Ông Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chức vụ tương đương Bộ trưởng nên còn được gọi là Bộ trưởng – vừa “chỉnh nặng” thượng cấp của mình: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
***
Hôm 2 tháng 2, tại buổi họp báo định kỳ của tháng 1, trả lời thắc mắc của báo giới về khả năng Việt Nam có thể dập được đợt dịch COVID-19 vừa bùng phát trong vòng mười ngày, ông Dũng – trong vai trò Phát ngôn viên Chính phủ, chủ trì cuộc họp báo, nói thế này: Chính phủ không công bố thông tin mười ngày dập được dịch. Đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa chính phủ (1)!
Thành viên nào của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đã tuyên bố sẽ dập được đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong mười ngày khiến ông Dũng hậm hực, nặng lời, tách… “y” ra khỏi chính phủ để cột trách nhiệm vào… “y”?
Người duy nhất trong Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đề cập đến việc dập được đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong mười ngày là ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế, cấp trên của ông Dũng.
Tuy nhiên ông Đam không tuyên bố sẽ… dập được đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong mười ngày. Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam về đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, ông Đam thay mặt chính phủ nhận địch: Virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn và do vậy, ông đề nghị: Chúng ta phải có những biện pháp nhanh hơn virus này, nhanh hơn trước đây và quyết tâm phấn đấu mười ngày sẽ dập tắt dịch (2).
Bởi sự khác biệt về tính chất giữa… đề nghị “phấn đấu mười ngày sẽ dập tắt dịch” với… tuyên bố “dập tắt dịch trong mười ngày” rất lớn, nên báo giới mới hỏi lại ông Dũng cho tỏ tường tại cuộc họp báo mà ông chủ trì. Thay vì giải thích để tránh ngộ nhận, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả ông Đam lẫn chính phủ, ông Dũng làm ngược lại: Cố tình biến ngộ nhận thành sai lầm của ông Đam!
***
Không rõ quan hệ giữa ông Dũng và ông Đam thế nào nhưng việc một thành viên trong nội các dùng báo giới để công khai chỉ trích, hạ thấp uy tín của một trong những cá nhân lãnh đạo chính phủ cho thấy, tôn ti trật tự trong công vụ là thứ không hề tồn tại trong nội các Việt Nam, thành ra ông Dũng mới thản nhiên hành xử như vậy. Vì sao lại thế?...
Cứ xem xét các qui định hiện hành và đối chiếu với thực tế sẽ thấy, Thủ tướng hay các Phó Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam không có… quyền đụng đến… ông Dũng – thuộc cấp của họ! Tuy chỉ giữ vai trò Chánh Văn phòng của chính phủ, song ông Dũng lại là Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN suốt hai nhiệm kỳ (11 và 12), thành ra lãnh đạo chính phủ không có… quyền đụng đến ông Dũng nếu… BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chưa… nhất trí xử lý kỷ luật ông Dũng!
“Đạo đức” và “văn minh” của đảng CSVN đã tạo ra… nề nếp kỳ quái đó trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Cộng hòa XHCN Việt Nam! Nề nếp ấy cho phép các thành viên trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hành xử không giống ai, đồng thời cũng là một trong những yếu tố khiến đảng CSVN hãnh diện, liên tục khẳng định tổ chức chính trị này chính là chuẩn mực của… “đạo đức” và “văn minh”!
Có thể do quá tuổi, không được giới thiệu tái ứng cử vào BCH TƯ nhiệm kỳ 13, lại không đủ thế lực để được công nhận là… trường hợp ngoại lệ, rất… đặc biệt như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, sắp phải về vườn, chẳng còn gì để mất nên ông Dũng nói cho… hả dạ! Đảng không dùng ông thì ông sẽ ngưng, không… xài đảng nữa! Đâu phải tự nhiên mà đảng phải cảnh báo, tình trạng đảng viên đồng loạt bỏ sinh hoạt sau khi nghỉ hưu, lẳng lặng… thoát ly khỏi đảng đang là vấn nạn nghiêm trọng (3)!
Xét cho đến cùng, ông Đam – dù được nhiều người, nhiều giới dành cho nhiều thiện cảm vì “tả xung, hữu đột” chống dịch suốt năm vừa qua – cũng chỉ là một… Ủy viên BCH TƯ đảng như… ông Dũng. Chưa kể, so với ông Dũng, dường như ông Đam yếu thế hơn vì dường như ông chẳng thuộc về phe nào. Ông Dũng có chỉ trích ông Đam nặng hơn thì cũng chẳng thành… điều! So với lẽ chung, “đạo đức” và… “văn minh” của đảng dẫu quái gở song vì bất bình mà chỉ trích coi chừng không còn đất dung thân!
Chú thích