Hàng trăm người chết và mất tích khi nước lũ các sông ở miền Bắc Việt Nam dâng cao, có nguy cơ nhấn chìm các tỉnh, trong đó có thủ đô Hà Nội, trong khi Việt Nam vừa cấp tốc đề nghị Trung Quốc ngưng xả lũ trên sông Hồng, theo tìm hiểu của VOA.
Hà Nội đã bị ngập lụt ở nhiều nơi và đang đối mặt nguy cơ ngập trên diện rộng sau khi nước sông Hồng dâng cao đến mức báo động 1, đài truyền hình Hà Nội cho biết. Hình ảnh trên đài truyền hình này cho thấy nhiều hộ dân khu vực ven sông Hồng ở huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Sóc Sơn… đã bị ngập lụt với hàng trăm hectare hoa màu bị chìm trong biển nước.
Ba ngày sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam hôm 7/9, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng trên khắp miền bắc, khiến nước các con sông lớn dâng cao, gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy nước các con sông chảy cuồn cuộn ngấp nghé đến mặt cầu.
Đến trưa ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã ban bố lệnh báo động cấp độ 1 sau khi mực nước sông Hồng lên mức 9,5 mét, theo tin từ Thông tấn xã Việt Nam.
Ngay trong đêm 9/9, chính quyền phường Phúc Xá, quận Tây Hồ, đã phải khẩn cấp di dời 4 hộ dân với 9 nhân khẩu trên bãi giữa sông Hồng trong khi nhiều hộ gia đình ven sông ở các huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đã phải chạy lũ trong đêm, cũng theo hãng tin Nhà nước Việt Nam.
Trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin vỡ đê ở huyện Sóc Sơn, tuy nhiên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã bác bỏ thông tin này.
Trong lúc này, các tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã công bố tình trạng khẩn cấp do mưa lũ và sạt lở đất, Thanh Niên đưa tin.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết thành phố Yên Bái và nhiều địa phương của tỉnh chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập, giao thông chia cắt với hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập. Còn tại Lào Cai, mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở ở nhiều nơi và khiến nước sông, suối lên nhanh có nguy cơ gây lũ quét, theo VTV.
Tới ngày 10/9, đã có gần 40 người chết và mất tích ở Yên Bái do sạt lở đất, theo Tuổi Trẻ, còn ở Lào Cai, một trận lũ quét vào sáng ngày 10/9 đã vùi lấp gần 130 người ở huyện Bảo Yên làm 56 người chết và mất tích, trang VnExpress đưa tin.
Trước đó, thành phố Thái Nguyên tại tỉnh Thái Nguyên cũng bị ngập lụt khi nước sông Cầu dâng cao. Một người dân ở đây đã nói với VOA rằng nhiều người dân vùng lũ bị mắc kẹt trong điều kiện không có điện, nước và thông tin liên lạc.
Còn tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Giang, nước các con sông cũng lên nhanh gây lũ cuốn khiến có người dân thiệt mạng, theo Tuổi Trẻ.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Trung Quốc và trao đổi với đại biện lâm thời nước này tại Hà Nội để đề nghị Bắc Kinh có những biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt gây ngập úng tại hạ du sông Hồng, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và lãnh sự quán tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, cũng đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam về việc kiểm soát việc xả lũ ở thượng nguồn sông Hồng ở tỉnh Vân Nam.
Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc giảm hoặc đóng cửa xả tại các đập thủy điện ở thượng nguồn, đồng thời nếu có xả lũ thì cần thông báo kịp thời thời điểm, thời gian và lưu lượng xả lũ, Tuổi Trẻ cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vào trưa ngày 10/9 đã đi thị sát tình hình ở tỉnh Bắc Giang và chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh bị thiên tai để bàn về công tác ứng phó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin.
Ông đã yêu cầu các lực lượng quân đội, công an huy động tất cả phương tiện và lực lượng, kể cả trực thăng, để cứu trợ người dân.
Your browser doesn’t support HTML5