Marcos nói thỏa thuận ba bên Mỹ-Nhật-Philippines sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 11 tháng 4 năm 2024.

Một thỏa thuận hợp tác giữa Philippines, Mỹ và Nhật Bản sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông và khu vực, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói hôm thứ Sáu, trong khi tìm cách trấn an Trung Quốc rằng nước này không phải là mục tiêu.

“Tôi nghĩ thỏa thuận ba bên này cực kì quan trọng,” ông Marcos nói trong cuộc họp báo ở Washington một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước.

“Nó sẽ thay đổi thế cục mà chúng ta thấy trong khu vực, ở ASEAN ở châu Á, quanh Biển Đông,” ông Marcos nói, nhắc đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Ba nhà lãnh đạo bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về "hành vi nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyến đường nơi hơn 3 ngàn tỷ đôla khối lượng thương mại tàu biển đi qua hàng năm với nhiều tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước khác.

Tuy nhiên, ông Marcos nói hội nghị thượng đỉnh "không chống lại bất kì nước nào" mà tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa Manila, Washington và Tokyo.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực nói rằng các yêu sách sâu rộng của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.

Các tàu của Philippines và Trung Quốc đã tiên tục đối đầu trong tháng qua trong những vụ việc có sử dụng tới vòi rồng và lời qua tiếng lại nảy lửa.

Bắc Kinh ngày thứ Năm triệu tập đại sứ Philippines tại nước này và một quan chức đại sứ quán Nhật Bản để phản đối điều mà bộ ngoại giao nước này mô tả là “những bình luận tiêu cực” nhắm vào Trung Quốc.

Tranh chấp ngày càng trầm trọng giữa Trung Quốc và Philippines diễn ra cùng lúc những giao tiếp an ninh với Mỹ gia tăng dưới thời ông Marcos, bao gồm việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ của Philippines, cũng như với Nhật Bản, nước dự kiến sẽ kí một hiệp ước quân sự tương hỗ với Manila.

Ông Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm 128 triệu đôla cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines.

Ông Marcos cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng khoảng 100 tỉ đôla trong các thỏa thuận đầu tư khả dĩ trong vòng năm đến 10 năm tới kể từ hội nghị thượng đỉnh sẽ trở thành hiện thực.

Khi ở Washington, ông Marcos cũng gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đảm bảo với ông rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ.

“Toàn bộ sự hợp tác này là hệ trọng đối với an ninh chung của chúng ta và sự thịnh vượng liên tục khắp khu vực,” ông Austin nói, nhắc lại cam kết phòng thủ mạnh mẽ của ông Biden.