Một luật sư nói rằng blogger Mẹ Nấm không nhận tội, và sẽ bào chữa theo hướng tòa không có căn cứ để buộc tội.
Sau hơn 8 tháng giam giữ, chính quyền Việt Nam cho phép các luật bào chữa tiếp xúc hồ sơ vụ án và vào trại tạm giam gặp blogger tranh đấu cho nhân quyền trong tuần này.
Hôm 22/6, luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Hà Luân đã đến trại tạm giam thuộc công an tỉnh Khánh Hòa gặp blogger Mẹ Nấm, còn được biết dưới tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trước đó luật sư Nguyễn Khả Thành cũng đã tiếp xúc với cô trong một giờ đồng hồ, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh.
Từ Phú Yên, luật sư Nguyễn Khả Thành cho VOA- Việt ngữ biết:
“Tôi hỏi cô nghĩ gì về bản cáo trạng, cô nói họ bảo cô nhận tội, nhưng cô cương quyết không nhận tội. Tôi nghĩ điều này có nghĩa là cô Như Quỳnh sẽ không nhận tôi khi ra tòa, và chắc chắn chúng tôi sẽ tranh tụng trước tòa theo hướng cô Như Quỳnh vô tội.”
Cô nói họ bảo cô nhận tội, nhưng cô cương quyết không nhận tội. Tôi nghĩ điều này có nghĩa là cô Như Quỳnh sẽ không nhận tội khi ra tòa, và chắc chắn chúng tôi sẽ tranh tụng trước tòa theo hướng cô Như Quỳnh vô tội.Luật sư Nguyễn Khả Thành
Bản cáo trạng mà các luật sư có được trong tuần này do Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Khánh Hòa Nguyễn Thanh Hào ký ngày 31/05/2017, chủ yếu tập trung vào các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, môi trường, tự do ngôn luận qua các bài viết trên Facebook của Như Quỳnh từ năm 2012 cho đến khi bị bắt giam vào 10/2016.
Bản cáo trạng nói Như Quỳnh đã nhiều lần trả lời phỏng vấn các báo đài nước ngoài, trong đó có VOA, với nội dung “xuyên tạc tình hình trong nước.” Bản cáo trạng dưa trên kết luận của giám định viên tư pháp Khánh Hòa nêu: “Blogger Mẹ Nấm đã khéo dùng ngôn ngữ lập luận trong nội dung trả lời phỏng vấn…để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là hành động xuyên tạc trắng trợn, nhằm bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế.”
Bản cáo trạng dài 7 trang có nêu một danh mục dài các “đồ vật, tài liệu thu giữ,” nhưng không nói rõ Như Quỳnh đã xuyên tạc ra sao, vào bôi nhọ lãnh đạo nào trong Đảng.
Bản cáo trạng còn cho biết khi khám xét nhà của blogger Mẹ Nấm, công an Khánh Hòa đã thu giữ một tập thơ có tiêu đề “Bài thơ một vần” của tác giả Bùi Chát, làm “chứng cứ” với cáo buộc Như Quỳnh “tàng trữ” tài liệu có “nội dung chống nhà nước.” Tuy nhiên, tác giả bài thơ này chưa hề bị chính quyền Việt Nam truy tố hay xét xử.
Blogger Mẹ Nấm đã khéo dùng ngôn ngữ lập luận trong nội dung trả lời phỏng vấn…để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là hành động xuyên tạc trắng trợn, nhằm bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế.Một đoạn trong Bản cáo trạng ngày 31/5/2017
Luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết cuộc nói chuyện với Như Quỳnh diễn ra dưới sự kiểm soát của an ninh ngồi sát bên cạnh, có nhân viên ghi âm và ghi hình.
“Như Quỳnh bị bắt ngày 10/10/2016, bị giam tại trại tạm giam của tỉnh 1 ngày, sau đó bị đưa vào một trại khác ở Cam Khanh, cho đến ngày 7/5 vừa qua mới đưa về lại trại tạm giam của tỉnh. Cô có than phiền về trại giam ở Cam Ranh, thiếu thốn nhiều thứ. Như Quỳnh có vẻ yếu hơn bình thường lúc ở ngoài, nhưng tinh thần rất tỉnh táo.”
Bà Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, nói bà rất bất bình khi biết chính quyền tỉnh Khánh Hòa không trung thực trong việc thông báo cho gia đình về nơi tạm giam của con gái bà.
“Trong suốt 8 tháng qua, tôi đã bị lừa khi lặn lội đến thăm con tại một trại tù mà con tôi không có ở đó…Sự thật lại rất phũ phàng và thể hiện bản chất lừa đảo của những người đã bắt giam con tôi,” bà Lan viết trên Facebook.
Blogger Trịnh Kim Tiến viết trên Facebook rằng:
"Nếu tập tài liệu 'Stop poliuce killing civilians' (Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường) được coi là chứng cứ buộc tội Quỳnh thì cơ quan công an cần bắt thêm nhiều người... vì tôi chính là người khởi xướng và tham gia soạn thảo chính tập tài liệu này.”
Luật sư Lê Công Định nhận định trên Facebook về bản cáo trạng như sau:
“Đọc bản cáo trạng buộc tội chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), không khỏi lắc đầu ngao ngán về trình độ của các tác giả.”
Trao đổi với VOA-Việt ngữ hôm 19/6, bà Tuyết Lan nói một thư ký tòa án vào sáng 19/6 cho biết gia đình bà không được dự phiên tòa xét xử Như Quỳnh vì đây là một phiên tòa “đặc thù”:
“Tôi đến Tòa án và hỏi cô thư ký vì sao tôi chưa có giấy tham dự phiên tòa, cô thư ký tên Trịnh Thị Biên trả lời rằng vì đây là phiên tòa đặc thù nên tôi không được tham dự.”
Bà Lan kêu gọi những người quan tâm, các đại sứ quán và truyền thông quốc tế hãy đồng hành cùng gia đình đến tham dự phiên tòa để bảo đảm tính minh bạch trong tiến trình xét xử cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – “một công dân Việt Nam yêu nước đang bị quy chụp và giam cầm vì những hành động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền của đất nước mình,” bà chia sẻ trên Facebook.
Trong một quyết định do Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa ký ngày 14/6, phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng hôm 29/6, blogger Mẹ Nấm bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo cả ba hành vi nêu tại khoản 1, Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trong kết luận của bản cáo trạng mà nữ blogger này phải đối mặt với bản án đến 12 năm tù có đoạn: “Trong quá trình điều tra, truy tố, mặc dù đã được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích, giáo dục nhưng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn không có sự chuyển biến tư tưởng, luôn giữ thái độ chống đối nhà nước, không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải về hành vi của mình, nhận thức xã hội còn phiến diện, tiêu cực, do vậy cần xem xét xử lý nghiêm minh.”