Miến Điện hôm 10/9 bác bỏ tuyên bố ngưng bắn do các phần tử nổi dậy Hồi giáo Rohingya công bố nhằm cho phép đồ cứu trợ tới hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa ở Rakhine.
Reuters dẫn lời chính phủ Miến Điện tuyên bố “không đàm phán với những kẻ khủng bố”.
Các cuộc tấn công do các chiến binh thực hiện nhắm vào đồn cảnh sát và căn cứ quân đội hôm 25/8 đã dẫn tới một cuộc phản công quân sự làm nhiều người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh, thêm vào con số hàng trăm nghìn người khác đã phải đi lánh nạn vì tình trạng bạo lực trước đó.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng có khoảng 294 nghìn người, nhiều người trong số đó bị bệnh hoặc bị thương, đã tới vùng phía nam của Bangladesh trong vòng 15 ngày qua, gây thêm áp lực lớn lên hoạt động của các cơ quan cứu trợ.
Hàng nghìn người Rohingya vẫn ở lại bang Rakhine ở tây bắc Miến Điện và không có nơi trú ngụ hoặc thức ăn, và nhiều người vẫn tìm cách trèo núi, vượt qua rừng rậm, các cánh đồng để tới Bangladesh.
Nhóm nổi dậy viết tắt là ARSA đã tuyên bố một tháng ngưng bắn đơn phương bắt đầu từ ngày 10/9 để viện trợ có thể tới được những người kể trên.
Chưa rõ ảnh hưởng của động thái trên, nhưng ARSA dường như không thể chống đỡ được với quân lực của chính phủ ở Rakhine, nơi hàng nghìn nhà cửa đã bị thiêu rụi và hàng chục ngôi làng bị phá hủy.
Tuyên bố của nhóm nổi dậy này không nhận được hồi đáp chính thứ từ quân đội hay chính phủ ở Miến Điện, nơi sinh sống của đa số tín đồ phật giáo.
Nhưng theo Reuters, phát ngôn viên của lãnh đạo nước này, bà Aung San Suu Kyi, tuyên bố trên Twitter: “Chúng tôi không có chính sách đàm phán với những kẻ khủng bố”.