Giống Hoàng Ngọc-Tuấn, Võ Quốc Linh cũng sinh tại Nha Trang (năm 1959). Và cũng giống Hoàng Ngọc-Tuấn, Võ Quốc Linh cũng trải qua vô số nhà tù (chủ yếu vì “tội” vượt biên và không có hộ khẩu), trong đó có nhiều nhà tù chung với Hoàng Ngọc-Tuấn. Trước, trong và ngoài nhà tù, Võ Quốc Linh làm rất nhiều thơ, nhưng lại cũng giống Hoàng Ngọc-Tuấn, lúc còn ở trong nước, anh không gửi thơ đăng ở đâu cả, vậy mà, lạ, thơ anh vẫn được nhiều bạn bè ghi nhớ. Anh chỉ thực sự xuất bản thơ khi anh đã sang tị nạn tại Úc (1986), thoạt đầu, trên Tập Họp, và sau, trên Việt cũng như Tiền Vệ. Giữa các tờ báo này, chỉ có một thay đổi nhỏ: Trước, anh chỉ làm thơ; sau, ngoài việc làm thơ, anh còn viết bút ký, trong đó, bài “Nhớ Lê Thành Nhơn” (1) và “Lê Văn Tài giữa cõi vô trú xứ” (2) được nhiều người ưa thích.
Nếu Lê Văn Tài đến với văn học từ hội hoạ, Hoàng Ngọc-Tuấn từ âm nhạc, Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1960) lại đến với văn học từ khoa học. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Việt Nam năm 1984, Nguyễn Minh Quân sang Úc năm 1990. Ở Úc, sau khi thi lại bằng hành nghề bác sĩ Y khoa, anh nhận được học bổng nên chuyển sang học Hoá học và tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1996. Được giữ lại làm việc ở trường Victoria University, ngoài một số giờ đứng lớp, cả ngày anh lui cui trong phòng thí nghiệm. Sự ra đời của Việt làm thức dậy ở anh một niềm đam mê từ lâu bị đè nén: anh bèn quay sang viết về văn học; trong văn học, anh chọn một góc cạnh khá hiểm hóc: lý thuyết; trong lý thuyết, anh nhảy thẳng vào một khu vực còn rất mới mẻ, thậm chí, rất xa lạ với đại đa số giới nghiên cứu Việt Nam: chủ nghĩa hậu hiện đại và giải kiến tạo (deconstruction). Những bài viết về lý thuyết văn học rõ ràng, mạch lạc và sâu sắc của anh được đăng đi đăng lại ở Việt Nam, như là những tài liệu quý báu hiếm hoi về lý thuyết văn học đương đại đối với giới cầm bút trong nước.
Trẻ hơn Nguyễn Minh Quân một tuổi, Chim Hải ra đời tại Phan Rí, lớn lên, làm kế toán ở Phan Thiết, rồi vượt biên đến đảo Bidong, Malaysia năm 1983; hai năm sau, sang định cư tại Úc. Trong hai năm ở Bidong, Chim Hải làm thơ khá nhiều. Những bài thơ ấy, thoạt đầu, được đăng trên các tờ báo trên đảo; sau, trên các tuần báo tại Úc, và cuối cùng, được in thành tập với nhan đề Vần thơ cho anh (1988). Sau đó, vừa học vừa đi làm việc để sinh sống, chị vẫn tiếp tục làm thơ, đăng ở nhiều nơi; nhưng khi tham gia trên Việt, chị xuất hiện với một phong cách khác: về hình thức, tự do; về ngôn ngữ, gân guốc; về cảm xúc, có độ nén rất cao; và về nghệ thuật, thành thực mà nói, hay hơn hẳn.
Trong khi tất cả những người trên đều sinh ở miền Nam, Tạ Duy Bình ra đời tại Hà Nội (năm 1964 - trên giấy tờ ghi 1967). Ở Hà Nội, anh học kịch câm tại Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó, trở thành diễn viên kịch câm. Năm 1988, nhân chuyến đi tham dự Liên hoan quốc tế những người viết kịch trẻ tại Canberra, anh quyết định xin tị nạn tại Úc. Ở Úc, anh tham gia vào một số ban kịch, rồi, năm 1995, cùng Bruce Keller, thành lập Citymoon Theatre, ở đó, anh vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn và làm cả diễn viên. Tốt nghiệp Thạc sĩ về Sân khấu tại Đại học Wollongong, Tạ Duy Bình có hai kịch bản bằng tiếng Anh được xuất bản: “Conversations with Charlie” in trong số đặc biệt về “Diaspora: Negotiating Asian-Australia” của tạp chí Journal of Australian Studies & Australian Cultural History do trường Đại học Queensland xuất bản (2000) và “Monkey Mother” in trong cuốn Three Plays by Asian Australians do Don Batchelor biên tập (Playlab xuất bản tại Brisbane năm 2000). Một vở kịch khác của anh, Yellow is Not Yellow, hoàn thành với sự tài trợ của Western Sydney Artists Fellowship Award năm 2005, đã được trình diễn thử nghiệm năm 2010 tại Riverside Theatre, Parramatta, Sydney (3). Tạ Duy Bình chỉ bắt đầu làm thơ từ năm 1999, và hầu như chỉ đăng trên tạp chí Việt, và sau đó, trên Tiền Vệ.
Lúc Lê Văn Tài đã thành danh như một hoạ sĩ ở Huế, Nguyễn Hoàng Văn mới ra đời (năm 1965), và mười năm sau, lúc anh bộ đội Lê Văn Tài về Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Văn vẫn còn lơ ngơ ở một trường tiểu học nhỏ xíu ở Hội An. Năm 1989, anh vượt biên, đến được Hong Kong, và năm 1994, được sang Úc định cư. Tại Úc, anh ghi danh học tại trường Victoria University, chuyên ngành về Ngoại thương và Á châu học. Đang là sinh viên, anh viết bài thường xuyên cho một số tờ báo Việt ngữ ở Sydney vừa để thoả mãn nhu cầu viết lách vừa như một sinh kế. Chủ yếu là bình luận thời sự. Khi tạp chí Việt ra đời, anh tham gia ngay từ số 2. Ngòi bút anh cũng chuyển hướng: từ chuyện xã hội và chính trị sang lãnh vực văn học và văn hoá. Anh viết nhanh và viết nhiều, đến năm 2002, lúc Việt đình bản, anh đã đủ bài để in hẳn thành một cuốn sách, cuốn Văn hoá, giới tính và văn học, với một phong cách được khen ngợi là “thông minh một cách tinh quái” (4).
Nguyễn Hoàng Tranh ra đời một năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc (1976) tại một làng quê hẻo lánh ở Tuy Hoà. Năm 14 tuổi, anh cùng với mẹ và chị em sang Úc đoàn tụ với người cha đã vượt biên từ hơn 10 năm trước. Tại Úc, sau khi học xong trung học, anh vào đại học, học về Kinh tế và Luật, sau đó, tốt nghiệp, trở thành luật sư; và sau đó nữa, trở thành giám đốc một công ty luật khá thành đạt ở Sydney.
Ngay từ lúc còn là học sinh và sinh viên, Nguyễn Hoàng Tranh đã làm thơ. Nhưng cũng giống như trường hợp của Lê Văn Tài và Hoàng Ngọc-Tuấn, tạp chí Việt đã mang đến cho anh một sự thay đổi có tính đột biến. Anh vất bỏ cả hàng mấy chục bài thơ sáng tác lúc trước. Anh hầu như biến thành một người khác. Với một phong cách khác. Và hay. Anh được mời vào Ban biên tập tạp chí Việt. Từ đó, anh viết rất nhiều. Chỉ trong vòng mấy năm, anh xuất bản hai tập thơ: Thở (2003) và Chữ (2005).
Sinh năm 1982, Phan Quỳnh Trâm trẻ hơn Nguyễn Hoàng Tranh sáu tuổi và sang Úc cũng muộn hơn, lúc đã 18 tuổi. Nhưng cũng giống như Nguyễn Hoàng Tranh, ở đại học, chị học một ngành rất xa văn chương: Khoa học điện toán; sau đó, đi làm trong lãnh vực truyền thông và ngân hàng. Giống Hoàng Ngọc-Tuấn, đam mê đầu tiên của Phan Quỳnh Trâm là ở âm nhạc. Chính Tiền Vệ đã lôi cuốn chị vào thế giới văn chương với tư cách một người cầm bút. Khác Nguyễn Hoàng Tranh, Phan Quỳnh Trâm không những viết bằng tiếng Việt mà còn viết cả bằng tiếng Anh; không những sáng tác mà còn dịch thuật.
Cùng thế hệ với Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh (sinh năm 1983), chỉ mới sang Úc từ năm 2008, sau khi đã tốt nghiệp đại học (ngành Ngữ Văn) và làm việc (trong ngành truyền thông); hơn nữa, đã có một số bài thơ được đăng tải trên báo chí ở Việt Nam (chủ yếu là báo Mực Tím và Tuổi Trẻ). Sang Úc, chị học Thạc sĩ về Truyền thông; sau đó, làm việc trong chương trình Việt ngữ của đài SBS. Trong thời gian đi học cũng như khi đi làm, chị vẫn viết, thoạt đầu, chỉ giới hạn trong sáng tác, và ở sáng tác, chỉ tập trung vào một thể loại: thơ; nhưng sau, cũng giống Phan Quỳnh Trâm, chị mở rộng sang một lãnh vực khác: dịch thuật; và một thế giới khác: làm thơ bằng tiếng Anh, dù một cách hoạ hoằn.
Ở trên là phác hoạ chân dung của một số người cầm bút Việt Nam tại Úc. Ngoài họ, ở Úc, có cả hàng trăm người cầm bút; trong số đó, chỉ giới hạn trong phạm vi văn học, cũng có đến vài chục người viết khá thường xuyên và ít nhiều có tên tuổi. Tuy nhiên, tôi chỉ chọn một số người đủ để minh họa cho tính chất đa dạng của các cây bút Việt Nam hiện đang sống tại Úc. Đa dạng về phái tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa phương lúc còn ở Việt Nam, thời điểm sang Úc định cư cũng như về thể loại họ ưa thích. Điểm chung duy nhất của họ là : Họ đến, hoặc thực sự đến, với văn học từ tạp chí Việt và/hoặc Tiền Vệ. Có thể nói Việt và Tiền Vệ là hai điểm xuất phát hoặc tập hợp chính của giới cầm bút Việt Nam tại Úc.
Nếu nhìn rộng ra những người từng ít nhiều cộng tác với tạp chí Việt và Tiền Vệ, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ có mấy đặc điểm chính:
Thứ nhất, về tuổi tác, giới cầm bút Việt Nam ở Úc khá trẻ. Chỉ có bốn người trưởng thành trước 1975: Huy Tưởng, Lê Văn Tài, Trần Đình Lương và Đông Phương. Nhìn rộng hơn, bên ngoài Việt và Tiền Vệ, chúng ta cũng có thể thấy một số người khác nữa. Trong cuốn Văn học miền Nam, Tổng quan, nhà văn Võ Phiến có liệt kê danh sách và tiểu sử của 374 người cầm bút ở miền Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975 (5). Trong số đó, chỉ có bốn người định cư tại Úc: Đoàn Nhật Tấn, Thiếu Mai, ký giả Lô-răng Phan Lạc Phúc và Lệ Hằng (6). Đoàn Nhật Tấn chỉ là một nhà giáo, chỉ viết sách về giáo dục; Thiếu Mai, vốn viết rất ít và viết cũng không hay, hơn nữa, ngay từ trước 1975, đã ngưng cầm bút từ lâu. Chỉ có Phan Lạc Phúc và Lệ Hằng là có thể được xem là nhà văn. Nhưng văn của Lệ Hằng khá bình dân, còn văn của Phan Lạc Phúc lại nặng về báo chí. Thành ra, có thể nói, văn học Việt Nam tại Úc hoàn toàn thiếu vắng những đại thụ hay cổ thụ từ trước. Điều này khiến văn học tại Úc khác hẳn văn học tại Mỹ, Pháp hay Canada. Ở các quốc gia ấy, một thời gian khá dài, chính những người cầm bút đã nổi tiếng trước 1975 đóng vai trò đầu đàn, nắm giữ những tờ báo văn học có uy tín nhất, như ở tờ Văn Học Nghệ Thuật là Võ Phiến và Lê Tất Điều; ở tờ Văn Học là Nguyễn Mộng Giác; ở tờ Văn là Mai Thảo và sau đó, Nguyễn Xuân Hoàng. Chỉ mãi đến đầu thập niên 1990, với tờ Hợp Lưu của Khánh Trường và tờ Tạp chí Thơ của Khế Iêm, mới thấy xuất hiện một lớp chủ bút trẻ hơn. Nhưng dù trẻ, họ cũng vẫn là những người đã trưởng thành trước 1975. Điều ấy khiến Nguyễn Mộng Giác, ngay từ cuối thập niên 1990, đã lên tiếng báo động về tình trạng mà ông gọi là “lão hoá” trong sinh hoạt văn học (7).
Ở Úc, không có “lão” và cũng không bị “lão hoá”. Các thế hệ kế tiếp nhau khá liên tục. Trong số các cây bút tham gia trên tờ Việt và Tiền Vệ, có một số người sinh trong thập niên 1940 (Huy Tưởng (8), Trần Đình Lương, Đông Phương và Lê Văn Tài), thập niên 1950 (Thường Quán, Uyên Nguyên, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Võ Quốc Linh, Lê Nguyên Tịnh); một số người khác trong thập niên 1960 (Vi Hoà, Chim Hải, Lê Trung Tự, Hoàng Ngọc Trâm, Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Minh Quân, Tạ Duy Bình), thập niên 1970 (Nguyễn Hoàng Tranh, Hoàng Ngọc Thư), hoặc thập niên 1980 (Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh), và thậm chí, thập niên 1990 (Trần Tịnh Danh).
Thứ hai, do tính chất đa thế hệ ấy, giới cầm bút không ngừng được tiếp máu. Sau khi Việt bị đình bản (cuối năm 2001), một số người cầm bút bỗng dưng biến mất: Nguyễn Minh Quân, Vi Hoà, Phạm Miên Tưởng, Đông Phương; một số khác viết ít hẳn: Uyên Nguyên, Võ Quốc Linh, Chim Hải (9), Trần Đình Lương. Nhưng ngay sau đó lại xuất hiện một lớp khác: Nguyễn Hoàng Tranh, Đinh Hồng Nghi và Hoàng Ngọc Thư. Khi ba người vừa kể bị khựng lại, lại xuất hiện ào ạt một lớp mới với những Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh, Lê Nguyên Tịnh, Lê Trung Tự, Hoàng Ngọc Trâm và gần đây nhất, Trần Tịnh Danh.
Thứ ba, một số khá đông hoạt động trên nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: Ngoài tư cách nhà văn hay nhà thơ, Lê Văn Tài còn là hoạ sĩ, Bạt Xứ còn là nhiếp ảnh gia, Trần Đình Lương còn là nhiếp ảnh gia và họa sĩ, Hoàng Ngọc-Tuấn còn là nhạc sĩ, Tạ Duy Bình còn là kịch tác gia, đạo diễn và diễn viên sân khấu.
Thứ tư, số người hoạt động trên hai ngôn ngữ, hoặc dưới hình thức dịch thuật hoặc dưới hình thức sáng tác song ngữ, vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh, cũng nhiều: Hoàng Ngọc-Tuấn, Thường Quán, Lê Văn Tài, Trần Đình Lương, Nguyễn Minh Quân, Lê Nguyên Tịnh, Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh, Hoàng Ngọc Trâm, Tạ Duy Bình, Lê Trung Tự, Trần Tịnh Danh, Lê Liễu Chi…
Thứ năm, họ bao quát khá nhiều lãnh vực trong văn học. Về nghiên cứu, phê bình và lý luận văn học, có Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Hoàng Văn. Thuộc thế hệ trẻ hơn, Phan Quỳnh Trâm, ngoài việc làm thơ và dịch thuật, cũng viết một số bài có tính chất lý luận văn học. Về truyện, có Hoàng Ngọc-Tuấn, Hoàng Ngọc Thư, Nguyễn Như Núi, Trần Tất Đạt. Về kịch, có Tạ Duy Bình. Về thơ là nhiều nhất, gồm hầu hết những người còn lại.
Cuối cùng, dù viết nhiều hay ít, hầu như tất cả những người trên đều có một đặc điểm giống nhau: khao khát với cái mới. Mới so với mặt bằng văn học tiếng Việt. Và mới cả với chính họ nữa.
Khát vọng đối với cái mới ấy thể hiện trên ba lãnh vực: dịch thuật, phê bình / lý luận và sáng tác.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
***
Chú thích:
- Có thể đọc trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=60
- Nguyễn Hưng Quốc (biên tập) (2013), Thơ Lê Văn Tài, California: Văn Mới, tr. 426-434.
- Xem phần giới thiệu vở kịch trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/stage/viewStage.do?action=viewArtwork&artworkId=4937
- Nguyễn Hưng Quốc, “Lời giới thiệu”, in trong cuốn Văn hoá, giới tính và văn học (Văn Mới, California, 2004), tr. 9-11.
- Nhà xuất bản Văn Nghệ (California), in lần thứ ba, năm 2000.
- Huy Tưởng cũng đã xuất bản và nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng vì anh sang Úc muộn (năm 2010) và từ lúc sang Úc, không viết lách được gì nữa nên không tính trong số này.
- Nguyễn Mộng Giác, “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học”, tạp chí Văn Học (California) số 153-4 (1&2/1999), tr. 4-10.
- Tất cả các bài thơ Huy Tưởng đăng trên Việt và Tiền Vệ, cho đến nay – tháng 9/2013) đều được sáng tác lúc còn ở Việt Nam.
- Từ cuối năm 2012, Chim Hải bắt đầu làm thơ lại khá nhiều.