Các tổ chức nhân quyền hàng đầu nhấn mạnh với các nhà lập pháp Mỹ là sự đột phá lịch sử trong quan hệ ngoại giao với Cuba không nên làm giảm thiểu những mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với những vụ vi phạm nhân quyền tại Cuba. Thông tín viên Đài VOA Michael Bowman và William Gallo tường thuật.
Ông Mark Lagon, chủ tịch tổ chức Freedom House có trụ sở tại Washington, nói tại một buổi điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại thượng viện vào ngày 16 tháng 7:
“Tại Iran và Cuba, Hoa Kỳ cần dùng đòn bẩy ngoại giao để xem xét các vấn đề nhân quyền và không nên tách rời ngoại giao với những vấn đề khác, như trong trường hợp Iran, chỉ chú trọng đến vấn đề hạt nhân - hay như trường hợp Cuba, chỉ xem vấn đề ngoại giao như mục đích cuối cùng.”
Ông Lagon nói tiếp “Việc Hoa Kỳ tiến bước mạnh mẽ về phía trước, với việc khôi phục những mối quan hệ ngoại giao với Cuba giữa lúc vẫn còn có 100 nhà hoạt động ôn hòa bị giam giữ, đã gởi đi những tín hiệu lẫn lộn và gây tranh cãi.”
Thượng nghị sĩ Dân chủ người Mỹ gốc Cuba Robert Menendez nhân cơ hội thảo luận về quan hệ ngoại giao với Cuba, đã chỉ trích các đồng viện về việc những người này đi thăm đảo quốc cộng sản.
Ông Menendez nói “Đối với tôi, một điều đáng ngạc nhiên là khi các bạn đồng viện của tôi tại Thượng viện đi thăm Cuba, họ không thăm các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà báo độc lập, vì nếu làm như thế họ sẽ không được gặp các giới chức chính phủ Cuba.”
Chính quyền Obama vẫn cho rằng khôi phục quan hệ ngoại giao với Havana sẽ giúp cải thiện dân quyền và nhân quyền bằng cách tăng cường thông tin và trao đổi giữa hai nước vốn đã bị bế tắc trong hơn 50 năm qua.
Khi các quan hệ không còn băng giá nữa được loan báo vào cuối năm ngoái, Cuba đã đưa ra một số biện pháp xây dựng lòng tin liên hệ đến nhân quyền, trong đó có việc đồng ý trả tự do cho 53 nhân vật bất đồng chính kiến, nới rộng việc tiếp cận Internet, và cho phép các quan sát viên nhân quyền đến thăm nước này nhiều hơn.
Tuy nhiên theo các tổ chức hoạt động cho nhân quyền, chính phủ cộng sản Cuba vẫn tiếp tục giam giữ hơn mấy mươi người, hạn chế chặt chẽ tự do ngôn luận, và dùng biện pháp đe dọa để làm nản lòng những người chỉ trích chính phủ.
Ít nhất còn có 60 tù nhân chính trị bị giam tại Cuba, trong đó có ít nhất hơn hai mươi người bị giam giữ vì những tội liên hệ đến những cuộc biểu tình chính trị ôn hòa, theo phúc trình trong tháng này của Uỷ ban độc lập về Nhân quyền và Hòa giải quốc gia Cuba (CCDHRN).
Những con số này thấp hơn nhiều so với thập niên trước, là lúc Cuba giam giữ hàng ngàn tù nhân chính trị. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cảnh báo rằng trên một phương diện nào đó thì tiến bộ này có tính cách lừa dối và chỉ phản ánh một sự thay đổi chiến thuật.
Chẳng hạn như có sự gia tăng mạnh mẽ việc giam giữ tùy tiện, ngắn hạn, theo CCDHRN. Tổ chức này nhận được trên 7.100 báo cáo về tệ nạn giam giữ tùy tiện trong quý một năm ngoái, cao hơn gấp đôi con số của cùng kỳ năm 2013.
Theo phúc trình năm 2015 của Human Rights Watch về Cuba “Giam giữ thường được sử dụng như một biện pháp phủ đầu để ngăn không cho các cá nhân tham gia những cuộc tuần hành ôn hòa hay gặp gỡ để thảo luận về chính trị.”
Phúc trình của tổ chức có trụ sở tại New York này cũng chỉ trích Cuba “hạn chế nghiêm ngặt” quyền tự do ngôn luận. Phúc trình cho biết “chỉ có một số rất nhỏ người Cuba có thể đọc các trang mạng và trang blog độc lập vì giá dịch vụ internet quá cao và việc truy cập Internet bị hạn chế.”
Những người công bố các tin tức được xem như chỉ trích chính phủ đôi khi trở thành nạn nhân của những chiến dịch bôi nhọ, bị tấn công hay bị bắt giữ tùy tiện - các nghệ sĩ và các học giả đòi hỏi tự do nhiều hơn cũng là nạn nhân.”
Tổng thống Barack Obama cho rằng gia tăng giao tiếp với Cuba không ít thì nhiều sẽ giúp đưa đến việc khuyến khích nhân quyền và cải cách chính trị.
Một số tổ chức nhân quyền đồng ý với cách đánh giá này.
Trong một tuyên bố vào tháng 12 năm ngoái, Human Rights Watch nói “quyết định lịch sử của Tổng thống Barack Obama để thay đổi chính sách đối với Cuba là một bước cần thiết tiến đến việc vượt qua một chướng ngại to lớn về tiến bộ trong nhân quyền trên đảo quốc này.”
Ông José Miguel Vivanco, giám đốc Châu Mỹ của Human Rights Watch nói “Thay vì cô lập Cuba, cấm vận đã cô lập nước Mỹ, làm mích lòng những chính phủ có thể lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Cuba.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London cũng bày tỏ hy vọng là quyết định của Hoa Kỳ sẽ tạo ra cơ hội “thúc đẩy chương trình làm việc cho nhân quyền.”
Tổ chức này đưa ra nhận xét “Nếu việc cấm vận của Mỹ đối với Cuba và những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế và những quyền xã hội của người Cuba được gỡ bỏ trong khuôn khổ của nỗ lực bình thường hóa các quan hệ giữa hai nước, điều đó có nghĩa là nhà cầm quyền Cuba không còn sử dụng những chế tài làm tê liệt Cuba như một cái cớ để bị tụt hậu trong những nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của nước này.
Trong một phúc trình mới nhất về tình trạng nhân quyền toàn cầu, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục làm áp lực đối với Cuba. Họ công nhận là những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng tại đảo quốc này.
Your browser doesn’t support HTML5