Đầu tháng 12, trong lúc dân chúng đang rục rịch chuẩn bị mua sắm cho mùa Giáng sinh và nôn nao nghĩ đến mùa nghỉ hè sắp tới, các chính trị gia Úc lặng lẽ thông qua quyết định tăng lương cho mình. Mà tăng rất nhiều. Ví dụ, lương của Thủ tướng Julia Gillard được tăng lên 470.000 đô la (hiện nay đô Úc tương đương với đô Mỹ), tức cao hơn mức lương cũ đến gần 100.000. Lương phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngân khố Wayne Swan cũng tăng gần 100.000, từ 287.000 lên 370.000. Lương của Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott cũng được tăng từ 259.000 lên 333.000 đô. Tất cả các dân biểu khác cũng đều được tăng lương. Mức lương thấp nhất trong Quốc Hội trước đây là khoảng 140.000, bây giờ khoảng 180.000 đô.
Cần nói thêm: Đó chỉ là lương căn bản. Chính trị gia ở Úc, cũng như ở khắp nơi trên thế giới, ngoài lương, còn nhận được khá nhiều món trợ cấp khác. Ở Úc, tất cả các chính trị gia đều là dân biểu. Với tư cách dân biểu, họ được trợ cấp để điều hành văn phòng ở khu vực mình đại diện cũng như tiền đi lại và ăn ở mỗi lần đến thủ đô để họp. Ngoài ra, họ còn được cung cấp một chiếc xe mới, điện thoại nhà và điện thoại di động miễn phí. Và nhiều thứ khác nữa.
Với đợt tăng lương lần này, các chính trị gia Úc có mức lương cao hơn hẳn những người cùng chức vụ của họ ở Mỹ (tổng thống: 400.000 đô; phó tổng thống: 230.000; đô; các bộ trưởng: 199.700 đô; dân biểu và nghị sĩ: trung bình 174.000 đô).
Lương của họ cũng cao hơn hẳn lương của các tổng thống hay thủ tướng ở châu Âu, phần lớn chỉ từ 200.000 đến hơn 300.000 đô
Trong giới lãnh đạo chính trị, có lẽ lương của Thủ tướng Julia Gillard bây giờ chỉ thua có hai người: Đặc khu trưởng Hong Kong Donald Tsang (trên 500.000 đô) và đặc biệt, Lý Hiển Long ở Singapore (khoảng 2 triệu 7).
Ở trên, ngay câu đầu tiên, tôi có viết “các chính trị gia Úc lặng lẽ thông qua quyết định tăng lương cho mình”. Dùng chữ ‘lặng lẽ” như vậy, tôi không có ý chê trách. Thật ra, từ trước đến nay, ít nhất là ở Úc, hầu như chính phủ nào cũng thế, nếu muốn tự tăng lương, họ đều quyết định tăng vào dịp cuối năm, lúc không khí chính trị như giãn ra, mọi người chỉ tập trung vào việc mua sắm và nghỉ ngơi. Bởi vậy, chúng không gây xôn xao trong dư luận. Và cũng ít bị chống đối.
Có điều, lần này, để ý dư luận trên báo chí, từ tả đến hữu, tôi thấy giới bình luận đều có thái độ khá giống nhau: đồng ý. Dĩ nhiên, đây đó vẫn có người chống đối. Nhưng phần lớn đều cho đó là điều đúng đắn và cần thiết. Người ta nêu lên bốn lý do chính:
Thứ nhất, công việc của các chính trị gia rất nhọc nhằn. Giới lãnh đạo lại càng nhọc nhằn hơn. Họ làm việc hầu như bất kể giờ giấc. Trách nhiệm lại hết sức nặng nề. Bất cứ chuyện gì thuộc chính phủ cũng là trách nhiệm của họ. Người ta đòi hỏi họ phải biết mọi chuyện. Phải có ý kiến về mọi chuyện. Câu trả lời “không biết” hay “chưa biết” là điều hầu như không thể chấp nhận đối với những người lãnh đạo cao nhất nước. Ghế ngồi của họ cũng rất dễ lung lay. Ở nhiều nước khác, nhà lãnh đạo tại vị theo nhiệm kỳ. Ở Úc thì tùy thuộc vào đảng của họ. Ngay cả khi đảng của họ đang cầm quyền, họ vẫn có thể bị mất chức nếu không được sự ủng hộ của các đa số thành viên trong Quốc Hội. Thành ra, lúc nào họ cũng căng thẳng. Như những lúc quyết liệt tranh cử.
Thứ hai, lương thủ tướng gần nửa triệu đô la, thoạt nhìn, có vẻ cao. Nhưng so với vô số người khác, đặc biệt trong giới kinh doanh, thể thao và giải trí, lại rất thấp. Hầu hết các tổng giám đốc điều hành của các công ty thương mại lớn ở Úc đều có mức lương trên một triệu. Một số người gần 10 triệu. Lương của các cầu thủ bóng đá Úc cũng trên dưới một triệu, chưa kể các khoản thu nhập khác từ quảng cáo. Ngay trong các cơ quan chính phủ, lương của các chuyên gia và chuyên viên đầu ngành cũng thường cao hơn lương của các thủ trưởng của họ.
Thứ ba, nói đến chuyện cao hay thấp, người ta so sánh với ai? So sánh với những người đồng nhiệm ở nước ngoài là một cách. Nhưng quan trọng nhất là so sánh với thu nhập bình quân trên đầu người trong nước. Nói chung, lương của người lãnh đạo cao hơn khoảng trên dưới 10 lần là có thể chấp nhận được. Nhìn vào bảng thống kê dưới đây, chúng ta sẽ thấy lương của lãnh tụ ở tất cả các quốc gia giàu mạnh (vào năm 2010) đều ở mức ấy.
Nguồn: http://www.economist.com/node/16525240
(Cần chú ý là Thủ tướng Kenya Raila Odinga được đề nghị mức lương 430.000 đô la một năm, gấp 240 lần thu nhập trung bình trong nước!)
Thứ tư, phần lớn giới bình luận chính trị đều cho tăng lương là một biện pháp tốt nhất để thu hút nhân tài. Không ai có thể chối cãi việc lãnh đạo một đất nước hoặc một bộ là quan trọng hơn hẳn việc lãnh đạo một công ty. Thế nhưng, hiện nay, lương hướng trong các lãnh vực tư nhân, nói chung, đều cao hơn của chính phủ. Đi vào con đường chính trị, do đó, đứng về phương diện tài chính, là một thiệt thòi. Không phải ai cũng chấp nhận sự hy sinh như thế. Hậu quả là không ít tài năng bị đánh mất. Nghĩ cho cùng, đó là một tai họa cho đất nước.
Đó là lý do tại sao phần lớn giới bình luận chính trị tại Úc đều đồng ý với việc tăng lương cho các chính khách.
Nhân tiện, xin nói thêm vài điều.
Một, nhìn vào bảng lương trên, chúng ta thấy lương của Chủ tịch nước Trung Quốc chỉ có 10.633 đô một năm.
Hai, còn Việt Nam thì sao? Tôi chỉ tìm được, trên internet, bảng lương của giới lãnh đạo Việt Nam vào năm 2004, tức cách đây 7 năm.
BẢNG LƯƠNG CHỨC VỤ ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO
CỦA NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004
của Uỷ ban thường vụ Quốc hội)
I- Các chức danh lãnh đạo quy định một mức lương:
Đơn vị tính: 1.000 đồng
STT |
Chức danh |
Hệ số lương |
Mức lương thực hiện 01/10/2004 |
1 |
Chủ tịch nước |
13,00 |
3.770,0 |
2 |
Chủ tịch Quốc hội |
12,50 |
3.625,0 |
3 |
Thủ tướng Chính phủ |
12,50 |
3.625,0 |
II- Các chức danh lãnh đạo quy định hai bậc lương:
Đơn vị tính: 1.000 đồng
STT |
Chức danh |
Bậc 1 |
Bậc 2 | ||
Hệ số lương |
Mức lương thực hiện 01/10/2004 |
Hệ số lương |
Mức lương thực hiện 01/10/2004 | ||
1 |
Phó chủ tịch nước |
11,10 |
3.219,0 |
11,70 |
3.393,0 |
2 |
Phó chủ tịch Quốc hội |
10,40 |
3.016,0 |
11,00 |
3.190,0 |
3 |
Phó Thủ tướng Chính phủ |
10,40 |
3.016,0 |
11,00 |
3.190,0 |
4 |
Chánh án Toà án nhân dân tối cao |
10,40 |
3.016,0 |
11,00 |
3.190,0 |
5 |
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
10,40 |
3.016,0 |
11,00 |
3.190,0 |
6 |
Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
9,80 |
2.842,0 |
10,40 |
3.016,0 |
7 |
Chủ tịch Hội đồng dân tộc |
9,70 |
2.813,0 |
10,30 |
2.987,0 |
8 |
Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội |
9,70 |
2.813,0 |
10,30 |
2.987,0 |
9 |
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ |
9,70 |
2.813,0 |
10,30 |
2.987,0 |
10 |
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
9,70 |
2.813,0 |
10,30 |
2.987,0 |
Cứ cho từ đó đến nay lương của các cán bộ lãnh đạo Việt Nam được tăng gấp đôi. Thì lương Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng chỉ có khoảng 8 triệu đồng Việt Nam, tức khoảng 400 đô một tháng hoặc gần 5.000 đô một năm. Với bảng lương trên, theo lời Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam trên báo Vnexpress.net ngày 18 tháng 8 năm 2011, phải ky cóp cả 40 năm mới mua được một căn nhà thu nhập thấp!
Với số lương như thế, nhưng mọi người cứ nhìn vào tài sản và cách sống của họ mà xem. Đố tìm ra được người nào không giàu.
Và hãy tự hỏi: Họ lấy tiền đâu ra mà giàu có đến vậy?
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.