Trân Văn
Tuần này, không chỉ cư dân thành phố Hà Nội mà nhiều triệu người Việt khác cũng chưng hửng khi chính quyền thành phố Hà Nội loan báo sẽ tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn nhằm “nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội”.
Việc tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn mà dân chúng vẫn ví von là “loa phường” nằm trong kế hoạch gọi là “Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội”. Trong “chiến lược” ấy còn có việc thiết lập mạng lưới tin điện tử cấp phường – xã, mạng lưới bảng tin điện tử công cộng, (1)...
Sau một thoáng ngạc nhiên, cảm xúc của công chúng chuyển sang thất vọng và bất bình. Có thể vì cùng tâm trạng nên những người chăm sóc diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thức không xóa bình luận nào về sự kiện vừa kể. Ví dụ, trong 44 bình luận về ý tưởng tái lập hệ thống “loa phường” của chính quyền Hà Nội trên tờ Tuổi Trẻ, chỉ có hai độc giả tán thành, số còn lại cùng cho rằng đó là một giải pháp lạc hậu, là nỗ lực gieo rắc ô nhiễm tiếng ồn, là một trong những nỗi đau ám ảnh họ cả cuộc đời...
Trên mạng xã hội, Đào Tuấn nhắc lại chuyện cuối thập niên 2010, sau khi tổ chức thăm dò dư luận trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội về “loa phường” và nhận lại kết quả là 89,67% không tán thành, Chủ tịch Hà Nội lúc đó đã quyết định xóa bỏ hệ thống “loa phường”, rồi so với kế hoạch tái lập hệ thống “loa phường” mới được công bố và ngậm ngùi tỏ bày: Chẳng có hình thức tra tấn nào đã man hơn “loa phường” thế mà chúng mình phải nộp thuế để trả tiền cho việc bị tra tấn (2).
Với suy nghĩ theo hướng đó, Mai Quốc Việt nhận định, tuyên bố tái lập hệ thống “loa phường” là một kiểu “dọa dân” và “lâu lâu tụi nó dọa một phát kiểu này kể ra cũng kinh” (3). Giống như nhiều người khác, Đoàn Bảo Châu nêu ra hàng loạt lý do phản đối “loa phường”: Tái lập hệ thống thông tin như cách này vài chục năm để làm gì khi mỗi điện thoại di động đã như radio, TV, máy tính. Nhu cầu và sinh hoạt của mỗi người mỗi khác không thể cưỡng bức mọi người theo cùng một kiểu. Đáng lưu ý là Đoàn Bảo Châu nhấn mạnh đề nghị mà gần như ai cũng muốn... đệ đạt: Vị nào đưa ra “sáng kiến” này nên ra mặt để nhân dân thủ đô “trân trọng cảm ơn” (4).
Do “Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội” được công bố ngay sau khi ông Trần Sỹ Thanh trở thành Chủ tịch Hà Nội, nhiều người tin rằng đó là món quà mà ông mang ra chào sân. Cũng vì vậy, có người như Lê Đức Dục làm ngay một bài thơ: Anh về không lẽ im re. Phải có chi đó để nghe ồn ào. Tiền nhiệm nó làm ‘dư lào” (như thế nào). Thì nay ngược lại thế nào cũng hay. Loa phường bỏ năm năm nay. Thì chừ khôi phục có ngay ồn ào. Ồn ào thì cũng chẳng sao. Người ta bàn tán với nhau: Ối giời! Rứa là anh thành công rồi. Cõi ‘phây’ rầm rộ hướng nơi loa phường. Quên tất tần tật đoạn trường. Đu ‘trend’ anh tạo, loa phường muôn năm (3).
Từ kinh nghiệm cá nhân, Nguyễn Ngọc Huy nghĩ khác nhiều người: Thật ra hệ thống loa phát thanh tại những nơi có thể đối diện với những rủi ro về thiên tai, biến cố môi trường, dịch bệnh,... là cần thiết. Ông Huy nêu thảm họa kép hồi tháng 3 năm 2011 ở khu vực Đông Bắc nước Nhật (động đất rồi sóng thần) như một ví dụ minh hoạ.
Do động đất làm Internet, mạng điện thoại di động tê liệt, hệ thống loa phát thanh tại Nhật đã góp phần cứu mạng hàng trăm ngàn người – thúc giục họ di tản 30 phút trước khi sóng thần cao hàng chục mét tràn vào bờ. Song giống như nhiều người, ông Huy khẳng định: Hệ thống loa phát thanh phải được dùng đúng mục đích chứ không nên lạm dụng. Theo ông Huy, được nghe âm thanh giống như một loại quà tặng nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp không muốn nghe thì đó là sự tra tấn (6).
***
Dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã rút ra được nhiều “kinh nghiệm sâu sắc” từ việc công bố các dự án, kế hoạch, công trình,... bị dân chúng phản đối kịch liệt vì đã vô bổ còn tốn kém, cuối cùng, không ít dự án, kế hoạch, công trình,... phải tạm ngưng triển khai hay đình chỉ vĩnh viễn, gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chỉ công bố các dự án, kế hoạch, công trình,... nhưng giấu tiệt chi phí (ví dụ Tượng đài Cảnh sát nhân dân).
“Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội” là một ví dụ khác. Không ai biết dân chúng phải trả bao nhiêu cho... “phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền, phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở để gia tăng hiệu quả tuyên truyền”, chỉ có thể đoan chắc, với những “mục tiêu” kiểu đó, chi phí đầu tư và duy trì... “chiến lược” sẽ lên tới hàng ngàn tỉ. Chẳng lẽ Hà Nội không còn mục tiêu nào phải đạt trong phục vụ dân sinh? Chẳng lẽ có thể dùng tiền như rác và xem dân ý như một loại rác khác nên chỉ cần quan trên... thích, cả hệ thống sẽ cùng... nhích?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/ha-noi-lai-phu-song-loa-phuong-202207260947085.htm
(6)