Người tù Mandela làm thế nào để đập tan chủ nghĩa apartheid?

Chế độ apartheid bị mọi người kinh tởm ở Nam Phi đã cáo chung vào ngày 27 tháng tư cách nay 20 năm với một cách thức khác thường: không bằng bạo lực hay cách mạng, mà thông qua thỏa hiệp và thương lượng. Hai nhân vật nổi tiếng của Nam Phi, từng ngồi ở hai phía trong bàn thương thuyết, nói rằng thành quả này đã có được nhờ hành động dũng cảm một người là ông Nelson Mandela. Từ Johannesburg, thông tín viên Anita Powell của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Sự việc đã bắt đầu một cách bí mật với những cuộc đàm phán không chính thức giữa ông Mandela, lúc đó là một tù nhân tại nhà giam trên Đảo Robben, với các thành viên của cơ quan tình báo Nam Phi. Ông Mandela khi đó đã ngồi tù hơn hai thập niên vì tranh đấu chống lại quyền cai trị dựa trên chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của người da trắng.

Sau này, ông Mandela thuật lại rằng ông đã thực hiện một quyết định đơn phương để giao tiếp với chính phủ apartheid mà ông đã chiến đấu chống lại trong suốt cả cuộc đời của mình. Đây là quyết định có lẽ là quyết định chính trị khôn khéo nhất của ông Mandela, giúp cho ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1993, và sau đó, được đắc cử để trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống ở Nam Phi.


Ông Dave Steward, Giám đốc Quỹ F.W. de Klerk, nói rằng hành động đó của ông Mandela không nhận được sự tán thành của những đồng chí của ông, có lập trường chủ chiến hơn, trong Nghị hội Dân tộc Phi châu (ANC), nhưng đó là một hành động đúng đắn và khôn ngoan, vì nó chứng tỏ ANC đã trở thành một lực lượng chính trị chín chắn và phải được đối xử một cách nghiêm túc.

Ông Steward khi đó giữ chức chánh văn phòng của Tổng thống Nam Phi F. W. de Klerk. Ông de Klerk là người đã tham gia cuộc đàm phán trong giai đoạn sau và đã cùng với ông Mandela chia sẻ giải Nobel Hòa bình.

"Tôi nghĩ rằng vai trò ông Nelson Mandela nắm giữ vào thời điểm đó là cực kỳ quan trọng. Ngồi trong nhà tù Pollsmoor, ông đã tự đi tới kết luận, thường là trái ngược với lời khuyên và ý nguyện của những người cộng sự của ông, là sẽ không có một kết quả vũ trang hay quân sự cho cuộc tranh đấu ở Nam Phi, là phải có một giải pháp thông qua thương thuyết. Tôi nghĩ rằng để có được kết luận đó ông Nelson Mandela phải có rất nhiều sự dũng cảm và sự thông sáng."

Theo tôi, các kết quả đã nói lên điều đó. Tôi nghĩ rằng ông đã đi trước rất nhiều so với những người khác trong ANC trong việc nhận thức và chấp nhận rằng tìm kiếm một giải pháp thông qua thương thuyết là lựa chọn duy nhất.

Nhà hoạt động chống apartheid Jay Naidoo nói rằng chỉ có ông Mandela mới có đủ uy tín để thực hiện một hành động không có được sự tán thành của nhiều người trong ANC như vậy. Ông Naidoo khi đó là người đứng đầu liên đoàn lao động lớn nhất ở Nam Phi.

"Chế độ apartheid không thể đánh bại chúng tôi và chúng tôi không thể đánh bại họ. Chúng tôi lâm vào một tình thế bế tắc. Nếu muốn tránh tình trạng tiêu thổ, tàn phá tất cả mọi thứ, không có lựa chọn nào khác hơn là thương thuyết. Trong tình cảnh như vậy, các nhà lãnh đạo của đôi bên đã đứng lên và nêu ra câu hỏi “Chúng ta phải làm thế nào để đặt cơ sở cho một giải pháp hòa bình?” Và không có ai là người tốt hơn để nắm giữ vai trò lãnh đạo bên phía chúng tôi nếu không phải là ông Nelson Mandela, người đã ngồi tù 27 năm vì tự do của chúng tôi."

Ông Mandela thuật lại rằng ông đã thực hiện một quyết định đơn phương để giao tiếp với chính phủ apartheid mà ông đã chiến đấu chống lại trong suốt cả cuộc đời của mình.


Ông Naidoo cho biết tuy sự tham gia của ông Mandela vô cùng quan trọng, nhưng phong trào của ông cũng có được sự trợ giúp của nhiều nhà thương thuyết tài ba trong phong trào lao động. Trong số những nhà thương thuyết đó có ông Thabo Mbeki, người kế nhiệm Tổng thống Mandela, và ông Cyril Ramaphosa, Phó chủ tịch ANC.

"Chúng tôi đã có những cuộc thương thuyết kéo dài cả thập niên về những vấn đề rất gay go và có tính chất đối địch trước khi tiến trình thương thuyết chính trị bắt đầu. Cho nên tôi nghĩ rằng, nói một cách tổng quát, thì hoàn cảnh và điều kiện cho việc thương thuyết về một giải pháp hòa bình cho vấn đề chủng tộc và vấn đề apartheid ở Nam Phi đã được dẫn dắt tại nhiều nơi khác nhau."

Ông Steward cho biết khi cuộc thương thuyết bắt đầu, ông Mandela đã áp dụng một chiến thuật rất mạnh bạo, một chiến thuật có lẽ đã không đạt được kết quả với một đối thủ khác.

"Thật vậy, một số những sự công kích của ông ấy nhắm vào Tổng thống de Klerk là rất đỗi thô bạo. Những vấn đề này có thể đưa tới những sự phức tạp nghiêm trọng cho tiến trình thương thuyết nếu phía bên kia của bàn thương thuyết là những người khác. Giả như ông P.W. Botha lúc đó là lãnh tụ của Đảng Dân tộc thì cuộc thương thuyết có lẽ đã chấm dứt. Ông ấy sẽ không chấp nhận những sự công kích có tính chất như vậy. Nhưng ông de Klerk, theo tôi, là người có cái nhìn xa hơn. Ông ấy không bận tâm cho lắm, mặc dù lúc đó ông ấy cảm thấy tức giận bởi những sự đả kích có tính chất tàn độc. Nhưng ông ấy nhận ra rằng điều thật sự quan trọng là làm cho cuộc thương thuyết được tiếp tục. Vì vậy, có thể nói là ông ấy cứ ôm đầu để chịu đòn."

Cả ông Steward và ông Naidoo đều nói tới một yếu tố khác khi bàn về ông Mandela: đó là nhân cách vĩ đại và thái độï khiêm cung của ông. Họ nói rằng sự tổng hợp hiếm hoi đó đã giúp cho ông Mandela thực hiện một bước đi dũng cảm, một bước đi đã thay đổi thế giới chung quanh ông.