Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình vào tối ngày 26/10 đã đáp xuống sân bay ở bang Arkansas của Hoa Kỳ để định cư tị nạn, sau hơn một năm bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.
Ông Võ An Đôn, một luật sư ở Phú Yên bị chính quyền tước giấy phép hành nghề cách nay gần 6 năm, nói với VOA vào buổi trưa cùng ngày khi quá cảnh ở sân bay quốc tế Dulles ở bang Virginia rằng ông vui mừng vì đã đến được đất nước Hoa Kỳ:
“Tôi và gia đình rất vui mừng khi đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ. Ở đây, người ta rất là tốt, đã cử người đến đón tiếp gia đình tôi rất nồng nhiệt”.
Như VOA đã đưa tin, vào tháng 9/2022, ông Võ An Đôn, 45 tuổi, và gia đình được chính phủ Hoa Kỳ cho đi tị nạn chính trị nhưng phía Việt Nam đã cấm xuất cảnh “vì lý do an ninh”. Vụ việc xảy ra vào tối ngày 27/9 khi ông và gia đình làm thủ tục xuất cảnh từ sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất khởi hành đi Mỹ.
Theo ông Đôn, trong suốt năm qua các cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã vận động với chính quyền Việt Nam để ông được xuất cảnh, và kết quả này chỉ đạt được khi người đứng đầu Nhà Trắng đến Hà Nội.
Ông Đôn cho biết rằng ông nằm trong danh sách những người được chính phủ Mỹ đưa ra bàn thảo với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023.
Your browser doesn’t support HTML5
Trao đổi với VOA qua email hôm 26/10 khi gia đình ông Đôn đến Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ hoan nghênh việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với luật sư nhân quyền Võ An Đôn, điều này đã giúp ông được tự do đi lại”.
“Cảm ơn Đại sự quán Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã can thiệp mạnh mẽ để gia đình tôi được xuất cảnh đi Mỹ”, vị luật sư nhân quyền nói với VOA.
“Công an lấy cớ “Vì lý do an ninh quốc gia” cấm tôi xuất cảnh đi Mỹ năm trước, đợi đến khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam thì cho tôi đi Mỹ định cư”, ông Đôn viết trên Facebook khi vừa đến Mỹ hôm 26/10.
Không bằng lòng với việc bị đưa ra mặc cả “như món hàng”, ông viết tiếp: “Tôi buồn, vì phải sống ở một đất nước mà chính quyền coi dân như cỏ rác, bị đè đầu, cởi cổ đến khi bỏ nước ra đi thì đem ra trao đổi như một món hàng”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam ngay trong ngày 26/10 về việc lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Đôn được dỡ bỏ, nhưng đến hôm nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ở bang Texas, người thường xuyên theo dõi các hoạt động nhân quyền trong nước, chia sẻ ý kiến: "Tôi xin chúc mừng anh Võ An Đôn và gia đình đã đến Hoa Kỳ
bình an. Được biết anh Đôn đã “bị” mời làm việc từ hồi tháng 8 và công
an Phú Yên thông báo cho anh rằng anh không còn bị cấm xuất cảnh nữa.
Công an nói anh có thể đi Mỹ với một điều kiện là im lặng, không lên
tiếng trước sai trái, bất công".
"Có thể thấy không chỉ đem luật sư Đôn ra làm “món quà” trao đổi với Hoa Kỳ, mà công an Phú Yên còn sử dụng trò bẩn để hòng làm nhục anh ấy trước khi chấp thuận để anh và gia đình rời Việt Nam", bà Như Quỳnh nói thêm.
Giới luật sư trong và ngoài nước bày tỏ vui mừng khi ông Đôn được đến Mỹ, đồng thời cũng lo ngại về những nguy cơ tìm ẩn đối với những người bảo vệ công lý về nhân quyền.
“Gia đình luật sư Võ An Đôn đã phải trả một cái giá quá đắt cho những tiếng nói vì lương tri và công lý cho Việt Nam”, Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada viết cho VOA hôm 26/10. “Một đất nước không thể phát triển bền vững khi nhân tài xứ đó tìm đủ mọi cách ra đi, đặc biệt với những người buộc lòng phải lưu vong như luật sư Võ An Đôn”.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Duy Bình chia sẻ nhận định:
“Sáng hôm qua, tôi nhận được thông tin Luật sư Võ An Đôn được phép xuất cảnh qua Hoa Kỳ định cư. Nghe thông tin đó, tôi vừa vui và vừa buồn”.
“Nghề luật sư là ước mơ, là hoài bão của anh ấy, vậy mà giờ phải ra đi xa tổ quốc, xa nhân dân thì cũng là một điều đáng buồn hơn đáng vui. Tôi biết và hiểu anh ấy. Luật sư Đôn là một luật sư tuy còn trẻ nhưng rất thương dân, đặc biệt là dân nghèo, vì vậy, anh ấy làm luật sư cũng chỉ mong áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người dân mỗi lúc họ gặp chuyện. Tôi cũng nhận thấy anh ấy có những phát ngôn quyết liệt, cũng có những phát ngôn chưa chuẩn nhưng không phải là thành phần đối lập hoăc thành viên của một tổ chức, đảng phái nào khác”, Luật sư Bình nói.
“Bây giờ không được làm luật sư nữa và ra nước ngoài sinh sống thì thiệt cho bản thân, ước mơ hoài bão đứng trên đất nước để bảo vệ một bộ phận người dân không còn thực hiện được, nhưng về phía gia đình thì đó cũng là cái lợi vì ở đó con cái sẽ có cuộc sống tốt hơn, học hành sẽ tốt hơn. Tôi chỉ phân vân một điều là bản thân LS Đôn sang đó sẽ làm nghề gì và có hướng đi nào khác để góp phần giúp dân, giúp nước hay không.
“Còn bản thân tôi, tôi không muốn đi đâu cả, tôi vẫn tiếp tục áp dụng pháp luật để giúp cho người dân được phần nào hay phần đó, để khi chết được an lòng”.
Hồi tháng 9/2022, Báo Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam có bài viết xác nhận về việc ông Võ An Đôn bị cấm xuất cảnh, quy kết ông Đôn trong thời gian hành nghề luật sư ở Phú Yên “có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài có nội dung mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam... gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, vào tháng 11/2017, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên có quyết định thi hành “kỷ luật” bằng hình thức xóa tên ông Võ An Đôn ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư Phú Yên.
Trước việc luật sư Đôn bị cấm xuất cảnh, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng nói đây là hành động cho thấy Việt Nam đang “trả đũa” và đàn áp người hoạt động bảo vệ nhân quyền.
“Việc ngăn cản chuyến đi của ông Võ An Đôn đến Hoa Kỳ cho thấy hệ thống chính phủ Việt Nam rộng khắp đang hoạt động, hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động dựa trên những tuyên bố mơ hồ về “an ninh quốc gia”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, nói trong một thông cáo.
Luật sư Đôn được biết tiếng khi thường xuyên nhận bào chữa, thậm chí miễn phí, cho các nhà hoạt động nhân quyền và những người yếu thế.