Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng ông muốn có hòa bình ở Ukraine và New Delhi sẵn sàng giúp đạt được lệnh ngừng bắn để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Ông Putin, vốn đã ra lệnh đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào tháng 2/2022, muốn hội nghị thượng đỉnh BRICS là màn thể hiện sức mạnh đang gia tăng của thế giới phi phương Tây sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu và châu Á cố gắng cô lập Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Nga đang mong đợi 22 nhà lãnh đạo, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình người đã đến Nga hôm 22/10, để tham dự cuộc họp thượng đỉnh của khối BRICS, vốn chiếm 45% dân số thế giới và 35% nền kinh tế toàn cầu.
Ông Putin, người bị phương Tây coi là tội phạm chiến tranh, đã cảm ơn Thủ tướng Modi vì đã chấp nhận lời mời đến thăm Kazan, một thành phố bên bờ sông Volga, và cho biết Nga và Ấn Độ chia sẻ "quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền".
Ông Modi cảm ơn ông Putin vì "tình bạn bền chặt" của ông, ca ngợi sự hợp tác ngày càng tăng và sự phát triển của khối BRICS nhưng cũng cho biết Ấn Độ cảm thấy xung đột ở Ukraine nên được chấm dứt một cách hòa bình.
"Chúng tôi giữ liên lạc liên tục về chủ đề xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine", ông Modi nói. "Chúng tôi tin rằng các vấn đề chỉ nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình".
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ khôi phục sớm hòa bình và ổn định. Mọi nỗ lực của chúng tôi đều ưu tiên cho nhân loại. Ấn Độ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ khả dĩ trong thời gian tới", ông Modi nói và cho biết thêm rằng ông sẽ thảo luận về các vấn đề này với ông Putin.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra khi các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tụ họp tại Washington trong bối cảnh chiến tranh ở Trung Đông cũng như Ukraine, nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có thể châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại mới.
Với việc BRICS mở rộng – và một danh sách chờ các ứng cử viên tiềm năng – một số người lo lắng về việc liệu sự mở rộng có khiến nhóm này trở nên cồng kềnh hay không.
Trung Quốc và Ấn Độ, những nước mua dầu mỏ hàng đầu của Nga, có mối quan hệ khó khăn, trong khi các nước Ả Rập và Iran không mấy mặn mà với nhau.
Lợi ích an ninh
Khi được các phóng viên BRICS hỏi về triển vọng hòa bình, ông Putin cho biết Moscow sẽ không đánh đổi bốn khu vực ở miền đông Ukraine mà họ cho rằng hiện là một phần lãnh thổ Nga và Moscow muốn các lợi ích an ninh lâu dài của mình được tính đến ở châu Âu.
Theo hai nguồn tin của Nga cho biết, mặc dù Moscow ngày càng nói về một thỏa thuận ngừng bắn có thể xảy ra, nhưng vẫn chưa có gì cụ thể – và thế giới đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 tại Hoa Kỳ.
Nga đang tiến quân và kiểm soát khoảng 1/5 Ukraine, bao gồm Crimea mà họ đã chiếm giữ và đơn phương sáp nhập vào năm 2014, khoảng 80% Donbas – khu vực khai thác than và thép bao gồm các vùng Donetsk và Luhansk – và hơn 70% các vùng Zaporizhzhia và Kherson.
Ông Putin cho biết phương Tây hiện đã nhận ra rằng Nga sẽ chiến thắng, nhưng ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán dựa trên dự thảo thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Istanbul vào tháng 4/2022.
Vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông Putin đã gặp Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan để hội đàm không chính thức kéo dài đến nửa đêm tại dinh thự Novo-Ogaryovo của ông bên ngoài Moscow.
BRICS
Ông Putin đã ca ngợi cả Tổng thống Mohammed và Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, vốn không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kazan, vì những nỗ lực trung gian của họ về Ukraine.
“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết các cuộc khủng hoảng và vì lợi ích của hòa bình, vì lợi ích của cả hai bên", Sheikh Mohammed nói với ông Putin.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã hủy chuyến đi đến Kazan theo lời khuyên của bác sĩ là tạm thời tránh các chuyến bay đường dài vì chấn thương đầu sau khi bị ngã ở nhà.
Từ viết tắt BRIC được kinh tế gia trưởng của Goldman Sachs khi đó là Jim O'Neill đưa ra vào năm 2001 trong một bài báo nghiên cứu nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong thế kỷ này.
Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước đầu tiên gặp nhau chính thức, và sau đó có thêm Brazil, rồi tiếp theo là Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ả Rập Xê Út vẫn chưa chính thức tham gia.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ của BRICS trong GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 37% vào cuối thập kỷ này trong khi tỷ lệ mà Nhóm Bảy nền kinh tế lớn của phương Tây (G7) chiếm giữ sẽ giảm từ 30% xuống còn khoảng 28% trong năm nay.
Nga đang tìm cách thuyết phục các nước BRICS xây dựng một nền tảng thay thế cho thanh toán quốc tế để không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.