Một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm 30/7 tuyên án tù từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng đối với 15 người biểu tình chống một dự luật gây tranh cãi hồi đầu tháng 6. Nhà chức trách khép những người này vào tội “gây rối trật tự công cộng”, theo báo chí Việt Nam.
Cùng bị xét xử còn có 5 người khác, họ nhận mức án thấp hơn là 1 năm cải tạo không giam giữ do họ “đang nuôi con nhỏ”
Tin cho hay, bị cáo nhận bản án cao nhất là Nguyễn Duy Quang, 35 tuổi, ngụ ở huyện Thống Nhất trong tỉnh. Mức án cao thứ nhì, 1 năm 4 tháng tù, được tuyên cho Phạm Ngọc Hạnh, 45 tuổi, sống tại thành phố Biên Hòa. 13 người còn lại nhận mức án từ 8 - 10 tháng tù.
Hôm 10/6, nhiều cuộc biểu tình phản đối dự luật về đặc khu kinh tế đã nổ ra ở một loạt tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong các cuộc biểu tình này, một số người tham gia cũng phản đối một dự luật khác về an minh mạng.
Theo cáo trạng, nhóm của các bị cáo đã “gây náo loạn”, “cố tình chặn đường” và “làm ách tắc giao thông” trên một tuyến quốc lộ.
Mặc dù vậy, hội đồng xét xử nhận định rằng phần lớn trong số các bị cáo là những người “có nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị người xấu kích động, lôi kéo phạm tội”, nên tòa “giảm nhẹ hình phạt”, theo tường thuật của báo chí.
Trong khi đó, nói với VOA với điều kiện không nêu danh tính, người thân của một trong số các bị cáo cho rằng việc bỏ tù họ, dù với án nhẹ, vẫn là “một sự gán ghép vô lý” vì họ “chỉ thực hiện quyền bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”.
Linh mục Nguyễn Duy Tân thuộc giáo xứ Thọ Hòa, tỉnh Đồng Nai, người cũng là một nhà đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, có chung quan điểm.
Ông nói với VOA:
“Với cái mức án đó, cộng sản họ muốn hù dọa những người đi biểu tình ôn hòa. Đó là mức án phi nhân tính, một mức án tước quyền công dân, tước quyền biểu lộ chính kiến, tước quyền biểu tình của công dân. Bây giờ nhà cầm quyền độc tài lại cướp luôn quyền công dân đó, và họ vi phạm nhân quyền”.
Báo chí trong nước đưa tin là riêng ở Biên Hòa nhà chức trách đã bắt 52 người biểu tình hôm 10/6. Nhưng người thân giấu tên của một bị cáo nói với VOA rằng số người bị bắt lên đến “một trăm mấy chục người”.
Sau khi bản án được tuyên, một số người nhà bị cáo bày tỏ với VOA rằng căn cứ theo luật về tội gây rối, việc làm của các bị cáo không gây hậu quả nghiêm trọng nên họ chỉ đáng bị phạt tiền dưới 1 triệu đồng, thay vì phải nhận án tù.
Linh mục Nguyễn Duy Tân có quan điểm khác. Theo cách nhìn của ông, nhưng người thực hiện quyền tự do biểu đạt không đáng nhận hình phạt nào, kể cả phạt tiền.
Ông nói:
“Cũng không nên phạt tiền vì đó là quyền công dân. Họ đang giúp đất nước khỏi rơi vào tay giặc Tàu”.
Hơn hai tuần trước, một tòa án ở tỉnh Bình Thuận tuyên các án tù lên tới 2 năm rưỡi đối với 6 người tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu.
Các cuộc biểu tình chống dự luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã diễn ra trên toàn quốc hồi đầu tháng trước. Nhiều người Việt bày tỏ phẫn nộ hoặc lo ngại về điều khoản cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lên tới 99 năm trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bị Trung Quốc lợi dụng.
Sau khi nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 10/7 cho biết chính phủ Việt Nam sẽ “xin ý kiến rộng rãi” trong nhân dân về dự luật gây tranh cãi này trước khi trình quốc hội vào cuối năm nay.