Lực lượng Phi Châu ở Mali có thể tăng gấp đôi

Binh sĩ Mali canh gác tại một chốt kiểm soát bên ngoài thị trấn Diably, khoảng 460km về phía bắc thủ đô Bamako, ngày 21/1/2013.

Binh sĩ nước ngoài được gởi tới Mali

Binh sĩ nước ngoài tại Mali

Pháp: Hiện có khoảng 800 binh sĩ tại Mali và có ý định gia tăng sự hiện diện của binh sĩ lên 2500 người trong những tuần lễ sắp tới. Hôm thứ Ba, Tổng thống Francois Hollande nói rằng, quân đội của nước ông sẽ bắt đầu rút ra khỏi cựu thuộc địa của Pháp này một khi khối ECOWAS của vùng Tây Phi triển khai binh sĩ của họ và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm.

ECOWAS: Ecowas đang tới quyết định chót để gởi tới 3300 binh sĩ tới Mali, dưới kế hoạch can thiệp được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Loan báo về việc đóng góp binh sĩ từ các nước Châu Phi gồm các nước sau đây:

-Nigeria: 900 binh sĩ
-Burkina Faso: 500
-Niger: 500
-Senegal: 500
-Togo: 500
-Benin: 300
-Guinea: 144
-Ghana: 120
-Chad: chưa xác định nhân số
Các giới chức Liên hiệp quốc cho biết quân số 3,300 người của lực lượng can thiệp Phi Châu đang triển khai ở Mali có thể tăng gấp đôi, vì cần có thêm binh sĩ để giúp Mali lấy lại quyền kiểm soát miền bắc đang do các phần tử Hồi giáo hiếu chiến nắm giữ.

Ông Youssoufou Mamba, Đại sứ Cote D’Ivoire tại Liên hiệp quốc và là người đại diện của khối ECOWAS (Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi) tại Liên hiệp quốc, cho biết gần 1,000 binh sĩ đã đến Mali.

Hôm qua, ông hối thúc Hội đồng Bảo an cung cấp sự hỗ trợ tài chánh và hậu cần khẩn cấp cho chiến dịch này.

Các lực lượng của Pháp và Mali đã chặn được đà tiến về hướng nam của phe hiếu chiến, là những người đã chiếm cứ một phần đất rộng lớn ở miền bắc Mali sau khi xảy ra một vụ đảo chánh hồi tháng 3 năm ngoái.

Một phóng viên của đài VOA ở thành phố Gao cho biết hầu hết các phần tử Hồi giáo hiếu chiến đã tháo chạy ra khỏi thành phố từ tuần trước, khi các máy bay của Pháp giội bom vào các vị trí của họ.

Phóng viên này nói thêm rằng vụ không kích của Pháp 10 ngày trước đây đã không gây tử vong cho thường dân nào, nhưng thành phố này bị khan hiếm thực phẩm và thuốc men vì tất cả những chuyến hàng từ Niger và Algeria tới đây đều bị gián đoạn.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon nói rằng mối đe dọa khủng bố ở Mali có “ảnh hưởng toàn cầu”.

Trong bài diễn văn đọc tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc hôm thứ ba, ông Ban Ki Moon cho biết giải quyết vụ rối loạn ở Mali và vùng Sahel là một trong các ưu tiên hàng đầu của ông trong năm nay.

Ông Ban Ki Moon cũng cho biết các cơ quan cứu trợ của Liên hiệp quốc đang ra sức đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của vụ khủng hoảng đã làm cho 350.000 phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

http://www.voanews.com/flashembed.aspx?t=phg&id=1587987&w=640&h=506&skin=embeded