Mức độ rủi ro của tín dụng ở Việt Nam

  • Nguyễn Mạnh Hùng

Mức độ rủi ro của tín dụng ở Việt Nam

Ngày 30-07 vừa qua, hãng Fitch hạ mức từ BB- xuống B + khi đánh giá tín dụng Việt Nam. Hãng này, cùng với Standard & Poor’sMoody’s, là những hãng lớn nhất trong ngành thẩm định tài chính và tín dụng trên thế giới. Cả hai hãng S&P’s và Moody’s cũng đều hạ mức Việt Nam, nhưng ít hơn Fitch. Mặc dầu Fitch đã cảnh báo hai lần từ tháng 3 và tháng 5, chưa thấy phản ứng gì từ Nhà nước, chỉ có độc đại diện Ngân hàng Á Châu ở Việt Nam tỏ ý ngạc nhiên.

Định mức nói trên là cách thẩm định phẩm hạng những hình thức tín dụng được Nhà nước một quốc gia bảo đảm. Hạ mức đánh giá tín dụng đồng nghĩa với khả năng chi trả của Nhà nước giảm, và độ rủi ro của công trái và tiền nước ngoài cho Việt Nam vay tăng. Nhìn từ quan điểm cân bằng toàn bộ của thị trường vốn tư bản, độ rủi ro sẽ tăng trong mọi hoạt động đầu tư, đẩy hiệu suất lợi nhuận của vốn lên cao, và lượng đầu tư trong nền Kinh Tế sẽ giảm theo qui luật cung cầu. Ở mức B+, đầu tư bị xếp vào loại “may rủi” (speculative). Hiện nay, Việt Nam tụt hạng, xếp dưới Indonesia ba mức và Philippines hai mức.

Fitch nhận định ra sao để đi đến kết luận hạ mức nói trên?

Bà Ai Ling Ngiam, giám đốc nhóm đánh giá tín nhiệm nợ nước ngoài của Fitch ở châu Á, cho rằng chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý tiền tệ của Việt Nam "không có kế hoạch, mang tính đối phó và bất nhất". Khả năng chi trả của Nhà nước thấp khi:

  1. Ngân sách Nhà nước thâm hụt: Fitch dự báo thâm hụt sẽ chiếm 7,6% GDP năm nay, chỉ kém hơn chút ít so với mức 8,7% của năm 2009.
  2. Mức nợ Nhà nước khá cao, Fitch cho là 45% GDP cho năm 2009. Thống kê Việt Nam thì tính nợ này ở mức 39%, cho là còn ở trong vùng an toàn. Chuyên gia Vũ Quang Việt nghi ngờ cách tính nợ công. Nợ này vượt nợ Nhà nước vì phải kể lương hưu của công nhân viên và quân đội, và nợ của địa phương (tỉnh, thành phố) cùng số công trái, trái phiếu địa phương phát hành.
  3. Cán cân vãng lai trong ngoại thương vẫn thâm hụt (tức nhập siêu). Fitch ước tính thâm hụt cán cân vãng lai sẽ ở mức trên 10% GDP năm nay. Dòng vốn dài hạn vào Việt Nam không đủ để bù đắp sự thâm hụt này. Fitch dự đoán tổng yêu cầu rót vốn từ bên ngoài sẽ tăng lên tương đương 79% dự trữ ngoại hối năm 2010 so với con số 37% năm 2009, cao hơn mức trung bình 55% cho chỉ số B. Fitch cho rằng điều này sẽ "làm tăng sự bấp bênh của Việt Nam trước tình hình bên tài chính ngoài thay đổi".
  4. Dự trữ ngoại hối rất thấp, chỉ đủ để chi trả 8 tuần số lượng nhập khẩu năm ngoái. Nhà Nước Việt Nam đề ra chính sách rút vốn và tài sản của những Doanh nghiệp Nhà nước ở nước ngoài về, nhưng hiện chưa biết trên thực tế sẽ thế nào.
  5. Mức cầu đô la tăng, tiền đồng mất giá, đưa nền kinh tế đến tình trạng đô la hóa, với tệ lạm phát nội địa có khuynh hướng tăng lên trong tương lai. Tập đoàn Citigroup nhận định lạm phát ở Việt Nam trong có thể lên tới năm nay 10%-11%.
  6. Bloomberg trích một báo cáo hồi tháng 6 của Ngân hàng Thế giới nói rằng hiện niềm tin vào tiền đồng "dần trở lại". Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nói dự trữ ngoại tệ của họ vẫn được "đảm bảo". Tuy vậy, báo New York Times cho hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam "chưa công bố chi tiết con số dự trữ ngoại tệ" của nước này. Thông tin Kinh tế mù mờ khiến tình trạng bấp bênh hiện nay là tâm lý chung.

Bà Ai Ling Ngiam tóm tắt rằng Fitch hạ mức thẩm định tín dụng Việt Nam vì: "Mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam kém đi trong bối cảnh các dòng vốn từ bên ngoài yếu đi, nhu cầu vốn gia tăng của Việt Nam để bù đắp cho khung chính sách kinh tế vĩ mô không đồng nhất, nền kinh tế đôla hóa cao và hệ thống ngân hàng yếu kém." Như thường lệ, chính sách nhà nước Việt Nam sẽ nhấn mạnh đến tăng trưởng trong thời gian gần đến Đại hội Đảng đầu năm sau, và điều này có thể đưa tới bất ổn. Sự bấp bênh trong khâu tín dụng phản ánh độ rủi ro khách quan, không thể thay đổi bằng chỉ lời nói và tâm thức duy ý chí. Trước ĐH Đảng Cộng sản Việt Nam, hẳn ổn định chính trị sẽ được biện minh bằng tăng trưởng kinh tế. Nhưng tăng trưởng ăn xổi hay tăng trưởng bền vững? Và tăng trưởng cho ai, tiền vào túi nào, ai lợi ai hại? Và về mặt dân sinh thì những người thường dân sướng hơn, hay khổ hơn, một khi Nhà nước “xã hội hóa” cả bệnh viện lẫn học đường bằng cái giá thị trường cắt cổ. Dẫu trước hay sau ĐH, đọc đít cua hô hào thôi không thay được những ban bệ kỹ trị thiếu khả năng lèo lái một nền Kinh tế còn rất nhiều bất cập. Nhất là, nhất là… xoa dịu được nỗi khổ thường dân.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.