Quốc hội Việt Nam hôm 28/6 thông qua Luật Cảnh vệ sửa đổi, trong đó cho phép người đứng đầu Bộ Công an được quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ trong các trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội, theo truyền thông trong nước.
Đây là nội dung mới được bổ sung vào phần sửa đổi của Luật Cảnh vệ vừa được thông qua với sự tán thành của đa số đại biểu Quốc hội.
Trước đó khi thảo luận về dự thảo luật này hôm 24/5, các báo trong nước cho biết một trung tướng của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã để xuất cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng được quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt được VnExpress trích lời nói rằng ông “đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ Bộ trưởng Quốc phòng vào sau Bộ trưởng Công an bởi lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội.” Theo ông, sĩ quan quân đội hiện nay cũng triển khai nhiều biện pháp cảnh vệ.
Tuy nhiên hôm 12/6, Ủy ban Quốc phòng-An ninh cho rằng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác cảnh vệ nên việc bổ sung thẩm quyền Bộ Quốc phòng là không cần thiết và đề nghị Thường vụ Quốc hội không bổ sung vào dự luật thẩm quyền của bộ trưởng Quốc phòng, theo VnExpress.
Theo những sửa đổi của Luật Cảnh vệ mới được thông qua hôm 28/6, bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp với các trường hợp không thuộc diện được cảnh vệ trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, công tác đối ngoại, theo VnExpress và Người Lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết từ tháng 7/2018, bộ trưởng Công an đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với 56 trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ được quy định trong luật để đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh và trật tự xã hội theo đề nghị của các bộ, ngành, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, theo Người Lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới được VnExpress trích lời giải thích rằng việc áp dụng biện pháp cảnh vệ liên quan đến hạn chế quyền con người theo Hiếp pháp nên cần quy định trong luật và giao Bộ trưởng Công an quyết định là phù hợp.
Theo Người lao động, thực tế cho thấy công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội "luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, khó lường đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để thuận lợi cho việc thực thi." Do đó, vẫn theo giải thích của tờ báo này, luật sửa đổi chỉ khái quát trường hợp, tiêu chí áp dụng “trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại” mà không đưa ra chi tiết hay liệt kê trường hợp hoặc tiêu chí cụ thể. Điều này nhằm để “đảm bảo tính linh loạt” trong việc “giải quyết các tình huống đột xuất cần triển khai công tác cảnh vệ.”
Còn theo VnExpress, nội dung cụ thể của các biện pháp cảnh vệ “đều chứa đựng thông tin bí mật nhà nước nên Luật Cảnh vệ hiện hành và sửa đổi chỉ nêu tên biện pháp” còn “nội dung cụ thể giao Bộ trưởng Công an quy định chi tiết cho phù hợp.”
Bản dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi được Thư viện Pháp luật đăng tải cho thấy lực lượng Cảnh vệ áp dụng việc kiểm tra an ninh “để phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và vật nguy hiểm khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ.”
Những bổ sung mới trong luật còn bao gồm các điều khoản đối với chế độ cảnh vệ cho khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam cũng như đưa ra các biện pháp cảnh vệ trọng yếu đối với khu vực trọng yếu.
Theo Bộ Công an được Người lao động trích dẫn, dự thảo luật bổ sung biện pháp cảnh vệ "kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực" áp dụng đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn (quận Ba Đình, Hà Nội) là xuất phát từ thực tiễn yêu cầu công tác cảnh vệ.
Vẫn theo Bộ Công an, “chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền” trong việc triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác không được quy định trong Luật Cảnh vệ.
Quốc hội Việt Nam hôm 28/6 cũng thông qua việc bổ sung 3 trường hợp thuộc diện được cảnh vệ là người giữ chức thường trực Ban Bí thư Đảng, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Những người ngày sẽ được sĩ quan bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc và khi đi công tác được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Luật Cảnh vệ của Việt Nam được áp dụng năm 2017 và luật sửa đổi, bổ sung mới được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.