Một số sĩ quan cao cấp nhất của Lục quân Mỹ vừa khẳng định: Những thay đổi gần đây cả về cấu trúc, chiến thuật lẫn trang bị đều nhằm giúp lục quân có thể thích ứng với những đặc điểm của khu vực Thái Bình Dương chứ không phải để thay thế vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ tại khu vực này (*).
Từ khi Trung Quốc trở nên hung hăng và trở thành ẩn họa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Thủy quân lục chiến Mỹ đã có những thay đổi đáng kể về cấu trúc lực lượng, chiến thuật và trang bị. Các đơn vị của Thủy quân lục chiến Mỹ đã được sắp xếp lại theo hướng gọn hơn, linh hoạt hơn so với cấu trúc của binh chủng này trong các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan. Thủy quân lục chiến Mỹ đang giải thể các đơn vị tăng, giảm cả số lượng đại bác lẫn các khẩu đội pháo binh cơ động, thành lập những trung đoàn chuyên tác chiến cận duyên, trang bị thêm hỏa tiễn địa – hải chuyên tiêu diệt chiến hạm được đặt trên các loại thiết giáp đa năng...
Chẳng riêng Thủy quân lục chiến – binh chủng thuộc quân chủng Hải quân Mỹ, Lục quân Mỹ cũng đang tái cấu trúc theo hướng tương tự. Giờ, ưu tiên hàng đầu cho hỏa lực của Lục quân Mỹ là thành lập các đơn vị pháo binh chuyên sử dụng hỏa tiễn tầm trung, tầm xa có thể điều hướng, những khẩu đội có thể sử dụng các loại pháo siêu thanh.
Tại cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức vào tuần trước, tướng James McConville - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, bảo rằng: Tái cấu trúc lục quân, chuyển hướng từ việc không ngừng gia tăng khả năng triển khai nhanh trên toàn cầu, sang nâng cao khả năng thực hiện ngay các chiến dịch cụ thể ở Thái Bình Dương có thể khiến một số người nghĩ rằng, dường như lục quân Mỹ đang có khuynh hướng trở thành bản sao của Thủy quân lục chiến Mỹ nhưng nhận định đó chưa thấu đáo. Những thay đổi đã cũng như đang diễn ra, dẫu có một số điểm tương đồng với những thay đổi của Thủy quân lục chiến đều do đặc điểm của khu vực và đối thủ
Theo tướng McConville: Nếu xung đột với Trung Quốc bùng phát tại các đảo ở biển Đông (South China Sea), biển Hoa Đông (East China Sea – vùng biển tiếp giáp cả với Đài Loan, Nhật lẫn Nam và Bắc Triều Tiên), không chỉ Thủy quân lục chiến mà lục quân cũng sẽ có vai trò hết sức quan trọng, tự điều chỉnh để ứng phó ngay lập tức là tất nhiên.
Tướng Paul LaCamera – Tư lệnh lực lượng Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, giải thích cặn kẽ hơn: Tất nhiên, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ là lực lượng tiên phong và Lục quân Mỹ sẽ theo sát phía sau để Thủy quân lục chiến Mỹ có thể dễ dàng tiến về phía trước. Đó là tình huống mà Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương buộc phải dự liệu để chuẩn bị khả năng đáp ứng. Trên thực tế, Lục quân Mỹ đã cũng như đang và sẽ còn sát cánh với Thủy quân lục chiến Mỹ trong tập luyện. Thủy quân lục chiến Mỹ và Lục quân Mỹ đã cùng rèn luyện khả năng phối hợp trong một chiến dịch qua các cuộc tập trận có tên Balikatan và Cobra Gold.
Tướng LaCamera nhấn mạnh: Huấn luyện chung giữa Thủy quân lục chiến và Lục quân song song với việc vận hành cấu trúc mới theo chiến thuật mới, sử dụng các trang bị mới sẽ còn tiếp tục vì đặc điểm khu vực và đặc điểm đối thủ là yếu tố sẽ khiến cuộc chiến khác với Thế chiến thứ hai. Điều đó không đơn thuần là tranh đua trong thể hiện sức mạnh quân sự mà là rèn luyện – nâng cao khả năng ứng phó nếu xảy ra xung đột thật sự ở bất kỳ thời điểm nào.
Chú thích