lục bình trôi
trôi vô hướng
trôi vất vưởng
giữa trần ai
lục bình yêu
duyên cay đắng
lục bình thắm
tình mồ côi
lục bình trôi
qua cam lộ
hồi cố phủ
rũ hồng trần
Người bạn của tôi yêu lục bình. Tôi không biết rõ lắm vì lý do nào. Anh chỉ bảo với tôi, rằng lục bình có số phận lênh đênh. Có lẽ anh thấy đời sống nhân sinh cũng bềnh bồng như lục bình chăng? Bài thơ tam tự tứ cú này, tôi viết cho bạn tôi.
Có những mảnh đời lục bình theo nghĩa đen của nó, và cả nghĩa bóng nữa. Khi người bạn, mà tôi mạn phép gọi là “LB” ở đây, kể với tôi về đồng hương Việt Nam trôi dạt trên xứ Chùa Tháp, anh muốn tôi giúp ghi lại chuyến đi của anh – qua những dữ liệu lưu trữ bằng phương tiện điện tử: hình ảnh kỹ thuật số và âm thanh MP3.
Trên đại dương của mạng điện toán toàn cầu, nổi trôi là những mẩu thông tin đa tuyến đa năng. Tôi chợt nghĩ, giữa biển thông tin đó, câu chuyện của người Việt ở Cambốt rồi sẽ như lục bình, về đâu? Sẽ có bao nhiêu người để tâm chú ý đến cảnh đời sông nước bôn ba?
Nhưng điều đó không làm LB ngại. Anh chỉ biết một điều thật chắc chắn: phải kể về đồng hương của mình ở Cambốt, và anh đã kể cho tôi nghe, với một tình thương thật chan đầy và gần gũi:
LB quý nhất là ở chỗ các em nhỏ, tuy không quen biết gì mình, nhưng thấy người lớn là khoanh tay cúi đầu chào rất ngoan ngoãn. Thương lắm!
Hoa Lục Bình
Cô giáo Tuyết Mai sống nơi xứ người đã năm năm. Trước đây, cô sống ở Cần Thơ khi ba mẹ đi làm ăn ở Biển Hồ. Sau khi tốt nghiệp trung học, gia đình gặp khó khăn, nên cô theo cha mẹ đi tha hương cầu thực và phải gián đoạn việc học. Ở vùng Biển Hồ, cô là cô giáo trường ‘thuyền’ vì lớp học nằm trên một chiếc thuyền con. "Tuy bà con Việt Nam mình ở đây rất không, nhưng giáo viên thì không có," Tuyết Mai thuật lại. Cô giáo thì ít, nhưng hay bị đuổi vì theo lời cô, Ban Chi Hội (BCH) làm việc rất phức tạp. BCH do người Việt tổ chức. Có khi một năm, đổi giáo viên đến ba lần, đưa đến tình trạng các em không học hành đến nơi đến chốn được.
Tuyết Mai đã dạy đến đợt hai ở vùng này. Vì cô giáo đi dạy thiện nguyện, nên phụ huynh thỉnh thoảng mang cơm đến cho cô ăn trưa, hay tặng cô giáo một ít thức ăn gạo muối. Có ba lớp học, tổng số 159 em. Lớp buổi sáng có 55 em, tuy số học sinh hiện diện cũng thất thường. Buổi chiều, thì rất đông học sinh. Tuy nhiên, tùy lúc phụ huynh có thể đưa con em đi học nếu không đi đánh cá, nên việc học rất thất thường. Vì thương học trò nghèo, cô giáo Tuyết Mai cố gắng cầm cự để tiếp tục dạy dỗ cho các em. Cái gì đã thôi thúc cô kiên quyết với công việc lao công vô lộc này? Có phải cái tình quê vẫn còn lai láng ấy? Có phải một tình yêu dành cho trẻ thơ không bị mai một bởi cảnh khó khăn? Có phải tấm tình kiên trung với những thế hệ tương lai đang đâm chồi nẩy lộc mà không được một mảnh đất tốt để vươn lên?
Cô giáo Tuyết Mai hay đối chiếu đời sống ở Biển Hồ và ở miền Nam của quê hương cô. Điều đó cho thấy, kim chỉ nam trong đời sống của người Việt ở nơi này vẫn gắn liền với quê nhà trong tâm thức và cách sống của họ. Tôi nghĩ, cái sức mạnh của tình quê hương ấy đã thôi thúc LB, khi trở lại Hoa Kỳ, muốn gióng lên tiếng trống để loan báo về hoàn cảnh của đồng bào Việt Nam ở Cambốt, và để đi tìm những tấm lòng Nghiêu Thuấn cứu đời.
Đời Lục Bình
Ở Mỹ, đôi khi các bậc phụ huynh phải vất vả năn nỉ con em chịu khó học hành, làm bài tập về nhà, hoặc phải hối lộ con mình em để các cháu chịu khó đi học đàn học vẽ. Ở Biển Hồ, mỗi lớp học là một canh bạc - vì không có gì bảo đảm cho các em rằng ngày mai, cô giáo sẽ đứng lớp, và học trò có thuyền để quá giang ra lớp. Có nhiều em, như cô bé áo vàng, thèm được đi học, nhưng mẹ nói phải theo mẹ đi bán kiếm cơm. Bâng khuâng giữa chợ đời, bước chân em quày quả trở lại mái trường đơn sơ trên chiếc thuyền độc mộc, chỉ để thấp thỏm ghé mắt vào một thế giới mà tuy chỉ cách vài bước chân, lại quá đỗi xa vời. Trong ánh mắt ấy, vẫn long lanh một sức sống mãnh liệt và một ước mơ chưa chịu phôi pha.
Một hình ảnh khác xoáy vào tâm tư tôi, là hình ảnh cô bé bán bánh rán gói lá lục bình trên một con thuyền. Cô bé ấy mong manh như một chiếc lá lục bình, ngỡ ngàng giữa cảnh đìu hiu của một ngày chợ thưa, không cười không nói. Những cái bánh rán vàng ươm mật đường thốt nốt ấy, xem chừng hớn hở hơn cả cô bé bán hàng bất đắc dĩ kia. Tôi chợt nhớ câu thơ trong bài "Sở Kiến Hành" của đại thi hào Nguyễn Du, "Trông mặt trời vàng úa." Trên thuyền, là một mặt trời chưa rạng ban mai mà đã úa vàng. Tôi xót xa khi nghĩ rằng, có thể chính mình cũng ở trong thế giới mâm cao cỗ đầy của Trạm Tây Hà, khi cô bé bán bánh rán kia vẫn lưu lạc trong trời đêm lạnh cóng của Sở Kiến Hành. Tôi có xứng đáng chưa với những gì mình nhận được trong cuộc đời này? Và liệu tôi có dám làm người vô can khi chứng kiến cảnh sống nhục nhằn đứt khúc của tuổi thơ Việt Nam bên vệ đường thế giới?
Những anh Năm, anh Bảy, những cô Tám, cô Ba, và những em bé khác nữa, đang đi chài sâu lưới bẩm trên những Biển Hồ lưu vong. Những mầm non Việt Nam đang tìm đất để bén rễ cho một cuộc đời vô định. Họ đi bủa lưới ở những nơi mà thiên nhiên đã cạn kiệt, cả ngày chỉ tìm được một mẩu cá con. Họ đi giăng câu ở bờ sông nước cạn, đi mò ốc ở bãi kênh cùn. Họ đổi cái quần quật hằng để lấy chút cơm chút cháo, và đôi khi, để đổi lấy cái nợ không cách gì thoát khỏi của kiếp lầm than.
Giữa nền kinh tế thị trường của thời đại hoàn cầu hóa, nhân mạng nằm trong một mối rối: nhân mạng phải vật lộn với lợi nhuận và cạnh tranh với độc quyền kinh tế. Thực trạng của con dân Việt vẫn phải rời bỏ quê hương đi tìm miếng cơm manh áo ở khắp cùng bờ cõi địa cầu là một điều cần cho mỗi con người mang dòng máu Việt Nam phải lưu tâm. Chúng ta không chỉ sống trong một quốc gia đơn độc, hay thuộc về một vùng đất quê hương đơn thuần nào đó. Chúng ta trở nên gia đình Việt Nam trong đại gia đình thế giới. Chỗ đứng của mỗi người Việt Nam là một phần của chỗ đứng của dân tộc Việt Nam trên diễn đàn thế giới. Nhân phẩm của mỗi người Việt Nam là nhân phẩm của giống nòi Lạc Hồng trong nhân sinh quan toàn cầu. Đúng thế, những em bé xa lạ kia thật ra không hề xa lạ, vì các em là máu mủ của mỗi chúng ta, là hiện thân của một nhân diện và tâm thức dân tộc cho dù chúng ta có chọn đứng chung với các em hay không.
Lục Bình trời Tây
Cho nên tuy tôi chưa đến xứ Chùa Tháp, chưa lênh đênh trên Biển Hồ để cảm nhận trực tiếp cái bấp bênh của đời sống thiếu trước hụt sau, nhưng qua những đối diện với đời sống đồng bào ở Sân Vận Động tại Ba Lan, tôi hiểu được cái điêu đứng và thăm thẳm của một đời sống không có tương lai, không có lối về.
Cái khổ của nhân sinh, lấy gì mà đo được? Rất mong rằng, qua cam lộ, những đóa lục bình sẽ hồi cố phủ, và tìm cho mình một niềm quê sau những thăng trầm đời thường. Cái khổ của người Việt ở mọi miền thế giới, ở mọi miền đất nước, là cái khổ chung của dân tộc. "Máu chảy ruột mềm." Nhìn cảnh khó khăn vất vưởng của đồng bào, mỗi người Việt xa xứ thấm thía hơn mối tương quan của mình với những khúc ruột mà Mẹ Âu Cơ đã mang nặng đẻ đau. Để mỗi một mối chạnh lòng sẽ dẫn đến một nghĩa cử tương trợ, mỗi tấm tình quê hương sẽ là nhịp cầu để bắt sang con sông Cơ Hàn, đưa đồng bào Việt Nam về một đời sống xứng đáng hơn với bao cố gắng và sự chân thành của họ.[TĐG-TN]