Luật sư của ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank nói thân chủ của ông sẽ kháng cáo bản án tử hình vừa tuyên hôm 29/9.
Ông Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư bào chữa trong vụ án tham nhũng của ngành ngân hàng chiếm đoạt hàng chục triệu đôla nói với VOA:
“Sau khi nghe tuyên án xong, tôi có gặp gỡ bị cáo - thân chủ của tôi là Nguyễn Xuân Sơn cho biết sẽ kháng cáo, kêu oan về tội tham ô và tội lạm quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.”
Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhận định rằng phiên tòa hôm 29/9 tại Hà Nội tuyên thân chủ của ông án tử hình là không có căn cứ pháp luật:
“Chúng tôi khẳng định rằng không đủ căn cứ để kết ông Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng những luận cứ, luận điểm, luận chứng để chứng minh cho lời bào chữa của chúng tôi. Nhưng Viện kiểm sát cũng không có những tranh luận gì về những vấn do chúng tôi đưa ra về mặt pháp lý cả. Vì vậy, chúng tôi cho rằng bản án hôm nay tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô là một bản án không có căn cứ pháp luật.”
Chúng tôi cho rằng bản án hôm nay tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô là một bản án không có căn cứ pháp luật.Luật sư Nguyễn Minh Tâm
Hãng tin Reuters hôm 29/9 nói rằng ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là “đại án kinh tế OceanBank.”
Cũng trong vụ án này, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank, bị tòa tuyên án tù chung thân.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra nhận định về những bản án này:
“Bản án đối với hai bị cáo này và nhiều bị cáo khác tôi cho rằng là thỏa đáng và phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề người ta đang quan tâm là những lời khai của ông Sơn và ông Thắm trước tòa cần phải tiếp tục làm rõ. Số tiền mà tặng làm quà cho người này, người kia trong dịp Tết, dịp lễ thì ông Sơn chưa nói cụ thể. Có lẽ nên tiếp tục làm rõ thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới có hiệu quả và tạo niềm tin của người dân.”
Bản án đối với hai bị cáo này và nhiều bị cáo khác tôi cho rằng là thỏa đáng và phù hợp.Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đối với hành vi tham ô, truyền thông trong nước trích lời hội đồng xét xử nhận định rằng ông Sơn khai đã nhận tiền từ ông Thắm rồi sau đó chi cho việc ngoại giao, lễ tết…
Ông Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).
Hãng tin AP trích lời thẩm phán Trương Viết Toàn trong phiên tòa ngày 29/9 nói rằng nạn tham nhũng diễn ra trong các thành viên của Đảng Cộng sản và công chức chính quyền đang đe dọa sự sống còn của chế độ:
"Các hành vi của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thám đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của nhà nước và các tổ chức, gây ra sự phẫn nộ trong nhân dân cho nên cần phải xử nghiêm... trong cuộc chiến chống tội phạm nói chung và chống tham nhũng cụ thể trong thời điểm hiện nay.”
Ông Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội tham ô 2 triệu đôla và lạm dụng quyền lực biển thủ thêm 8,7 triệu đôla Mỹ từ Ocean Bank, một ngân hàng cổ phần trong đó PVN đã sở hữu 20 % cổ phần.
Hãng tin Reuters trích lời giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia nói rằng: “Những bản án khắc nghiệt này chủ yếu nhằm để răn đe công chúng, chứ ít có tác dụng nếu không cải thiện bộ máy nhà nước độc đảng.”
Bản án tử hình ông Nguyễn Xuân Sơn là bản án lần đầu tiên trong nhiều năm qua đối với một cựu quan chức cao cấp và diễn ra giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng tràn lan đang hồi khốc liệt và thao túng trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trước đó ông Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Vinalines cũng đã bị án tử hình vào năm 2014. Nhưng cho đến nay, theo Reuters, ông Sơn là quan chức cao cấp nhất bị án tử hình.
Đảng Cộng sản cầm quyền ngày càng cứng rắn hơn về nạn tham nhũng khi cơ quan an ninh của Việt Nam có thêm quyền lực vào năm ngoái và hất cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường.
Một số nhà phê bình cáo buộc rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang săn đuổi phù thuỷ sau khi tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến những nhân vật cao cấp dưới thời của ông Dũng.
Reuters nói rằng các cuộc điều tra đang nhằm vào công ty PVN, nơi mà ông Đinh La Thăng, từng là cựu Chủ tịch, đã mất chức ủy viên Bộ Chính trị, và cựu Phó Thống đốc ngân hàng nhà Nước Đặng Thanh Bình vừa bị truy tố.
Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.
Cuộc điều tra của PVN cũng thu hút sự chú ý của toàn cầu khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc cựu giám đốc điều hành Trịnh Xuân Thành tại Berlin và đưa về Hà Nội vào tháng 7 để xét xử trong một vụ án tham nhũng khác.
Theo công bố gần đây Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu 2016.
Tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á-Thái Bình Dương.