Lại ‘đặt bục Công An giữa trái tim người’

Hình bìa tác phẩm “Censorship in Vietnam: Brave New World” của giáo sư Thomas Bass.

Đầu năm 2018, nhà báo Hoa Kỳ, Thomas Bass, cho ra mắt cuốn sách mới, « Kiểm Duyệt ở Việt Nam – thách thức thế giới mới” - Censorship in Vietnam – brave new world.

Đây là cuốn sách điều tra nghiên cứu về nạn kiểm duyệt sách báo rất nặng nề, tồi tệ, lạc lõng ở Việt Nam ngay trong thế kỷ XXI này qua kinh nghiệm bản thân của chính tác giả, vi phạm trắng trợn hiến pháp và pháp luật của chính Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng quyền con người.

Cuốn sách kể lại, năm 2009 ông xuất bản cuốn sách « The spy who loved us » - Người gián điệp yêu chúng ta - kể về cuộc đời của điệp viên Phạm Xuân Ẩn.

Tại Việt Nam, 2 công ty xuất bản Nhã Nam và Hồng Đức xin phép ông được dịch và phát hành cuốn sách này. Nhưng sự việc không đơn giản. Suốt 2 năm 2015 và 2016, Bass vất vả đi đi về về Hà Nội gần 20 lần để trao đổi với các nhà phiên dịch và xuất bản, tranh luận có khi gay gắt với nhau, cuối cùng không đạt thỏa thuận.

Lý do là vì các nhà phiên dịch và kiểm duyệt của Ban tuyên huấn, Hội nhà văn Việt Namm, của Công an văn hóa Việt Nam đã lược bỏ một cách áp đặt hơn 200 đoạn, câu chữ trong nguyên bản, làm cho tác phẩm què cụt, không còn là tác phẩm của ông nữa. Cho đến tít của sách cũng thay đổi thành « Điệp viên Z21: Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ », không cho phép ông Ẩn được yêu nước Mỹ, mà phải coi là kẻ thù của nhau!

Cuối cùng ông Bass đồng ý cho họ xuất bản theo ý họ, nhưng dành quyền tố cáo trước dư luận Hoa Kỳ, Việt Nam và thế giới cái chính sách kiểm duyệt độc đoán mang tính chất phát xít, man rợ cực hiếm hiện nay. Và thế là cuốn « Kiểm duyệt ở Việt Nam - thách thức thế giới mới » xuất hiện.

Đây là cuốn sách lên án một cách nghiêm khắc, có bằng chứng minh bạch rõ ràng tội của các ngành xuất bản và kiểm duyệt, bao gồm các công ty Nhã Nam và Hồng Đức, Hội nhà Văn Việt Nam, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an, những cơ quan chống lại tự do ngôn luận, tự do báo chí được hiến pháp và pháp lý quốc tế bảo vệ. Ông Bass có quyền đòi Việt Nam phải ngừng phát hành bản dịch méo mó què cụt mang tên ông và ông giành quyền khởi kiện và đòi bồi thường trước thách thức và vi phạm nghiêm trọng này.

Chưa thấy nhà chức trách Việt Nam trả lời sau khi cuốn sách tố cáo tệ nạn kiểm duyệt ở Việt Namm của ông được công bố và được báo chí và truyền thông quốc tế đưa tin (xem các bài viết trên VOA về cuốn sách này).

Kiểm duyệt là gì? Theo nhà thơ Lê Đạt, đó là « đem bục Công an đặt giữa trái tim người, bắt tình cảm ngược xuôi theo luật lệ đi đường của Nhà nước », bất công, phi nhân, vô luân, vô đạo.

Xin mọi người nhớ, năm 2007, Nhà nước đã trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho 4 lão tướng của Nhân văn Giai phẩm: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm, coi như một sự ghi công, minh oan công khai, xin lỗi 4 nhà văn tiên phong về những ngày bị đầy ải, giam cầm, cải tạo những năm trước.

Ấy vậy mà nay tệ kiểm duyệt còn nặng nề hơn trước, cắt thiến thô bạo hơn 200 câu, đoạn một cuốn sách hơn 300 trang, mà lại là nhà báo nước ngoài kiêm giáo sư đại học về báo chí!

Đúng vào dịp Tết Mậu Tuất này, chiếc kéo kiểm duyệt ác nghiệt của Bộ 4T, Ban Tuyên giáo TƯ và ngành Công an Văn hóa làm cho giới báo chí văn học nghệ thuật trong nước bớt vui, còn gây phẫn nộ.

Cuốn sách « Cung đàn số phận » do công ty Alpha Books liên kết với Nhà xuất bản Hội nhà Văn vừa cho ra mắt độc giả đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt oan nghiệt ngăn cản, được lệnh tạm ngừng phát hành để chờ phán xét của nhà chức trách. Cuốn sách nói lên số phận đen tối bi thảm của ông Nguyễn Văn Lộc, biệt danh « Lộc Vàng » do bạn bè thủ đô quý mến đặt cho ông, do ông là người nghệ sĩ mê say « nhạc vàng » như điếu đổ, có công sưu tầm hàng trăm làn điệu dân ca theo làn hát xẩm, hát ả đào, hát chầu văn… ngày càng mai một, lại say mê trình diễn công khai nhạc bị coi là vàng vọt giữa bạn bè bằng giọng hát liêu trai lôi cuốn của chính ông, những làn điệu mà ông cho là quý hơn vàng bạc, của dân tộc ta, nhân dân ta.

Và thế là ông bị trừng phạt. Các quan chức kiểm duyệt triệu tập ông, truy tố ông ra tòa, ông bị tuyên án 10 năm tù đúng vào năm Mậu Thân 1968 vì cái tội rất nặng, là « truyền bá tư tưởng ủy mị » trong khi người ta cần cổ vũ bạo lực, chiến tranh, đằng đằng sát khí. Cho đến nay ông vẫn không sao hiểu nổi cái tội người ta gán cho ông. Vì trong hiến pháp và luật pháp không tìm đâu ra điều khoản nào cấm công dân ủy mị, đau buồn lãng mạn, theo các tình cảm ái, ố, hỷ, nộ - yêu ghét mừng vui buồn giận của những con người tự do.

Người biết buồn mới quý niềm vui, có niềm căm ghét mới hiểu lòng quý trọng.

Con người thật là người mới có sự rung động bén nhạy và tinh tế, cảm nhận sâu thẳm những làn điệu uyển chuyển, luyến láy, trầm bổng, mê ly, cuốn hút hồn người, làm rung động mọi mối tơ lòng.

Chính do quý trọng tâm hồn nghệ sĩ tinh tế sâu lắng của ông Lộc Vàng cũng như thông cảm sâu đậm nỗi oan trái khủng khiếp bị mất tự do suốt 8 năm trời tuổi thanh xuân của ông trong Hỏa Lò, khi « nhất nhật trong tù thiên thu tại ngoại », nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên đã tình nguyện viết lời giới thiệu chân thành, đầy lòng ưu ái thông cảm với một nghệ sĩ dân gian chân chính như một lời khích lệ thân thương, như một niềm an ủi của một người bạn đồng cảm muộn màng nhưng hiếm quý, độc đáo.

Từ khi còn ở trong nước, tôi đã sống trong không khí đàn áp phong trào Nhân văn giai phẩm, khi nhà thơ Hoàng Cầm – Bùi Tằng Việt là bạn thân còn là người bà con, chú em rất gần của tôi. Hồi ấy chính ông Dương Thông và ông Quang Phòng ở bộ Công an cho tôi biết rằng bộ máy kiểm duyệt chính là thuộc Công an Văn hóa thuộc Tổng cục An ninh, bộ Thông tin văn hóa, ban Tuyên huấn, hội nhà Văn chỉ là bộ phận thừa hành, phối hợp theo đúng chức vụ phân công trong trong nền chuyên chính cộng sản.

Nhưng tôi không buồn chút nào trước lưỡi kéo kiểm duyệt lạc lõng thời đại của triều đại ông tổng Trọng hiện nay.

Anh nhà báo Thomas Bass đã trở nên bạn thân thiết của tôi. Khi viết dự thảo cuốn « Kiểm duyệt ở Việt Nam », anh đã sang Pháp gặp tôi, ở nhà tôi mấy ngày liền, cho tôi đọc trước bản thảo và hỏi ý kiến tôi. Tôi có góp một số ý kiến và cuối cùng an ủi ông ta rằng, hãy yên chí, chính công an Việt Nam đã quảng cáo trước, không phải trả công, cho cuốn sách nảy lửa sắp phát hành của ông.

Với cuốn « Cung đàn số phận » lần này cũng vậy, tôi rất mừng cho ông Lộc Vàng và cô nhà báo nhạy bén, mềm mại, duyên dáng Kim Dung/Kỳ Duyên, và cam đoan rằng cuốn sách tâm huyết này vẫn sẽ được tìm đọc rộng rãi, mê say như nó xứng đáng được hưởng, vì những làn điệu dân ca nhạc vàng luyến láy, trầm bổng… Tiếng khoan như gió thoảng ngoài / Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (truyện Kiều) đã thuộc tài sản tinh thần vĩnh cửu của dân tộc Việt, của nhân dân Việt rồi. Nó sẽ mãi mãi tồn tại, vượt qua những lưỡi kéo bất nhân của một chính quyền vô văn hóa, chà đạp quyền tư do được vui buồn, quý ghét, được hăng say hay ủy mị tùy theo hoàn cảnh của những con người chân chính.

Ở thời đại này vẫn còn « Đem bục công an đặt giữa trái tim người », bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường Nhà nước chỉ là một sự tự phơi bày ô nhục của một nhà nước cộng sản theo luật rừng, mất hết tính người.