Làng chài Lăng Cô nằm ở phía Bắc chân đèo Hải Vân, nơi có bề dày gần ba trăm tuổi với nghề chài lưới và lặn hải sản. Đây từng là một làng chài thịnh vượng, có khả năng cung cấp nguồn cá tốt nhất và ngon nổi tiếng miền Trung. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm, sau sự cố Formosa xả độc ra biển miền Trung, làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế có nguy cơ đi vào quên lãng bởi mọi hoạt động đánh bắt bị đình trệ, ngư dân bỏ lưới và mất sinh kế.
Ông Tí, ngư dân trẻ làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Nếu chưa xảy ra sự cố môi trường biển thì như tháng này mình làm sắm Tết trong nhà đầy đủ, không dư nhưng cũng không thiếu. Không đi biển thì mình đi lưới, chài ở đầm. Nhưng từ lúc bị sự cố môi trường biển, làm ăn khó khăn hơn mấy năm. Như mấy năm trước thì giờ mấy anh em đi biển, đi chài hết chứ có đâu ở nhà thế này đâu, thành ra khó đủ thứ.”
Một ngư dân tên Tuấn ngậm ngùi: “Như hồi chưa có sự cố môi trường biển thì mấy tháng Tết này chúng tôi lặn về bán được cả mấy chục triệu nhưng giờ ngồi không, không có gì hết trơn luôn.”
Ông Thu, một ngư dân khác ở làng chài Lăng Cô, cho biết: “Tết thì giờ không được như ngày xưa. Bởi làm có được đâu mà có gì ăn Tết hay ăn Tết cho vui vẻ được...”
Xuân về Tết đến cũng là mùa đánh bắt khởi niên của làng chài Lăng Cô, nhưng các thợ lặn tôm sú, tôm hùm ở Lăng Cô không hề có động tịnh nào. Khác với nhiều năm trước đây, vào Mồng Hai Tết, cả làng chài sẽ làm lễ khai trương năm đánh bắt bằng cách đưa tàu thuyền ra khơi để lặn tôm hùm, tôm sú và đánh bắt cá. Nhưng từ khi biển bị nhiễm độc đến nay, dường như nguồn hải sản bị cạn kiệt và cái chết vì biển độc của một số thợ lặn ở Hà Tĩnh đã khiến cho các thợ lặn làng chài Lăng Cô cảm thấy lo sợ, không dám xuống nước. Công việc ngưng trệ kéo theo hàng trăm hệ lụy. Tết về, đời sống ngư dân trở nên eo hẹp và ngột ngạt. Mặc dù mọi hoạt động đón Tết vẫn phải diễn ra, nhưng dường như phía sau những hoạt động đón Tết của các gia đình ngư dân là một sự trống rỗng, tuyệt vọng, khó diễn tả thành lời. Bởi thêm một năm bất an và vô định đối với nghề biển đang chờ phía trước.
Ông Tuấn, ngư dân làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, tiếp lời: “Như cá mình nuôi giờ cũng chết, cứ nuôi là chết, lồng cá vứt hết, tiền đâu mà bù nổi, vốn đâu? Nhà nước bồi thường nếu phát được một lần thì người dân còn có thể dùng để sắm gì đó mà đổi nghề chài, nhưng đằng này họ chia làm mấy đợt, có sắm được gì đâu, mỗi lần phát còn không đủ để ăn thì lấy gì mà, không đủ ăn trước trả sau...”
Dường như các khoản tiền bồi thường nhỏ nhoi, có tính nhỏ giọt bởi chia ra quá nhiều đợt từ phía Formosa và chính phủ Việt Nam đối với ngư dân làng chài Lăng Cô nói riêng, và các làng chài Bắc miền Trung nói chung, không những không giúp ổn định kinh tế mà còn đặt lên vai ngư dân một gánh nặng trong tương lai, khi mà tiền đền bù của Formosa chẳng thấm vào đâu, nghề chài lưới lại tiếp tục khủng hoảng và kinh tế miền Trung cũng khủng hoảng dây chuyền. Tết về trên làng chài Lăng Cô như một dấu lặng, buồn và ảm đạm.