Washington và các đồng minh của Mỹ tuyên bố vẫn tập trung vào nỗ lực buộc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phải từ bỏ tham vọng hạt nhân bằng các biện pháp răn đe, tăng áp lực, và tăng cường hoạt động ngoại giao.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm thứ Năm 27/10 bác bỏ thẩm định hồi đầu tuần này của Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, kết luận rằng nỗ lực thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân “có lẽ vô vọng.”
Ông Blinken nói:
“Chúng tôi không chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Chúng tôi không cho phép Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Dứt khoát như vậy.”
Thứ trưởng Blinken đã họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và Phó Ngoại trưởng thứ nhất của Hàn Quốc Lim Sung Nam tại Tokyo để bàn việc phối hợp một chiến lược thống nhất hầu đối phó với những hành động gây hấn vẫn đang tiếp diễn của Bắc Triều Tiên, kể cả hai vụ thử hạt nhân, và 24 vụ phóng phi đạn đạn đạo trong năn nay.
Ông Blinken nói Washington và các đồng minh tập trung tối đa vào nỗ lực thuyết phục chế độ Kim Jong Un tham gia đàm phán để chấm dứt tham vọng hạt nhân của nước này, bằng việc tăng sức ép, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao và tăng cường các biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của một tổ chức độc lập mang tên Hội đồng Quan hệ đối ngoại hôm thứ Ba, Giám đốc Tình báo Clapper nói giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên “sẽ không chịu đàm phán. Chương trình hạt nhân là chìa khoá cho sự tồn tại của chế độ.”
Your browser doesn’t support HTML5
Khí tài
Thứ trưởng Blinken hôm thứ Năm tái khẳng định với Nam Triều Tiên và Nhật Bản cam kết của Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp răn đe, kể cả đáp trả bằng vũ lực quân sự áp đảo nếu xảy ra bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào từ Bắc Triều Tiên.
Washington cũng đang chuyển khí tài quy ước như tàu chiến và máy bay ném bom vào khu vực, và các lực lượng đồng minh sẽ triển khai các lá chắn tên lửa, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Nam Triều Tiên.
Tại Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thương thảo để đề ra các biện pháp phụ trội để trừng phạt Bắc Triều Tiên, kể cả các biện pháp hạn chế giao thương và xuất khẩu lao động, đồng thời khép lại những kẽ hở mà Bắc Triều Tiên sử dụng để xuất khẩu than đá và khoáng sản, là các hoạt động thu lợi cao được che giấu dưới vỏ bọc “vì mục đích nhân đạo.”
Không tin tưởng
Các nhà phân tích Nam Triều Tiên trong tuần này đã bày tỏ ngờ vực về hiệu quả thiết thực của sách lược hiện nay. Họ nói hoặc là chiến lược hiện hành không đủ mạnh để buộc Bắc Triều Tiên bỏ chương trình hạt nhân của họ, hoặc là các biện pháp khích lệ trong chiến lược đang được áp dụng, chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại một hội nghị an ninh khu vực do Học việc ngoại giao quốc gia Triều Tiên tổ chức, ông Chun Young-woo, trưởng đoàn thương thuyết của Nam Triều Tiên tại vòng đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên năm 2008, nói rằng tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ không có tác dụng.
Ông Chun, hiện là chủ tịch Diễn đàn về tương lai của Bán đảo Triều Tiên, nói:
“Bắc Triều Tiên sẽ không thấy có bất cứ biện pháp khích lệ nào đủ hấp dẫn để từ bỏ chương trình hạt nhân, trừ phi sự tồn vong của họ bị đe dọa.”
Trung Quốc trừng phạt
Việc Trung Quốc thực thi các biện pháp cấm vận quốc tế được xem là thiết yếu để các biện pháp này có hiệu quả, bởi vì 90% giao thương của Bắc Triều Tiên đều đi ngang biên giới Trung Quốc-Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh không muốn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chế tài bởi vì họ sợ gây bất ổn dọc theo biên giới nước họ, nếu chế độ Kim Jong Un sụp đổ, dẫn đến một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự kiểm soát của Seoul, một đồng minh của Washington.
Mỹ mới đây đã áp dụng đợt trừng phạt thứ hai đối với một tập đoàn kinh tế Trung Quốc bị cáo buộc đã bán cho Bắc Triều Tiên các vật liệu cấm, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, và vì có dính líu đến các vụ chuyển tiền bất hợp pháp.
Nhưng Washington cũng muốn duy trì quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, bởi vì cả hai đều tán thành việc dùng các biện pháp hòa hoãn để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy những bảo đảm về an ninh và viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên Trung Quốc phản đối việc tăng cường các biện pháp răn đe quân sự của Mỹ và các đồng minh. Họ coi đây là một thái độ gây hấn và quan ngại rằng Washington có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng hạt nhân như một cái cớ để biện minh cho việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương, điều mà Bắc Kinh xem như một hành động nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu.
Ông Yoon Young-kwan là cựu chủ tịch Ủy ban Thống nhất Nam Triều Tiên, nói rằng Washington cần tăng sức ép để đòi Bắc Kinh phải cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên qua đợt chế tài thứ hai, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Ông Yoon, giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia Seoul, nhận định:
“Nếu Trung Quốc không chịu hợp tác, chọn lựa còn lại duy nhất của Mỹ là triển khai khí tài và các lực lượng quân sự quanh Bán đảo Triều Tiên.”
Thứ trưởng Ngoại giao Blinken nói Bắc Triều Tiên cho đến nay chưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân.