Trang Ðài Glassey-Trầnguyễn và 'Mùa yêu con thứ nhất'

  • Trần Ðạo
  • Trần Trung Ðạo quê Duy Xuyên Quảng Nam. Cựu học sinh Trung Học Duy Xuyên, Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An. Cựu sinh viên Kinh Tế, Vạn Hạnh và Luật, Sài Gòn. Vượt biên bằng đường biển năm 1981, tạm trú tại trại Palawan, định cư tại Mỹ trong cùng năm. Học điện toán tại Wentworth Institute of Technology và Boston University. Kỹ sư điện toán cho một công ty đầu tư tài hánh tại Boston.


  • Khởi động các sinh hoạt văn hóa, tuổi trẻ trong mạng lưới Internet từ cuối thập niên 80. Ðóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng các phong trào trẻ tại hải ngoại từ đầu thập niên 90 đến nay. Thuyết trình về các chủ đề tuổi trẻ tại các cộng đồng Việt Nam, các hội nghị nhân quyền, đại học, tổng hội sinh viên, trại hè.


  • Tác phẩm đã in: Giấc Mơ Việt Nam (văn), Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, thơ; Thao Thức, thơ; Thơ Trần Trung Đạo, thơ; Tâm bút Trần Trung Đạo, văn.


  • Tác phẩm sắp hoàn tất: Dưới bóng đa chùa Viên Giác (viết chung với Thượng Tọa Thích Như Điển); Tâm bút Trần Trung Đạo (tập 2)

Buổi sáng tháng Hai, đi bộ một mình dọc bờ sông thánh của Hindu và Phật Giáo. Giòng sông có tên Mẹ Ganga. Hàng năm, trong những ngày hội lớn, người dân Ấn đến đây và cùng hát "Ganga Mata Ki Jai!" (Vinh quang dâng lên Mẹ Ganga!). Suốt nhiều thế kỷ, theo truyền thuyết, Mẹ Ganga là nơi Lord Brahma lần đầu chào đón Lord Shiva bằng lễ Agni Pooja bừng lửa đỏ mỗi đêm dọc Dashashwamedh Ghat.

Mẹ Ganga như một bào thai tinh thần cưu mang dân tộc Ấn từ nguyên thủy. Mẹ Ganga, ngay chỉ cái tên thôi đã một niềm thúc dục huyền bí, sâu thẳm trong lòng người. Đối với đại đa số người dân Ấn, song Hằng là cội nguồn của đời sống tinh thần và là dòng sữa nuôi dưỡng dân tộc Ấn suốt hơn bảy ngàn năm.

Nghĩ đến Ganga như một bào thai, tôi chợt nhớ mình còn nợ một nhà thơ để viết vài suy nghĩ của mình về tập thơ cô sắp in vào Ngày Mẹ năm nay. Nội dung tập thơ cũng xoay quanh cái bào thai của người mẹ.

Tác giả tập thơ “Mùa Yêu Con Thứ nhất” mà chúng ta đang đọc là Trangđài Glassey-Trầnguyễn, người bạn nhỏ tôi quen của thời Internet mới hình thành trong cộng đồng người Việt vào những năm đầu thập niên 1990. Tôi sẽ gọi Trang Đài như ngày xưa thay vì Trangđài Glassey-Trầnguyễn trong bài viết này.

Tôi rất thích thú đọc những bài thơ Trang Đài gởi, như cách cô mô tả tử cung của người mẹ, nơi tạm trú của một đứa con và là phần không gian thiêng liêng huyền diệu nhất trong thân thể người mẹ:

mẹ chợt hiểu
tại sao một phần cơ thể của mình
được gọi là ‘tử cung’
nơi đó
mẹ là kiến trúc sư
xây cho con mái nhà bình an
thứ nhất

Nhận được lời đề nghị của Trang Đài chỉ hai ngày trước khi đi xa. Tôi phải làm việc ở Ấn gần một tháng. Thoạt đầu tôi nghĩ Trang Đài quen biết rất nhiều nhà thơ tên tuổi, có nhiều tác phẩm, có chiều dày sáng tác, tài năng, tuổi cao đức trọng hơn tôi, việc nhờ họ chắc là không khó. Cách dễ dàng và chính đáng nhất của tôi là từ chối. Nghĩ vậy, nhưng tôi không thể buông câu từ chối. Không phải vì ngại mất đi một vinh dự được viết vài dòng cho tập thơ của cô nhưng quan trọng hơn mất một cơ hội để bày tỏ lòng quý mến từ lâu tôi dành cho Trang Đài.

Đó là những ngày không khí tỵ nạn còn đang nóng bỏng. Những người ra đi và những kẻ trở về. Những tên trại được nhắc đến thường xuyên trong mạng lưới Internet Việt Nam còn rất thô sơ, đơn giản và giới hạn. Trang Đài là một trong những khuôn mặt trẻ trong cộng đồng, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại. Cô hăng say nhiệt huyết. Có một thời báo chí còn gọi Trang Đài là “đại sứ sinh viên” trong tập thể sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt tại Châu Âu khi Trang Đài được tặng học bổng Fulbright.

Tôi quý mến những người sống tích cực cho cộng đồng và xã hội. Cuộc sống như chiếc cầu nhiều nhịp, như con đường hai chiều, không chỉ là một hưởng thụ nhưng còn là một hiến dâng. Hiến dâng là một trách nhiệm đạo đức. Ông Dupont ngồi 20 năm bên cầu Lausanne chỉ để an ủi, cản ngăn những người bị bịnh trầm cảm khỏi nhảy xuống cầu. Hành trình của con người không phải chỉ bước lên những dấu chân của người đi trước nhưng còn khai phá những con đường mới như “người đàn bà” trong “người mẹ” Trang Đài.

tôi đang nựng con
mút mùa
thì mụ đàn bà dấn thân xốc tôi lên
xem triển lãm, viết bài hỗ trợ gây quỹ, đi quảng bá dân nhạc Việt Nam

Con người có thói quen phê bình các hiện tượng tiêu cực trong đời sống nhưng cũng thường đứng sang một bên để chúng tự do sinh sôi nảy nở. Những người dâng hiến không dừng lại ở phê phán mà còn tìm mọi cách để thay đổi, để làm mới gia tài của thế hệ mình trước khi trao gởi cho các thế hệ đến sau. Nhiều khi phương pháp hay nhất để ngăn chặn và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực là làm và khuyến khích mọi người hãy làm những điều tích cực. Trang Đài thuộc lớp người dâng hiến và luôn làm những điều tích cực.

Có người bảo nhiệt tình của tuổi hai mươi như thời gian trôi cũng qua đi và không trở lại. Thế nhưng, không phải ở ai câu nói đó cũng đúng như vậy. Tuy nhiều năm không “gặp” lại, Trang Đài vẫn nhiệt tình như thưở tuổi hai mươi. Người bạn nhỏ hăng say tích cực tôi quen từ những ngày cô còn ở Stanford bây giờ đã làm mẹ. “Gặp lại” Trang Đài, chồng và con trên Facebook, tôi cảm thấy rất vui, và vui hơn khi biết Trang Đài không nhiều thay đổi, vẫn tiếp tục đóng góp vào các sinh hoạt văn hóa, cộng đồng và tuổi trẻ. Trong “người mẹ” Trang Đài vẫn còn một “người đàn bà” cùng tên ngồi “lốc cốc gõ những khái niệm,

phân tích, nhận định, thông tin”. Dĩ nhiên hai người đàn bà đang sống trong một hoàn cảnh và điều kiện khác hơn, tuy hai mà một và tuy một mà hai.

Tập thơ Mùa Yêu Con Thứ Nhất không phải là tập thơ đầu của Trang Đài. Ít nhất tôi đã được tác giả tặng một tập thơ khác khoảng mười năm trước. Tôi vẫn nhớ rõ tập thơ của Trang Đài được in rất đẹp từ hình thức đến nội dung. Những bài thơ đầu tay cô viết về tình yêu, tình người, tình quê hương bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Lợi thế của Trang Đài là cô sống ở Việt Nam một khoảng thời gian đủ dài sau 1975 để chứng kiến và cảm nhận những trăn trở của đồng bào, hiểu được những thách thức mà cả dân tộc đang đứng trước. Trang Đài, trong những ngày sang Mỹ, với vốn liếng Việt ngữ đủ dày và khả năng hội nhập rất nhanh vào nền văn hóa mới, đã trở thành một con thoi giữa thế hệ cha chú và thế hệ các em.

Tôi hứa với Trang Đài sẽ viết những suy nghĩ của mình trên đường đi Ấn nhưng khi đến New Delhi mới ngồi xuống gõ những dòng đầu. Dù sao, không gian huyền bí và thời gian hiếm hoi ở Varanasi, đã giúp cho ý tưởng trong bài viết này hiện ra. Tôi không viết được ngay tại sông Hằng như mình mong muốn chỉ vì nhà khách tôi trọ tại Varanasi quá chật hẹp, không có internet và nhất là bầy muỗi như đàn trực thăng vần vũ trên đầu. Đêm nằm nghe tiếng Mẹ Ganga như hát ru con từ ngàn năm xưa.

Việt Nam không có Mẹ Ganga nhưng có Mẹ Việt Nam, biểu tượng cho tình yêu sâu thẳm và chịu đựng gian nan. Mẹ Việt Nam có giọng ru ngọt ngào nhưng cũng có tiếng khóc rất thảm thương. Trong lúc tình yêu của một bà mẹ ở quốc gia nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ Việt Nam thì khác hơn nhiều. Bà mẹ Việt Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả những nét đẹp của quê hương, đất nước, tình thương, còn là những hình ảnh đầy thương tích, tủi buồn nói lên sự chịu đựng, gian nan, khổ cực không thể nào đo lường hết được. Mỗi bước chân chúng ta đi trên đường đời mấy chục

năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của mẹ Việt Nam bất hạnh, đã khóc trong chiến tranh, khóc trong hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa biển Đông và khóc trên xứ người hiu quạnh.

Khái niệm mẹ gắn liên với tôi gần như trong mọi lãnh vực của đời sống và suy nghĩ. Một bóng mây, một giòng suối, một con sông đều gợi trong tôi hình ảnh mẹ. Tại sao tôi hay viết về mẹ? Bởi vi đó là tình thương trên tất cả mọi tình thương con người. Tình mẹ không chỉ cảm nhận nhưng còn nắm bắt được, giữ gìn được. Và hơn nữa, tình mẹ không chỉ tuyệt vời mà còn tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Suốt đời tôi đi tìm mẹ.

Mẹ và quê hương là một. Tôi viết nhiều lần nhứ thế. Vâng, nhưng đó không phải là một khám phá vì ai cũng biết. Trang Đài khác và tinh tế hơn tôi. Cô còn đi sâu hơn nữa khi viết con và quê hương cũng là một:

ôi, Yêu Dấu, con thở ra trăm cõi
xõa quê hương trên vũng nhớ đơn côi
mùi mía thơm trong nắng Tết trắng vôi
mùa tảo mộ nửa con trăng Nguyên Đán

con đã đến, quê hương thôi lẻ bóng
quê-hương-con bòng bọng nước tao phùng.

Và Trang Đài giải thích: “Con và quê hương, đối với một người mẹ Việt Nam xa quê, đã nên một. Con là tất cả những hy vọng và tình thương mà mẹ muốn trao cho quê hương, và chính quê hương lại là di sản thiêng liêng nhất mẹ muốn trao cho con. Chính trong con, mẹ đã tìm lại quê hương khi mẹ trao quê hương cho con mỗi ngày trong cúc cục cù lao. Con, quê hương, và mẹ cùng lớn lên trong một sự sống mới, gặp nhau trên một sinh lộ mới.” Thật vậy, quê hương, mẹ, con dù khác nhau vóc dáng như cũng chỉ là một tâm hồn.

trong những hiệp thông hằng ngày
những đớn đau thể xác
được cứu rỗi bằng phần thưởng tinh thần
và trong cuộc đại vượt qua này
phần thưởng của mẹ là chính con.

mẹ chỗi dậy
sau những ngày đau đớn
trên giường hồi phục
dâng lời tri ân
cho mầu nhiệm sự sống
trong con

và thể xác vẫn đau
nhưng tinh thần minh mẫn
mẹ tiếp tục hiệp thông
đến ngày hoàn toàn hồi phục
dâng mỗi cơn đau
làm hy lễ tình yêu
trong mối tình Trời-mẹ-con

Tôi trích khá dài bài thơ tôi thích nhất trong những bài thơ Trang Đài gởi không phải để giải thích một tín lý tôn giáo, một “ân sủng” hay một “căn cơ”, nhưng nói lên sự nhiệm màu của sự sống thể hiện qua nỗi đau và hạnh phúc của một người mẹ khi lần đầu tiên trên thế giới này nhìn tận mặt một con người khác đã có hẹn với mình từ vô thủy. Sự có mặt của con đã làm không chỉ làm người mẹ khác đi mà cả thế giới khác đi.

Tình yêu mẹ và con, sợi dây thiêng liêng tưởng như vô hình đã trở thành một thực tế. Hạt máu đã nở thành hoa để mẹ được thưởng thức một mùi hương thơm không thể tả bằng ngôn ngữ, được ôm ấp lấy con trong lòng, được vuốt ve lấy những ngón tay nhỏ nhoi còn hiện lên những đường gân máu. Hình hài nhỏ bé của con là kết quả của một hạnh duyên, một tương quan từ thăm thẳm xa xôi.

hạnh duyên con đến trong đời
khai lòng mẹ, đắm tuyệt vời cung tơ
gặp con mới phút giây mơ
mà tình mẹ đã hẹn chờ nghìn thu

Để rồi, ngày rời khỏi bịnh viện cũng là ngày hai mẹ con, như hai bạn đồng hành, cùng hát vang bài ca lên đường để bắt đầu một một chuyến đi mới của cuộc đời họ. Trên cánh đồng mùa xuân, trong mùa hè nắng cháy, trong mùa đông lạnh rét, họ sẽ đi với nhau và sẽ hát với nhau.

có thái dương
từng ngày
đông rạng
soi nhân gian
sưởi ấm cuộc đời
như mặt trời
mẹ mỗi ngày thức dậy
để mỗi ngày
mỗi đem nắng trên con

Nhưng như Trang Đài viết trong “Mùa Yêu Con Thứ nhất,” cuộc sống là những cuộc sinh ly tiếp nối. Khi con ra đời, khi con dứt sữa, khi xa con lần đầu, khi con đến trường, khi con mười tám tuổi. Không có gì mãi mãi cùng nhau. Không một “thành lũy kiên cố để chắn con” không ra khỏi căn nhà. Từ “một cái chấm đầy huyền bí, háo hức” đã khôn lớn thành người và sẽ đi xa.

Những hạt nước nhỏ xuống hôm nay, ngày mai sẽ là những đám mây vần vũ bốn phương trời. Hãy để những huyền bí mãi mãi tồn tại với con người. Đừng hỏi hạt nước từ đâu đến và sẽ tan về đâu. Hôm nay và chỉ có hôm nay là thời gian và không gian hạnh phúc nhất. Sống trọn vẹn với nhau để rồi mai mốt có xa nhau, vẫn tin sẽ có ngày gặp lại.[TTĐ]

Tuyển tập thơ của Trangđài Glassey-Trầnguyễn, PiVA Poets in VietnAmerica xuất bản, ấn phí $10, bưu phí $3. Liên lạc: 7791 Santa Catalina, Stanton CA 90680, vietamproj@gmail.com, www.trangdai.net