở thành vị tổng thống mới của nước Mỹ với lễ nhậm chức tại thủ đô Washington trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người.
Đã có nhiều tranh luận về chính sách đối ngoại của vị tổng thống mới của nước Mỹ về việc liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có vị trí thế nào trong những ưu tiên của chính quyền mới trong 4 năm tới.
Ông Trump, người đánh bại đối thủ của đảng dân chủ Hillary Clinton để giành chiến thắng bất ngờ, đã làm cho các đồng minh và đối tác của Mỹ lo lắng khi ông đưa ra những tín hiệu cho thấy sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á trong khi Trung Quốc lại đang tăng cao ảnh hưởng trong khu vực này.
Tuy nhiên những gì mà ông Trump và nhóm chuyển giao quyền lực của ông đã làm trong 2 tháng qua lại cho thấy một số tín hiệu khác.
Kể từ khi được bầu chọn làm vị tổng thống kế nhiệm ông Barack Obama, người lãnh đạo đầu tiên mà ông Trump tiếp kiến là thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau đó tổng thống đắc cử Trump lúc đó đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Đài Loan Thái Anh Văn và nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thời gian sau bầu cử và trước khi nhậm chức, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, nổi bật là lời phát biểu cảnh báo Washington sẽ không tiếp tục chính sách “Một Trung Quốc.” Nhân vât được ông Trump bổ nhiệm vào chức ngoại trưởng, Rex Tillerson, cũng đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về các công trình xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ông Tillerson, người từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil – tập đoàn dầu khí Mỹ vừa ký kết 1 hợp đồng 10 tỷ đô la khai thác khí đốt trên biển Đông với PetroVietnam – thậm chí còn đề nghị ngăn cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng.
Theo nhận định của tờ Washington Post, có những dấu hiệu cho thấy châu Á là một trong những ưu tiên chính của những quan chức hàng đầu trong nội các của ông Trump. Tờ báo có uy tín này cho rằng có những lý do để tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ phải dồn sự chú ý vào châu Á ngay trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Một trong những lý do được giới quan sát và chuyên gia nhận định về sự cần thiết phải quan tâm đến khu vực châu Á Thái Bình Dương là vì Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc và Châu Á chính là nơi có thể giúp Mỹ kiềm chế tham vọng làm bá chủ thế giới của lãnh đạo Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer của đại học New South Wales nhận định về điều này.
"Ông Trump sẽ không chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Mỹ đang tìm cách xây dựng quan hệ quân sự với Đài Loan bằng cách củng cố các lực lượng của Mỹ ở Đài Loan. Và đó là cách để cân bằng với Trung Quốc. Có lẽ những tiếng nói khác trong chính quyền của ông Trump như người được ông đề cử vào vì trí ngoại trưởng, ông Rex Tillerson, có thể sẽ tìm cách thuyết phục ông Trump rằng duy trì vai trò dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế tại Châu Á là điều quan trọng. Do đó mà hy vọng có thể sẽ có những chỉnh sửa đối với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)."
Ngay sau khi đắc cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP – hiệp định gói trọn 40% GDP toàn cầu với 12 đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định này là một trọng tâm trong chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên cho dù ông Obama đã dồn mọi nỗ lực để thực hiện TPP trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chính quyền Obama rốt cuộc đã phải từ bỏ nỗ lực đó sau khi quốc hội – do đảng Cộng Hòa ngự trị –từ chối thông qua hiệp định này. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không ngớt lên tiếng phản đối các hiệp định thương mại tự do, kể cả TPP và nhắc lại lập trường này trong bài diễn văn nhậm chức, vì cho rằng chúng cướp đi việc làm của người dân Mỹ.
Tổng thống Obama bị chỉ trích vì đã để ra chiến lược xoay trục sang châu Á nâng cao kỳ vọng của mọi người, nhưng lại không thực hiện chính sách này một cách trọn vẹn. Hiệp định TPP không được thông qua là một thất bại của chính sách ấy.
"Hiệp định TPP trở thành 1 nạn nhân của chính trị quốc nội. Ông Obama không thể làm gì hơn được. Và đó là thất bại về việc tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương qua kinh tế."
Tuy nhiên giáo sư Thayer thận trọng nói rằng “chúng ta còn cần phải chờ xem bởi đây là một vấn đề lâu dài và Úc và Nhật Bản vẫn khẳng định là TPP chưa chết.”
Các chuyên gia nhận định việc ông Trump có dấu hiệu thân thiện hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là cách để chính quyền mới của Mỹ tìm cách kiềm hãm thế lực và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cha ông đã nói với ông rằng: “Không bao giờ được để cho Nga và Trung Quốc kết thân với nhau, chống lại Mỹ.” Tôi nghĩ rằng chiến lược tổng quát mà chúng ta có thể thấy là ông Trump muốn kết thân với Nga. Quan hệ Nga-Trung là một “cuộc hôn nhân vì lý trí.”. Mối quan hệ đó không phải là một điều tốt cho Mỹ bởi vì vị thế của Trung Quốc sẽ mạnh hơn. Một phần trong chiến lược của ông Trump là tăng cường quan hệ với Nga để có thuận lợi hơn ở Trung Đông nhưng mặt khác cũng khuyến khích Nga bớt mặn mà trong việc cố gắng liên minh với Trung Quốc, chống lại những lợi ích của Hoa Kỳ."
Thủ tướng Nhật hôm 20/1 cho biết ông sẽ gặp vị tổng thống mới của Mỹ trong thời hạn sớm nhất có thể để khẳng định liên minh Mỹ-Nhật là một “nguyên tắc không thay đổi” trong chính sách ngoại giao và an ninh Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Việt Nam vào giữa tháng 12 vừa qua, ông Trump đã nói với ông Phúc rằng ông muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đang nồng ấm lên nhanh chóng giữa 2 nước.
Và tờ Washington Post gần đây cũng nhận định rằng ông Trump có thể sẽ hoàn tất chính sách xoay trục về châu Á mà ông Obama đã khởi sự trong nhiệm kỳ 8 năm vừa qua của ông.