Hoa Kỳ và các đồng minh “báo động” trước các mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên cũng như sự gia tăng hỗ trợ quân sự của nước này cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết hôm 16/10, nhưng không thể xác nhận tuyên bố của Ukraine rằng binh lính Triều Tiên được gửi sang chiến đấu cho Moscow.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã phát biểu với các phóng viên sau các cuộc thảo luận với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản về việc tái khởi động chiến dịch gây sức ép quốc tế chống lại Triều Tiên, vốn đã chững lại trong những năm gần đây trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Trước đó vào ngày 16/10, Washington, Seoul và Tokyo đã công bố kế hoạch với tám chính phủ phương Tây thành lập một nhóm đa quốc để giám sát việc thực thi các chế tài đối với Triều Tiên.
Vào tháng 3, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Liên hiệp quốc trong một động thái về cơ bản đã bãi bỏ việc các chuyên gia Liên hiệp quốc giám sát các chế tài của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên. Điều này đã thúc đẩy các cáo buộc của phương Tây rằng Moscow đang hành động để bảo vệ các giao dịch mua vũ khí từ Bình Nhưỡng nhằm thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Ông Campbell cho biết có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tăng cường hỗ trợ vật liệu, bao gồm pháo binh và phi đạn, cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, mà ông cho là “gây thêm bất ổn ở châu Âu”. Ông nói Hoa Kỳ vẫn đang đánh giá các phúc trình rằng Triều Tiên cũng đang gửi người sang Ukraine chiến đấu cho Nga.
“Chúng tôi lo ngại về họ và ... chúng tôi đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”, ông Campbell nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tố cáo Triều Tiên đang cử nhân viên quân sự để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Truyền thông Ukraine đưa tin đầu tháng này rằng có sáu người Triều Tiên nằm trong số những người thiệt mạng sau cuộc tấn công bằng phi đạn của Ukraine vào khu vực Donetsk phía đông bị chiếm đóng một phần vào ngày 3 tháng 10.
Triều Tiên cũng đưa ra những lời đe dọa khiêu khích ngày càng tăng đối với Hàn Quốc, bao gồm cáo buộc Hàn Quốc xâm nhập bằng máy bay không người lái để thả tờ rơi tuyên truyền chống Triều Tiên xuống Bình Nhưỡng và đe dọa sẽ tấn công nếu điều đó xảy ra một lần nữa.
Ngày 15/10, Triều Tiên đã cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt phía Bắc chưa sử dụng từng nối liền nước này với Hàn Quốc, trong một vụ phá hủy được dàn dựng để thể hiện sự tức giận ngày càng tăng của nước này với chính phủ bảo thủ của Hàn Quốc.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã tăng vọt kể từ năm 2022, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lợi dụng cuộc chiến của Nga ở Ukraine làm cơ hội để tăng cường các hoạt động thử vũ khí và đe dọa. Washington, Seoul và Tokyo đã tăng cường các cuộc tập trận chung để đáp trả và thực hiện các bước để tăng cường các chiến lược răn đe hạt nhân được xây dựng xung quanh các tài sản chiến lược của Hoa Kỳ.
Sau cuộc hội đàm với ông Campbell và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masataka Okano, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong Kyun cho biết ba nước lên án “những động thái cố ý gây căng thẳng” của Triều Tiên.
“Chúng tôi đã nhất trí duy trì lập trường chung vững chắc giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ để phản ứng kiên quyết với các hành động khiêu khích của Triều Tiên và tăng cường hợp tác an ninh thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản”, ông Kim nói.
Ba nhà ngoại giao đã ra tuyên bố chung lên án Triều Tiên về các hoạt động phát triển hạt nhân và phi đạn, tăng cường hợp tác quân sự với Nga và nhiều hoạt động bất hợp pháp khác để tài trợ cho chương trình vũ khí của nước này và nhấn mạnh cam kết “bền chặt” của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các đồng minh của mình.
Tuyên bố này cũng phản ánh căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
Ba nhà ngoại giao bày tỏ sự phản đối đối với “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng” ở vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và “các yêu sách hàng hải phi pháp” ở Biển Đông. Họ cũng chỉ trích các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và nhấn mạnh rằng “không nên có thêm hành động nào phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”.