Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy trước cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao hơn dự đoán trước kia vì hiện tượng tan băng nhanh ở Nam Cực.
Sử dụng các mô hình máy tính tinh vi, hai nghiên cứu gia người Mỹ Rob DeConto và David Pollard phát hiện ra rằng với tốc độ phát thải khí nhà kính hiện tại, các đại dương trên thế giới sẽ dâng lên gần 2 mét vào năm 2100 và lên cao tới 15 mét vào năm 2500.
Trái lại, báo cáo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Thay đổi Khí hậu dự báo mực nước biển sẽ dâng chỉ dưới 1 mét vào năm 2100, chủ yếu từ các vùng biển đang ấm dần lên, các sông băng tan chảy, và thềm băng Greenland.
Nếu dự báo của hai nhà nghiên cứu DeConto và Pollard đăng tải hôm 31 tháng 3 trên tạp chí Nature là chính xác thì nhiều khu vực ven biển như Nam Florida và New Orleans ở Hoa Kỳ, thành phố Thượng Hải, và Bangladesh có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng cao.
Cặp khoa học gia này nghiên cứu 2 giai đoạn trước đây của hiện tượng hâm nóng toàn cầu, cách đây 3 triệu năm và 125.000 năm, để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng tan chảy ở lục địa băng giá phía Nam. Họ phát hiện ra rằng các khối băng có thể trở nên không ổn định và bị vỡ vì nước ấm đọng trên các thềm băng Nam Cực và vì các vách băng khổng lồ cao ngất trên mực nước biển bị đổ sập.
Your browser doesn’t support HTML5