Ở phần hai, kẻ viết loạt bài này đã dẫn một số trong vô số tài liệu, bài viết liên quan đến chi tiêu của Việt Nam cho quốc phòng, cũng như những thông tin của thiên hạ về các thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng giữa Việt Nam và các công ty, tập đoàn sản xuất – kinh doanh phương tiện quốc phòng của nhiều quốc gia, hoặc kế hoạch mua sắm phương tiện quốc phòng của Việt Nam...
Những thông tin, tài liệu đó nhằm chứng minh, việc chính quyền Việt Nam đem “bí mật quốc gia” dán lên việc sử dụng công quỹ để mua sắm trang bị, thiết bị, vũ khí, phương tiện cho Bộ Quốc phòng, cũng như Bộ Công an (sẽ đề cập vào dịp khác) không phải để đối phó với ngoại nhân vì không thể, mà chỉ nhằm loại bỏ trách nhiệm giải trình, ngăn cản hoạt động giám sát, kiểm tra, điều tra...
***
Trên thực tế, chẳng riêng dân chúng mà một số viên chức hữu trách cũng cảm thấy không thể bỏ qua tình trạng lợi dụng “bí mật quốc gia” trong mua sắm trang bị, thiết bị, vũ khí, phương tiện quốc phòng, an ninh.
Tại kỳ họp của Quốc hội Việt Nam khóa 13 diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đã đề nghị kiểm soát việc mua sắm phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là “nhạy cảm” nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích.
Ở vị trí vừa là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, vừa là Đại biểu Quốc hội, ông Bình đề nghị Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an.
Ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa 13, không chỉ tán thành đề nghị của ông Bình mà còn yêu cầu phải thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (1)…
Cần lưu ý, trước khi đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông Trường thì có tám năm làm việc liên tục tại Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Việt Nam. Họ có lý do để đưa ra những đề nghị như vậy. Tuy nhiên, mua sắm phương tiện quốc phòng đã, đang và chưa rõ đến lúc nào mới không còn là… “bí mật quốc gia”.
***
Mua sắm phương tiện quốc phòng, an ninh vốn không đơn giản vì liên quan đến nhiều yếu tố như nhu cầu (cả hiện tại lẫn dự báo) – tính năng – tài chính – huấn luyện sử dụng - bảo trì – sửa chữa - nâng cấp...
Thiếu minh bạch và không giám sát chặt chẽ không đơn thuần chỉ là thiệt hại cho công quỹ. Vụ chiến đấu cơ loại SU-22U rơi ngày 26/7/2018 tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện là ví dụ.
Lúc đó, một số nguồn thạo tin tại Việt Nam cho biết, chiến đấu cơ này nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine “nâng cấp”, chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các phi vụ trên đất liền, “nâng cấp” nhằm thực hiện các phi vụ trên biển (2). Tờ Sputnik cho biết, các công ty ở Ukraine tham gia “nâng cấp” lô Su-22U cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện đơn đặt hàng (3).
Việt Nam cũng đã từng gửi một container chứa các đầu dẫn Vympel R 73E (một loại hỏa tiễn tầm ngắn thường gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga) sang Ukraine để “bảo dưỡng”. Khi container được vận chuyển đến Phần Lan thì bị Phần Lan tạm giữ do “không khai báo” và “không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan”. Trong khi Phần Lan tuyên bố có thể sẽ tịch thu vì vi phạm luật pháp Phần Lan về xuất cảng “vật liệu quốc phòng” thì Việt Nam khẳng định, gửi “bảo dưỡng” là “bình thường” (4)...
Nhãn “bí mật quốc gia” vừa có thể giúp Bộ Quốc phòng tùy tiện định đoạt khoản tiền lên tới vài tỉ Mỹ kim/năm, vừa tạo điều kiện cho Bộ Quốc phòng phủi sạch trách nhiệm mỗi khi xảy ra những biến cố có dính líu đến các thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng. Tuy nhiên, do tính chất của các trang bị, thiết bị, vũ khí, phương tiện phục vụ quốc phòng, duy trì việc biến “bí mật quốc gia” thành khiên, che chắn cho các thương vụ mua sắm trong lĩnh vực quốc phòng sẽ tạo ra giá rất đắt không chỉ về tiền mà còn về nhân mạng và độc lập, chú quyền quốc gia khi xứ sở nguy biến. Những thông tin, hình ảnh và kết quả mà quân đội Nga gánh chịu trên chiến trường Ukraine chính là ví dụ.
***
Có lẽ các viên chức hữu trách ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục lặp đi, lặp lại về chuyện trong đối ngoại sẽ “không chọn bên mà chọn chính nghĩa”. Thế còn trong đối nội, trong những chuyện dường như có liên quan giữa Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng (VAXUCO) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói riêng, những thương vụ mua sắm phương tiện quốc phòng nói chung, họ sẽ chọn thứ gì? Chọn “bên” hay chọn “chính nghĩa”?
Chú thích
(3) /a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html