Cựu giới chức Hoa Kỳ đánh giá triển vọng hòa bình Trung Đông

  • Andre Nesnera

Cựu giới chức Hoa Kỳ đánh giá triển vọng hòa bình Trung Đông

Hoa Kỳ và Jordan mới đây hứa hợp tác trong một nỗ lực làm sống lại tiến trình hoà bình Trung Đông. Trong bài tường trình từ Washington, Thông tín viên Đài VOA Andre de Nesnera nói chuyện với 3 viên chức cao cấp trước đây của chính phủ Mỹ về triển vọng hoà bình tại Trung Đông.

Những cuộc thương thuyết cho một nền hoà bình lâu dài tại Trung Đông giữa Israel và người Palestine đã ngưng trệ trong hơn một năm qua.

Như nhiều nhà ngoại giao khác, ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đưa ra quan điểm bi quan về triển vọng hòa bình Trung Đông.

Ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc


Ông Bolton nói: “Tôi nghĩ vấn đề này rơi trong một hố sâu và tôi không biết làm sao nó có thể ra khỏi tình trạng đó trong tương lai gần.”

Vấn đề chính yếu hai bên phải đối mặt là ranh giới địa lý của một quốc gia Palestine mới, qui chế của Jerusalem, việc trở về của những người Palestine tị nạn và việc xây dựng khu định cư mới của người Israel trên những lãnh thổ mà họ chiếm đóng.

Các cuộc hoà đàm ngưng trệ vào tháng 9 năm 2010 khi Israel tái xây dựng những khu định cư sau khi một thời gian ngưng xây dựng hết hạn. Các giới chức Palestine nói sẽ không tái tục thương thảo cho đến khi việc xây dựng những khu định cư chấm dứt. Israel từ chối không chịu ngưng xây cất và đòi thương thuyết mà không được đặt điều kiện tiên quyết.

Quốc vương Abdullah của Jordan đã đứng ra chủ trì những cuộc thảo luận cấp thấp giữa Israel và Palestine trong một nỗ lực giúp tiến đến những cuộc thảo luận toàn diện.

Trong một cuộc họp vào ngày 17 tháng 1 năm nay, Quốc vương Abdullah tóm lược cho Tổng thống Obama về những cuộc thương thảo đó, ông nói những cuộc thương thảo này mới ở giai đoạn đầu.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen


Tuy nhiên cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen nói thời gian cho một thoả thuận đang cạn dần.

Ông Cohen nói: “Tôi nghĩ không còn thời gian cho bất cứ phe nào trong vấn đề này. Tôi nghĩ người Israel cần có một thoả thuận với người Palestine. Tôi nghĩ người Palestine nên làm tất cả mọi việc có thể được để có một mặt trận thống nhất và công nhận quyền được an ninh của Israel. Và tôi nghĩ Israel phải công nhận quyền của người Palestine được có chủ quyền, phẩm giá và cơ hội kinh tế. Và những mục tiêu đó sẽ không giảm sút theo thời gian - nhưng sẽ gia tăng trên căn bản dân số và đòi hỏi được dự phần vào tương lai phồn thịnh. Do đó vào lúc này dường như chưa có động thái nào cả.”

Các chuyên gia nói một trở ngại trong tiến trình hoà bình là việc phân chia lãnh đạo của người Palestine giữa Bờ tây và dải Gaza. Bờ Tây nằm dưới quyền cai trị của nhà cầm quyền Palestine do ông Mahmoud Abbas đứng đầu, trong khi dải Gaza được đặt dưới quyền kiểm soát của tổ chức chủ chiến Hamas, bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem như là một tổ chức khủng bố.

Cựu đại sứ Bolton nói sự chia rẽ của người Palestine làm cho cấp lãnh đạo khó trỗi dậy.

Ông Bolton nói: “Vấn đề lớn nhất, ở điểm này, là không có người đối thoại đủ mạnh về phía người Palestine để có thể lấy những quyết định rất khó khăn cần phải có và thực hiện những cam kết khó khăn này. Israel sẽ phải làm như vậy, nhưng họ có một chính phủ vận hành được. Tiếc thay, người Palestine không có được một chính phủ như thế. Và tình hình đường như không được cải thiện.”

Nhiều chuyên gia, gồm có cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Tướng Brent Scowcroft nói Israel và Palestine không thể tự đạt được một thoả thuận.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Brent Scowcroft


Tướng Scowcroft nói: “Rõ ràng là kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948, hai phía chưa bao giờ có thăng bằng để có thể tự tiến tới một thoả thuận. Có quá nhiều phong trào chống đối bên trong Israel và bên phía người Palestine đến nỗi Hoa Kỳ và châu Âu cần phải có một lập trường cương quyết để giải quyết. Một giải pháp hai quốc gia đáp ứng được quyền lợi cho cả hai bên, nhưng vì những vấn đề trong nước nên rất khó cho hai bên tự giải quyết.”

Mặc dù vậy, ông Bolton nhắc lại tuyên bố của cựu ngoại trưởng James Baker là hòa bình tuỳ thuộc các bên tham dự.

Ông nói: “Hoa Kỳ không thể mong muốn hoà bình nhiều hơn các bên liên hệ.”

Nhìn về tương lai, cả ông Scowcroft, lẫn ông Bolton và ông Cohen đều không tin rằng sẽ có tiến bộ đáng kể trong trong tiến trình hoà bình Trung Đông trong năm nay vì đây là một năm bầu cử Tổng thống tại Mỹ và cả hai bên đều muốn chờ xem Washington sẽ đưa ra đề nghị kế tiếp như thế nào.